Xin cho biết ý kiến đánh giá của ông về kết quả phát triển kinh tế năm 2017 và những nguyên nhân để kinh tế Việt Nam đạt được kết quả này?điểmnhấncủakinhtếsẽđượctiếptụctrongnălịch phát bóng đá
2017 có thể nói là năm thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Kết quả của sự nỗ lực đó là đã có những điểm sáng tích cực, nhưng cũng còn không ít những điều cần suy ngẫm để làm tốt hơn. Về điểm sáng, đây có lẽ là một trong số ít những năm mà Chính phủ hoàn thành được tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra với 13/13 mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó có tăng trưởng GDP đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tất nhiên, các mục tiêu này có đủ hay tròn trịa không lại là câu chuyện khác, nhưng dẫu sao, về tổng thể, chúng ta đã thu được những kết quả đáng ghi nhận trong điều hành thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân đạt được, về khách quan là do năm 2017 tình hình kinh tế thế giới và khu vực chuyển động tích cực hơn, mặc dù còn không ít rủi ro và bất định. Hơn nữa, sau rất nhiều nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô từ những năm trước thì năm vừa qua Việt Nam bắt đầu bước vào chu kỳ kinh tế đi lên. Bên cạnh đó, về chủ quan, là nhờ nỗ lực cải thiện, cải cách của Chính phủ thể hiện ở việc điều hành phát triển kinh tế sát sao hơn. Ngoài ra kết quả đó cũng đến từ sự nỗ lực tái cấu trúc, ví dụ như cải cách DNNN đã đi vào thực chất hơn, nhất là việc cải cách, cải tổ một số tập đoàn lớn, xử lý công trình dự án yếu kém. Đây cũng là năm chúng ta đặt ra những nền móng về pháp lý như Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng để xử lý nhanh, mạnh hơn các vấn đề tồn đọng, các ngân hàng yếu kém, nợ xấu hệ thống ngân hàng…
Vậy đâu là những hạn chế, điểm nghẽn cần tiếp tục tháo gỡ, thưa ông?
Theo tôi, kinh tế Việt Nam hiện nay đang rất mở, đã có những kết quả tích cực nhưng không nên chủ quan, bởi như tôi đã nói, những kết quả đó có vấn đề mang tính chu kỳ.
Về hạn chế, thứ nhất, trong điều hành còn không ít vấn đề nổi cộm, ví dụ như, chúng ta đã nhận những yếu kém, những lĩnh vực, vấn đề cần xử lý, nhưng nó lại đang ngồn ngộn, vậy phải làm sao thấy được tính chất ưu tiên, cần tập trung vào để xử lý bài bản, rõ nét hơn. Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, phù hợp thông lệ cam kết quốc tế, tuy nhiên, đâu đó cách điều hành vẫn mang tính mệnh lệnh, chỉ huy và điều này không tốt cho đường hướng cải cách, cho việc tạo dựng lòng tin thị trường trong trung và dài hạn.
Thứ hai, về kết quả phát triển kinh tế có nhiều lĩnh vực vẫn chưa được như ý muốn, ví dụ cải cách DNNN còn rất chậm, năm 2017 là năm cắt giảm chi phí cho DN, vấn đề này đã có chuyển biến nhưng về cơ bản chi phí của DN vẫn cao. Ngoài ra, trong tương tác với công chúng, xã hội thì vấn đề giải trình, chấp nhận va đập để giải trình một cách tường minh, có trách nhiệm vẫn còn chỗ này chỗ kia chưa kịp thời, chưa sát, đúng với mong muốn với việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ.
Theo ông, những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế năm vừa qua sẽ trở thành động lực, bệ đỡ như thế nào cho phát triển kinh tế năm 2018 sắp tới?
Tôi cho rằng, có 3 điểm nhấn của kinh tế 2017 sẽ được tiếp tục trong năm 2018. Trước hết, theo dự báo, chuyển động tích cực của kinh tế thế giới và khu vực vẫn tương đối tốt, dù không phải là những bứt phá nhưng sẽ tạo ra không gian, dư địa tốt hơn cho chính sách phát triển của Việt Nam, mặc dù không phải không có bất định, rủi ro từ địa chính trị, tài chính, chính sách của các nước lớn, vấn đề tiến trình tự do hóa thương mại… Cùng với đó, hy vọng sẽ có những chuyển động tích cực, có tiên liệu tốt đối với hội nhập kinh tế của Việt Nam, nhất là với các FTA chưa kết thúc như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điểm nhấn thứ hai, theo tôi, đó là cách đặt mục tiêu trong phát triển kinh tế mà Quốc hội đề ra và thông qua cho năm 2018 sẽ là nhân tố đảm bảo tốt hơn cho kế hoạch 5 năm. Dù còn những tranh cãi xung quanh cách thức đặt mục tiêu nhưng điều quan trọng là sẽ tạo ra được dư địa vừa linh hoạt vừa thận trọng hơn cho Chính phủ thực thi. Với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7%, trong bối cảnh hiện nay thì mục tiêu này đủ linh hoạt và thuận lợi để thực hiện.
Điểm nhấn tiếp theo chính là kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế sẽ tạo ra được sự đồng thuận, tạo sức ép cao hơn để việc cải cách được tiếp tục. Theo tôi, năm 2018 có 2 vấn đề cần quyết liệt hơn. Một là, cải cách ngân sách cả ở thu và chi ngân sách, đặc biệt là vấn đề chi ngân sách, cần cải tổ bộ máy và tăng hiệu quả đầu tư công. Hai là, Việt Nam đã quan tâm nhưng cần bắt nhịp tốt hơn với đòi hỏi mới như vấn đề phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường…, hiện khung pháp lý, cách điều hành vấn đề này còn nhiều dang dở, lúng túng và chúng ta cũng đã có bài học nhãn tiền, sâu sắc.
Năm 2018 là một năm có thể ít nhiều thuận lợi hơn trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhưng thách thức cơ bản lại là cải cách, cách thức điều hành và giải trình. Cải cách chính là thông điệp gắn với thị trường và mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, đây vừa là áp lực vừa là động lực cho phát triển.
Ông đánh giá như thế nào về động lực cho phát triển kinh tế năm 2018 từ khu vực tư nhân, khi khu vực này được coi là chìa khóa cho tăng trưởng?
Trong bối cảnh Việt Nam cải cách, hội nhập sâu rộng, sân chơi cho DN đã lớn hơn, môi trường kinh doanh đã cải thiện tốt hơn, đây là động lực làm cho DN thành lập mới tăng cao, nhờ đó, DN tư nhân sẽ là động lực cho tăng trưởng. Nhưng bên cạnh đó ta thấy con số khác, số DN tạm ngừng, giải thể đâu đó vẫn bằng ½ DN thành lập mới. Theo Báo cáo Kinh tế Việt Nam đến 2035, DNNVV khó lớn mạnh, khó có năng lực cạnh tranh tốt vì gặp phải nhiều vấn đề về quyền tài sản, sở hữu trí tuệ và cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận tín dụng, đất đai… Để giải quyết vấn đề này phải cải cách hành chính, bộ máy, giảm chi phí giao dịch... Tăng trưởng kinh tế phải do chính nguồn lực nội tại và quan trọng nhất là tính sáng tạo và đổi mới.
Tăng trưởng lệ thuộc FDI là điều được nhắc đến nhiều trong năm qua. Vậy sang năm mới cũng như thời gian tới, theo ông cần giải quyết mối quan hệ giữa nguồn lực từ khu vực FDI và kinh tế trong nước như thế nào?
Về vấn đề này, theo tôi có ba điều cần lưu ý. Thứ nhất là về thể chế, cần xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tiên liệu được và cần có sự cạnh tranh lành mạnh. Điều này tốt cho cả DN Việt Nam, nhất là trong trung và dài hạn, tốt cho cả vấn đề hấp dẫn để thu hút FDI hiệu quả, đây là cái bao trùm. Thứ hai là cách thức nhìn nhận thu hút FDI, cần phải thay đổi cách thức thu hút FDI từ số lượng sang tối đa hóa hiệu quả. Ở đây cần nhìn nhận tác động của nó một cách đầy đủ, coi đó như tiêu chí đánh giá thành công của FDI ở các khía cạnh như tác động tới xã hội, môi trường, kinh tế, sự lan tỏa về công nghệ, kỹ năng sang DN Việt Nam. Tôi cho rằng, tạo hấp dẫn thu hút FDI nhưng phải gắn kết được với chuyển giao công nghệ, kỹ năng và hợp tác với DN Việt trong chuỗi giá trị. Thứ ba, cần lưu ý cách thức khuyến khích, hỗ trợ cả DN trong nước, nhất là về phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, sáng tạo... Tất nhiên sự khuyến khích hỗ trợ này phải phù hợp với cam kết quốc tế, chúng ta hỗ trợ người thắng cuộc và thắng cuộc phải thông qua va đập và cạnh tranh, không có lợi ích riêng.
Trân trọng cảm ơn ông!
TS. Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Dù tăng trưởng tín dụng không đạt 21%, khi năm 2017 ước tính tín dụng tăng khoảng 18,7 đến 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng. Vấn đề ở đây là chất lượng của dòng vốn tín dụng như thế nào. Thời gian qua chúng ta có điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn tín dụng vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều, vốn đổ chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. Công tâm nhìn nhận, dòng vốn tín dụng vừa qua hâm nóng thị trường BĐS, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế. Vốn FDI, FII (vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài ) vào Việt Nam tương đối lớn. Với tăng trưởng tín dụng 18-19% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ. TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào 3 trụ cột quan trọng, bao gồm thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng. Cũng giống như việc chúng ta xây nhà, đây là 3 yếu tố tạo nền móng, nếu ba yếu tố này không tốt thì cũng giống như xây nhà từ nóc. Nếu thể chế tốt, bộ máy tốt và đặc biệt là kết cấu hạ tầng tốt thì chúng ta sẽ làm tốt. Như vậy, chỉ cần làm tốt các nền móng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế chứ không cần tìm động lực mới. Bên cạnh đó, chúng ta nên chấp nhận phát triển không đều, cần tập trung các vùng kinh tế trọng điểm, gắn với phát triển kinh tế đô thị, lấy đó làm động lực thời gian tới”. H.Anh (ghi) |