Theo đó, đại diện NHNN cho hay, NHNN không biết việc Hứa ThijPhaasn là cố vấn cao cấp HĐQT của Trustbank và theo quy định pháp luật thì không có chức năng này. NHNN đã có quyết định thanh tra Trustbank vào 29/2/2012, bao gồm 9 vấn đề, trong đó có vấn đề tăng vốn điều lệ và việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
Thời điểm đó, NHNN đã phát hiện ra Trustbank có 9 sai phạm, trong đó có sai phạm trong việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và đã ra quyết định xử phạt 154 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc tại sao NHNN lại tự xử lý bằng việc xử phạt hành chính mà không giao cho cơ quan điều tra, đại diện NHNN cho biết cần thời than chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và sẽ trả lời sau bằng văn bản.
Về việc tăng vốn điều lệ của Trustbank từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, đại diện NHNN cho hay, năm 2011, NHNN có nhận được công văn đề nghị nâng vốn điều lệ của Trutsbank và đã có văn bản chấp nhận về mặt nguyên tắc cho tăng vốn. Nhưng NHNN có những điều kiện đi kèm đối với Trutsbank là phải chấp hành và phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhưng đến khi có kết luận thanh tra thì Trutsbank chưa thực hiện.
Theo cáo trạng, các bị cáo là thành viên HĐQT, Ban điều hành Trustbank gồm Hoàng Văn Toàn, Nguyễn Vĩnh Mậu, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh, Hứa Xường (đã xuất cảnh đi Mỹ, khi nào bắt được sẽ xử lý sau) là những người trực tiếp quản lý và quyết định hoạt động của ngân hàng. Các bị cáo biết rõ các quy định của Nhà nước về mua sắm tài sản cố định đối với ngân hàng nhưng vẫn quyết định mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng là trái quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010.
Cụ thể, quy định tỷ lệ đầu tư mua sắn tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng. Trong khi căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có giá 1.260 tỷ đồng, tương đương 42% vốn điều lệ. Việc mua căn nhà có giá trị trên 20% vốn điều lệ mà không thông qua họp ĐHCĐ cũng là trái pháp luật. Ngân hàng cũng không tổ chức họp HĐQT chuẩn bị sẵn biên bản họp HĐQT và đưa cho các thành viên ký, song các bị cáo vẫn vào biên bản này, giúp Hứa Thị Phấn chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng.
Cáo trạng cũng xác định, sau khi mua lại căn nhà từ Công ty Lam Giang với giá 450 tỷ đồng, Hứa Thị Phấn bán lại cho Trustbank với giá 1.260 tỷ đồng. Kết luận giám định thuế của Bộ Tài chính ngày 27/2/2015 kết luận: số thuế TNCN Hứa Thị Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có sai lệch. Cụ thể, số thuế TNCN đã kê khai nộp thuế là 25,2 tỷ đồng, trong khi số thuế TNCN qua giám định thuế là 202,4 tỷ đồng. Như vậy, số thuế TNCN chênh lệch qua giám định là 177,2 tỷ đồng.
Hành vi trên của Hứa Thị Phấn có dấu hiệu phạm tội “trốn thuế”. Tuy nhiên, hành vi của bà Phấn và các đồng phạm trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đã bị Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Do đó, cáo trạng của VKSND tối cao không xem xét xử lý hành vi trồn thuế và kiến nghị xem xét xử lý số tiền thuế TNCN bị cáo Phấn đã nộp là 25,2 tỷ đồng.