Ngày 19/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo luật lần này có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường là đảm bảo sức khỏe người dân; người Việt Nam phải được sống trong môi trường trong lành giống như các nước trên thế giới. Theo đó, dự thảo luật sẽ tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường. Môi trường phải ở vị trí trung tâm trong các chiến lược phát triển, quy hoạch dự án đầu tư. Đồng thời, thể chế hóa quan điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Về phương thức quản lý, ông Hùng cho biết, sẽ quản lý môi trường theo phương thức quản lý rủi ro. Hiện nay, các đối tượng DN đều được quản lý giống nhau. Nhưng trong dự thảo luật mới, những DN có rủi ro cao sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, cùng với đó, sẽ tạo hành lang thông thoáng đối với những DN thân thiện với môi trường. Luật lần này cũng áp dụng công cụ kinh tế, công cụ thị trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền để xử lý ô nhiễm. Ngoài ra, sẽ chuyển vai trò trung tâm của Nhà nước sang vai trò người dân và DN thực hiện bảo vệ môi trường. Nhà nước đóng vai trò kiểm soát, quản lý. Dự thảo luật cũng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào dự án bảo vệ môi trường thông qua hợp tác đối tác công tư. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, các thủ tục không cần thiết sẽ loại bỏ, tích hợp các giấy phép bảo vệ môi trường, 1 giấy phép tích hợp 7 giấy phép, điều này sẽ giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. Ngoài ra, sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bãi bỏ quy định về quan trắc môi trường đối với DN, chỉ các DN vi phạm mới yêu cầu phải quan trắc. Ông Nguyễn Chí Thông - chuyên gia môi trường cho rằng, quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường là quy định cần thiết để lựa chọn dự án đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong các nghị định hướng dẫn nên phân định rõ dự án nào phải đánh giá, tránh thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Về quy định về đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ông Thông cho rằng, thực hiện quy định này rất khó. Trên thực tế, hầu hết các DN đều không thực hiện được, trong suốt những năm qua đều vướng quy định này. Theo ông Thông, nên quy định đánh giá tác động môi trường trước thời điểm cấp giấy phép xây dựng là phù hợp nhất./. Bùi Tư |