Cồng,ễhạcồngchiecircngcủangườu19 croatia chiêng từ xưa được xem là tài sản quý giá, thước đo sự giàu có của các gia đình, dòng họ S’tiêng. Cồng, chiêng được đổi bằng rất nhiều trâu, bò. Già làng Điểu Đố (SN 1932) ở sóc Bù Môn, khu phố Đức Lợi, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng có bộ cồng, chiêng quý được truyền qua 3 đời (già làng Điểu Đố là đời thứ 3). Gia đình, dòng họ nào có nhiều bộ chiêng quý không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn thể hiện sức mạnh, vị trí cao quý trong cộng đồng.
Do giá trị của cồng, chiêng quý giá và thiêng liêng nên người S'tiêng không tùy tiện mượn của người khác để sử dụng hay cho người khác mượn. Bởi, nếu người mượn làm vỡ, hư 1 chiếc thì phải bồi thường cả bộ. Theo tục lệ xưa, nếu người mượn làm hư hỏng hoặc mất, không có tài sản để trả, bồi thường thì phải gả bán con hoặc người mượn phải đi ở làm nô lệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người biết sử dụng cồng, chiêng trong cộng đồng người S'tiêng bị hạn chế.
Già làng Điểu Đố lau từng cái chiêng một cách trân quý, thận trọng
Hầu như không có lễ hội hoặc một sinh hoạt cộng đồng nào của người S’tiêng mà không có cồng, chiêng. Cồng, chiêng dùng trong sinh hoạt cộng đồng thể hiện rõ nhất là trong lễ hội, cưới xin hoặc sau khi hoàn thành những công việc như phát rừng, dọn rẫy, tỉa lúa, thu hoạch lúa, làm nhà mới... Trong săn bắt, người S'tiêng cũng đánh cồng, chiêng sau khi đã khoanh xong khoảnh rừng để thú rừng không chạy ra ngoài hàng rào của khu vực đã khoanh. Ngoài cồng, chiêng, người S'tiêng còn dùng ching kêi làm bằng sừng trâu (kèn sừng trâu) để thổi trong suốt mấy ngày vây bắt thú rừng.
Trong các sự kiện nêu trên, việc lấy cồng, chiêng ra đánh (đánh đủ cả bộ), âm thanh của cồng, chiêng như báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của chủ nhà đối với trời đất, cộng đồng. Vì thế, người S'tiêng không lấy cồng, chiêng ra đánh một cách tùy tiện nếu không có sự kiện đặc biệt và trong các sự kiện đó luôn phải có rượu cần, thịt.
Từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng đều có “hồn” và có thần linh trú ngụ. Các vị thần càng lâu đời thì càng linh thiêng và có sức mạnh. Mặt khác, luật tục người S'tiêng không cho phép đánh cồng, chiêng một cách tùy tiện. Họ quan niệm rằng: âm thanh của cồng, chiêng vang rất xa, các vị thần sông, suối, núi rừng, linh hồn ông bà đã mất... nghe được sẽ đến thăm. Khi họ đến nếu không có thịt để ăn, không có rượu để uống thì các vị thần sẽ phạt.
Đội cồng, chiêng của nhà già làng Điểu Đố
Trong đám cưới của những gia đình nghèo có thể không có tiếng cồng, chiêng, nhưng khi đã đánh cồng, chiêng là phải có thịt, rượu cần. Người tổ chức đánh cồng, chiêng phải mời các thần, linh hồn của người đã khuất về cùng thụ hưởng. Người S'tiêng còn quan niệm hồn của cồng, chiêng có thể phù hộ hoặc có thể phá chủ nhà nếu đối xử không tốt. Vì vậy khi có tiệc, chủ nhà phải cúng cồng, chiêng trước rồi mới đem ra sử dụng. Lễ cúng lớn hay nhỏ, tùy mức độ của lễ hội và tùy khả năng, điều kiện của chủ nhà. Lễ cúng cồng, chiêng có thể là một nghi thức ban đầu cho một nghi lễ lớn, như: mừng lúa mới, cầu mưa, quay đầu trâu… Lễ cúng cồng, chiêng đơn giản nhất là 1 con gà, 1 chai rượu, một ít gạo, muối.
Trong trang phục truyền thống trang nghiêm, oai dũng, tóc quấn cao, cài lông chim, cổ đeo nhiều dây màu rất đẹp, già làng Điểu Đố là chủ lễ. Đầu lễ, ông mang 1 con heo nhỏ và 1 con gà ra giữa nhà, nơi đặt sẵn 1 ché rượu cần. Trước khi làm lễ, ông cầu khấn các yang (thần) về chứng giám. Và nghi thức cúng cồng, chiêng kết thúc bằng việc già làng ngồi lau từng chiếc cồng, chiêng một cách trân quý, thận trọng.
Lễ hạ cồng, chiêng kết thúc khi mỗi người trong nhà, khách mời lần lượt uống chung 1 chén rượu cần do chính già làng rót mời. Đó cũng là lúc các nghi thức của lễ chính bắt đầu và cồng, chiêng vang lên những giai điệu thiêng…