Là đại diện của Hải quan Việt Nam lần đầu tiên có mặt tại Tổ chức Hải quan Thế giới,ảmnhậntrongngàyHảiquanQuốctếkết quả giải giao hữu câu lạc bộ tôi cảm thấy thật vinh dự, tự hào được tham dự ngày lễ trọng đại nhất đối với Hải quan toàn cầu tại chính trụ sở của Tổ chức này. Niềm vinh dự đó thúc đẩy tôi viết ra những cảm nhận của mình qua một thời gian làm việc và quan sát cách trao đổi thông tin tại WCO. Như thông điệp của Tổng Thư ký WCO đã phát đi toàn cầu rằng, trao đổi thông tin là quá trình hai chiều, qua đó thông tin và tri thức được trao đổi và chia sẻ giữa các cá nhân, nhưng nó không đơn giản chỉ là gửi đi một tin nhắn hoặc đẩy đi một thông tin, mà quan trọng hơn đó là quá trình khai thác, khám phá, nghiên cứu và tạo ra tri thức mới. Tôi cho rằng điều này rất chính xác và dường như nó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, mọi nơi, mọi lúc tại WCO. Tôi được may mắn tiếp xúc với nhiều chuyên gia Hải quan trên toàn thế giới đến WCO hoặc để làm việc dài hạn, ngắn hạn hoặc chỉ để tham dự các phiên họp được tổ chức tại trụ sở WCO. Động tác đầu tiên sau khi bắt tay chào hỏi lần đầu là trao đổi cardvisits giới thiệu bản thân đến từ đâu, từ tổ chức nào, cuối cùng là lời mời liên hệ qua email hay số điện thoại nếu có câu hỏi có liên quan. Và đó là một thói quen giao tiếp lịch thiệp và cởi mở, dường như đó là cánh cửa để có thể đem đến cho chúng ta một mối quan tâm mới hoặc một cơ hội mới ngay sau lần gặp đầu tiên. Nếu bạn là người ưa giao tiếp thì ở WCO là môi trường hoàn hảo để bạn thỏa mãn thói quen đó. Tại đây có rất nhiều diễn đàn online/offline - là những từ vô cùng quen thuộc với tất cả những ai làm việc trong môi trường của hải quan toàn cầu. Với mỗi một vấn đề kỹ thuật mới cần kêu gọi thành lập nhóm làm việc, tôi thường thấy đại diện Hải quan các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, các nước thành viên EU… xung phong tình nguyện tham gia. Để hỗ trợ họ, WCO sẵn sàng tạo ra diễn đàn online để thu hút các cuộc trao đổi từ xa trên “CLIKC”, “Club de la Réforme” và tạo cơ hội để họ gặp gỡ trực tiếp. Tôi đã rất hứng thú khi tham dự phiên họp Ủy ban Kỹ thuật về Trị giá Hải quan lần thứ 37, thấy các chuyên gia Trị giá say sưa trao đổi, tranh luận với nhau trong cuộc họp về những vấn đề kỹ thuật mới phát sinh liên quan đến những chủ đề quen thuộc như phí bản quyền, phí vận chuyển trong xác định trị giá…; mà không chỉ vậy, họ còn chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm trên Diễn đàn “Club de la Réforme” của WCO. Hải quan các nước Mỹ, Uruguay, Nhật Bản, Trung Quốc…đã cử những chuyên gia trị giá giỏi tham gia tranh luận và chia sẻ thông tin trên diễn đàn này. Và những tranh luận của họ về các vấn đề của trị giá thường thuần túy mang tính chất kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chứ không phải luôn vì bảo vệ quyền lợi quốc gia. Tôi tin rằng họ làm vậy là vì đam mê nghề nghiệp, vì thời gian đối với họ đều rất ít ỏi và vô cùng quý giá nhưng chia sẻ thông tin dường như được xác định là trách nhiệm của các chuyên gia này. Một ví dụ khác, nếu bạn tham gia một vài cuộc họp nhóm làm việc liên quan đến đề tài Khung Tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của WCO, bạn sẽ đồng tình với tôi rằng mọi ý tưởng sáng tạo đều có cơ hội trở thành hiện thực nếu mỗi người trong chúng ta làm việc với niềm say mê, tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng chia sẻ khó khăn, thách thức với quyết tâm đưa các ý tưởng đó vào cuộc sống. Các phiên họp về SAFE thường thu hút sự quan tâm của Hải quan các nước và nhiều Tổ chức quốc tế cũng như Khu vực tư nhân. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên rằng, có những Hãng Hàng không quốc tế không chỉ tham gia vào một dự án thí điểm mà họ tham gia vào tất cả các dự án Thí điểm do Hải quan các nước khác nhau triển khai và về cùng một chủ đề. Họ đến diễn đàn WCO với những bài trình bày sinh động, đầy thực tiễn về những khó khăn và thách thức khi tham gia vào từng Dự án thí điểm đó, đặc biệt là vấn đề “kinh phí” và “quy trình”, vốn là những điểm cốt yếu làm cho doanh nghiệp có thể thiếu nhiệt tình. Mọi công cụ hay tri thức đều cần được nghiên cứu, trao đổi và thí điểm, ví dụ này chứng minh rằng, nếu thiếu đi quan hệ đối tác tốt giữa Hải quan và Doanh nghiệp trong chia sẻ và xử lý thông tin, sẽ có nhiều công cụ của WCO sáng tạo ra chỉ nằm trên giá sách hoặc sẽ không bao giờ hoàn thiện. Trở lại với vai trò là đại diện Hải quan, làm cầu nối thông tin giữa Hải quan Việt Nam với WCO, nhận thấy mình chưa làm được nhiều, nhưng tôi biết tiềm năng để khai thác thông tin là vô cùng lớn. Tôi thường không ngại đặt câu hỏi trong các cuộc họp của WCO cũng như trong các cuộc trò chuyện bên lề, điều đó có được cũng là vì tôi biết ở đây, người ta tiếp nhận câu hỏi không phải chỉ là vì trách nhiệm mà với họ đó là cơ hội. Cơ hội để khám phá và nghiên cứu sâu sắc hơn. Cơ hội để biến một câu hỏi thành một chủ đề và có thể từ đó tạo nên công cụ mới… Và đây cũng chính là thông điệp trong ngày Hải quan Quốc tế “Trao đổi thông tin: chia sẻ để hợp tác tốt hơn”. Khánh Hồng-Tham tán, đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO |