【lệ kèo nhà cái】Những điều cần biết về Kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, sau khi xin ý kiến đóng góp trong ngành Giáo dục và toàn xã hội, báo cáo Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Uỷ ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT ngày 09/9/2014 về việc phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) từ năm 2015, với mục tiêu kế thừa những ưu điểm và khắc phục các hạn chế của các kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay, làm giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực; đồng thời tác động tích cực trở lại quá trình dạy và học trong các trường phổ thông. Việc tổ chức duy nhất một kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh là một đổi mới căn bản trong công tác thi và tuyển sinh, nhận được sự đồng thuận cao của ngành Giáo dục và toàn xã hội. Tuy nhiên, vì đây là một phương thức thi và tuyển sinh mới, nên còn có nhiều ý kiến trao đổi và những băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp kịp thời, thấu đáo. Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, giảng viên, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và những người quan tâm muốn tìm hiểu về Kì thi THPT quốc gia; đồng thời giải đáp các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của các thí sinh dự thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn tài liệu Hỏi – Đáp về Kì thi Trung học phổ thông quốc gia trên cơ sở ý kiến trao đổi, góp ý của các chuyên gia giáo dục trong quá trình xây dựng phương án thi; các vấn đề được đặt ra trong các hội nghị bàn về thi, tuyển sinh của khối giáo dục phổ thông và khối các trường ĐH, CĐ; các câu hỏi thực tế của bạn đọc trong và ngoài ngành Giáo dục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Giáo dục và Đào tạo mong nhận được những góp ý, nhận xét, bổ sung của bạn đọc để tài liệu ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần vào thành công chung của Kì thi THPT quốc gia từ năm 2015. Câu 1. Bộ GDĐT đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ bằng cách tổ chức Kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 dựa trên cơ sở nào? Trả lời: 1) Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI yêu cầu: - “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học”; - “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo” và “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”. 2) Luật Giáo dục Đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. 3) Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI yêu cầu: “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học tiến tới tổ chức một kì thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...”. 4) Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ tại Công văn số 74/TB-VPCP ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014 theo hướng: Nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp, tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và hướng tới có một kì thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng”. 5) Trong những năm gần đây, các trường phổ thông đã thu được những kết quả bước đầu về đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và kết quả học tập của học sinh, tạo tiền đề thuận lợi để đổi mới căn bản phương thức thi. – Các kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trong 13 năm qua đã khẳng định những thành công, ưu điểm, được xã hội đồng tình, đánh giá cao. Kì thi tốt nghiệp THPT và Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã trở nên nghiêm túc, thân thiện hơn, giảm được áp lực cho học sinh và xã hội. Kết quả của 2 kỳ thi phản ánh được thực chất năng lực của học sinh. – Tuy vậy, hình thức thi "3 chung" đang ngày càng bộc lộ một số hạn chế đối với sự phát triển đa dạng ngành nghề đào tạo trong các trường ĐH, CĐ; nhất là khi các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục Đại học. – Việc tổ chức liên tiếp 2 kì thi quốc gia như những năm qua đã tạo nhiều áp lực cho học sinh và tốn kém cho xã hội. Như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lí luận và thực tiễn. Đây chính là khâu đột phá, góp phần đưa Nghị quyết số 29-NQ/TW vào thực tiễn giáo dục, từng bước đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội, tác động tích cực trở lại quá trình dạy học trong các nhà trường phổ thông. Câu 2. Mục đích, nguyên tắc và những yêu cầu cơ bản của Kì thi THPT quốc gia? Trả lời: – Mục đích của Kì thi là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh; đồng thời có tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học. – Nguyên tắc của Kì thi là phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, giảm tốn kém, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; Đảm bảo tính kế thừa, liên tục của lộ trình đổi mới thi theo hướng chuyển từ chú trọng kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học; Không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh; Vận dụng có hiệu quả những thành tựu hiện đại về đánh giá chất lượng giáo dục. – Đề thi phải hướng vào mục tiêu đánh giá năng lực người học, bảo đảm phân hoá tốt trình độ thí sinh, có phổ điểm kết quả thi hợp lý. Các kì thi trước đây còn nghiêng về đo lường kết quả học sinh học được cái gì chứ chưa phải đánh giá học sinh vận dụng kiến thức như thế nào. Mặc dù, kiến thức là cơ sở của năng lực nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Kì thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã bước đầu được thực hiện theo hướng đánh giá năng lực nên có tác dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục. – Tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm thi do các trường ĐH cùng với các Sở GDĐT chủ trì, huy động cán bộ, giảng viên, giáo viên của các trường ĐH, CĐ và các trường THPT tham gia coi thi, chấm thi. – Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm những sai phạm xảy ra trong các khâu của Kì thi. Câu 3. Những đổi mới căn bản nhất của Kì thi THPT quốc gia? Trả lời: 1. Thay vì tổ chức hai kì thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây, Kì thi THPT quốc gia nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ; có tác động tích cực đối với quá trình dạy và học ở nhà trường phổ thông. 2. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Kết quả 4 môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ (nếu trường sử dụng các môn này để tuyển sinh). Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh đăng kí thi thêm các môn tự chọn khác. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ cần đăng kí các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT sẽ được xem xét miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. 3. Tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm tập trung do trường ĐH có đủ năng lực được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ chủ trì, với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Tại các địa phương đặc biệt khó khăn, không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, những thí sinh tham dự thi 4 môn tổi thiểu để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh (phương án tuyển sinh sẽ được công bố trước ngày 15/10/2014) thi đề chung như các thí sinh khác, nhưng thi tại cụm thi được tổ chức ở địa phương do Sở GDĐT chủ trì. 4. Thí sinh sẽ dự thi trước, sau khi có kết quả thi mới đăng kí tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ. Việc này sẽ tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây, có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn trượt ĐH. 5. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh làm Phương án tuyển sinh của trường gửi về Bộ GDĐT (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) trước ngày 15/10/2014. Các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh hoặc chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh một phần chỉ tiêu, phần còn lại tuyển sinh bằng phương án khác thì xây dựng Đề án tuyển riêng của trường, gửi về Bộ GDĐT (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) trước ngày 31/10/2014. Câu 4. Có ý kiến cho rằng chỉ nên giữ lại Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ, không nên tổ chức Kì thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tốt nghiệp THPT. Quan điểm của Bộ GDĐT như thế nào về ý kiến này? Trả lời: Thi, kiểm tra, đánh giá là một khâu của quá trình dạy học, có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với các hoạt động khác của quá trình dạy học và giáo dục trong nhà trường phổ thông, có tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả dạy học và luôn được toàn xã hội quan tâm. Thi tốt nghiệp THPT được quy định trong Luật Giáo dục, Kì thi này không chỉ nhằm mục đích để xét công nhận học sinh tốt nghiệp THPT mà quan trọng hơn là nhằm mục đích khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy học sinh tích cực học tập, cung cấp những thông tin phản hồi hữu ích, giúp cho giáo viên, nhà quản lí điều chỉnh quá trình dạy học và quản lí để đạt mục tiêu chất lượng dạy học ngày càng cao. Thực tế cho thấy, nếu không thi thì cả người học và người dạy đều rất ít cố gắng. Hơn nữa, bằng tốt nghiệp THPT và kết quả thi còn là minh chứng cần thiết để phân luồng học sinh trong điều kiện hệ thống giáo dục ĐH, CĐ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT; là điều kiện cần để tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo trong và ngoài nước. Phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được của Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và cả những ưu điểm của thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua; không phải là bỏ 1 trong 2 kì thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức 1 kì thi với 2 mục đích. Phương thức này phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển, đó là coi trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng, quản lí quá trình giáo dục và quản lí chất lượng đầu ra. Từ đó thấy rằng, cả xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đều cần đến thi. Việc có một kì thi đáp ứng được cả 2 mục đích này là một sự cố gắng đổi mới để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2014 của Trung ương, Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội: “Tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực…”; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Câu 5. Việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia có phát sinh tốn kém cho thí sinh so với các kì thi những năm qua? Trả lời: So với chi phí cần cho việc tổ chức Kì thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ trước đây trong một năm thì chi phí của Kì thi THPT quốc gia sẽ giảm đi nhiều vì các lí do chính sau: – Đối với hầu hết thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kì thi liền nhau; đặc biệt kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ các thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi gây khó khăn, tốn kém cho gia đình và xã hội. Năm nay, với việc chỉ tham dự một kì thi được tổ chức thành nhiều cụm thi, thí sinh đỡ phải đi xa sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho thí sinh dự thi; – Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kì thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi TN THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi TN THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng, trong Kì thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi; do vậy, áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho Kì thi; – Trước đây, Bộ phải xây dựng ít nhất là 5 bộ đề thi (2 bộ cho Kì thi tốt nghiệp THPT và 3 bộ cho 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ); với Kì thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT chỉ phải xây dựng 1 bộ đề thi; – Mặc dù, năm 2015 có một số khó khăn phát sinh khi tổ chức Kì thi THPT quốc gia nhưng sẽ không phát sinh thêm chi phí. Ví dụ, các trường ĐH, các sở GDĐT chủ trì tổ chức cụm thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày đối với từng đợt thi từ năm 2014 trở về trước, nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức Kì thi được rút ngắn. Cán bộ, giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng lại tạo điều kiện cho một số lượng rất lớn thí sinh không phải di chuyển xa như những năm trước. Câu 6. Năm 2016, Bộ GDĐT có đổi mới gì về Kì thi THPT quốc gia nữa hay không? Trả lời: Phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia bắt đầu từ năm 2015 nên năm 2016 vẫn giữ ổn định về cơ bản; nhưng sẽ có những điều chỉnh để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi. Chẳng hạn, đề thi tiếp tục đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, các câu hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó. Câu 7. Bộ GDĐT có tính đến quyền lợi của thí sinh, đối tượng bị tác động nhiều nhất trong đổi mới thi cử? Trả lời: Bộ GDĐT luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của xã hội, trong đó có ý kiến của học sinh, đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc đổi mới thi cử. Phương án thi được chọn có mục tiêu quan trọng là hướng đến bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Trong những năm trước mắt, chưa đòi hỏi các em phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều, các em vẫn tiếp tục học chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay đến khi áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới. Việc đổi mới thi, tuyển sinh sẽ được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Tất nhiên, bất kì sự thay đổi nào cũng ít nhiều gây lo lắng cho thí sinh, nhất là khi cách thi cũ đã tồn tại rất nhiều năm và trở nên quen thuộc, dù đã bộc lộ rõ một số hạn chế và tốn kém. Những thay đổi không gây khó khăn đến học sinh học chương trình và sách giáo khoa hiện hành thì có thể thực hiện được ngay. Do đó, các em yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng. Câu 8. Từ nay đến tháng 6 năm sau, Bộ GDĐT dự kiến sẽ phải làm những công việc lớn nào để chuẩn bị cho khâu tổ chức Kì thi? Trả lời: Bộ sẽ yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động trong hoạt động dạy và học, chuẩn bị kĩ về mọi mặt, hướng tới Kì thi THPT quốc gia đầu tiên vào cuối năm học 2014 – 2015. Ngành Giáo dục, với sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức tốt Kì thi, với một số công việc chính: – Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về Kì thi; – Xây dựng Quy chế Kì thi THPT quốc gia; Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và các văn bản liên quan; – Tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì ở nhà trường phổ thông; – Chuẩn bị các điều kiện để chỉ đạo và tổ chức tốt Kì thi như: xây dựng phần mềm quản lí thi, thành lập các cụm thi, chuẩn bị chỉ đạo tổ chức coi thi, chấm thi; – Tổ chức một số hội thảo, tập huấn liên quan đến các khâu kĩ thuật trọng yếu của Kì thi, nhất là công tác đề thi và nghiệp vụ tổ chức thi. Câu 9. Khi nào Bộ GDĐT công bố “Quy chế tuyển sinh 2015”? Trả lời: Quy chế tuyển sinh năm 2015 hiện đang được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì khẩn trương xây dựng. Tất cả những vấn đề kỹ thuật của việc tuyển sinh sẽ được cụ thể hóa trong quy chế mới. Dự kiến quy chế Kì thi THPT quốc gia sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Thông tin tuyển sinh của từng trường ĐH, CĐ sẽ được các trường ĐH công bố công khai trên trang tin điện tử của trường, đồng thời báo cáo về Bộ. Khi có đầy đủ thông tin, Bộ sẽ công bố công khai trên website của Bộ. Câu 10. Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, các sở GDĐT, UBND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia? Trả lời: Trong việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo thi, lãnh đạo trường ĐH, CĐ, lãnh đạo Sở GDĐT làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi. Ở cụm thi do trường ĐH chủ trì, hiệu trưởng trường ĐH được giao làm Chủ tịch Hội đồng thi, lãnh đạo sở GDĐT làm Phó chủ tịch Hội đồng thi. Ở cụm thi tại địa phương, giám đốc Sở GDĐT được giao làm Chủ tịch Hội đồng thi. Các trường ĐH có đủ năng lực, điều kiện, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi sẽ được Bộ giao chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học tại tỉnh/thành phố và sở GDĐT tổ chức coi thi, chấm thi và gửi kết quả chấm thi về Bộ GDĐT. Các sở GDĐT tham gia Ban chỉ đạo, phối hợp với trường ĐH tổ chức coi thi, chấm thi; chịu trách nhiệm tổ chức cho học sinh đăng kí dự thi, chuyển dữ liệu đăng kí dự thi về Bộ GDĐT; xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh của địa phương và chủ trì cụm thi ở địa phương (nếu được Bộ GDĐT thống nhất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cụm thi) dành cho thí sinh chỉ đăng kí xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để tham gia tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kì thi vào tuyển sinh. Như vậy, vai trò của các trường ĐH, CĐ, các sở GDĐT trong Kì thi THPT quốc gia là rất lớn. Các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính cùng với các sở GDĐT tổ chức Kì thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, kết quả thi đạt độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng trong công tác tuyển sinh. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GDĐT và các ban, ngành của địa phương cùng với các trường ĐH, CĐ tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế các khâu của Kì thi; đảm bảo an ninh, an toàn các hội đồng coi thi, chấm thi trên địa bàn; tổ chức nghiêm túc các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì, để kết quả thi có độ tin cậy cao, khách quan, không xảy ra những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Câu 11. Với việc ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh được tự chọn các môn thi trong số các môn tự chọn có thể dẫn đến tình trạng học sinh học lệch không? Trả lời: Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên”; thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (được xác định là cần thiết chung cho tất cả các học sinh) và 1 môn tự chọn (theo nguyện vọng và sở trường của từng học sinh) là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn nên phù hợp với chủ trương này. Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình học tập được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, học sinh không coi nhẹ môn học nào, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường. Việc đưa vào Kì thi các môn tự chọn là giảm áp lực cho các thí sinh, phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT và là giải pháp phù hợp với chủ trương định hướng nghề nghiệp, bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia thị trường lao động hoặc học tập của các em ở các bậc học sau. Hơn nữa, xét trên bình diện toàn bộ học sinh lớp 12 trong cả nước, với việc cho học sinh tự chọn môn thi thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, hướng tới sự cân đối, hài hoà hơn giữa các môn học trong nhà trường. Câu 12. Những thí sinh đăng kí dự thi tại cụm thi do Sở GDĐT chủ trì có còn cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ hay không? Trả lời: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu của những thí sinh tham dự Kì thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không có nguyện vọng lấy kết quả thi để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ (dùng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh); tại một số địa phương đặc biệt khó khăn, không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, Bộ GDĐT sẽ thống nhất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GDĐT chủ trì. Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được quy định tại Đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kì thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (nhất là kì thi năm 2014) nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thực sự tin cậy vào kết quả thi. Trong Kì thi THPT quốc gia năm 2015, những thí sinh dự thi tại cụm thi do Sở GDĐT chủ trì, chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng cơ hội hạn chế hơn vì phụ thuộc vào quy định của các trường này. Tuy nhiên, các thí sinh dự thi ở cụm thi do Sở GDĐT chủ trì vẫn còn cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng. Do đó, các em cần theo dõi thông tin về Đề án tuyển sinh riêng của các trường để tham gia tuyển sinh, tận dụng được những cơ hội để vào học tại các trường ĐH, CĐ này. Việc tổ chức thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ với 4 cụm thi ở các thành phố như từ năm 2014 về trước vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến có những thí sinh học lực tốt nhưng do điều kiện không thể về các cụm thi ở các thành phố để dự thi tuyển sinh được. Năm 2015, việc mở rộng nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi, giúp các thí sinh thuận lợi hơn trong tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Câu 13. Ngoài 8 môn thi của Bộ ấn định trong Kì thi THPT quốc gia thì các trường ĐH, CĐ thi tuyển các môn năng khiếu như hội hoạ, múa, hát, diễn kịch, thể dục thể thao vào thời điểm nào? Trả lời: Ngoài việc sử dụng kết quả của Kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ tuỳ thuộc các ngành đặc thù của trường mình có thể có thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác. Trong đó các trường thuộc khối văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao... sẽ tổ chức thi năng khiếu (việc này đã được thực hiện trong những năm gần đây) theo phương thức được quy định rõ trong Đề án tuyển sinh riêng của trường. Các trường có các môn thi năng khiếu muốn sử dụng chung kết quả thì phải có văn bản thỏa thuận phối hợp và thể hiện trong Đề án tuyển sinh riêng của mỗi trường. Các trường sẽ có phương thức tổ chức thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh. Thí sinh cần xem thông tin chi tiết về Đề án tuyển sinh riêng của các trường được công bố rộng rãi trên website của trường và phương tiện truyền thông khác trước 01 tháng 01 hằng năm. Câu 14. Các trường được phép tự chủ về tuyển sinh, tổ chức các kì kiểm tra bổ sung như phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông... Vậy các trường có tổ chức thi các môn đã tổ chức thi trong Kì thi THPT quốc gia hay không? Trả lời: Để tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại Quy chế tuyển sinh và công bố công khai để thí sinh tham khảo. Các trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của Kì thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể: Lấy điểm những môn nào? Các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ra sao? Hệ số tính điểm của mỗi môn? Tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung với hình thức nào?... để xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo. Để xây dựng Phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia, với mục đích của Kì thi là xét công nhân tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ, Bộ GDĐT đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Giám đốc Sở GDĐT; trường ĐH, CĐ; cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh trong cả nước. Sau đó, tổ chức Hội nghị triển khai Phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Tuyệt đại đa số các trường ĐH, CĐ đều thống nhất sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh, không tổ chức thi các môn mà thí sinh đã có kết quả ở kỳ thi này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù và yêu cầu của ngành đào tạo có thể tổ chức thi năng khiếu, kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ và các hình thức phù hợp khác. Chậm nhất ngày 15/10/2014 các trường ĐH, CĐ công bố phương án sử dụng kết quả Kì thi để tuyển sinh, các thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể để chủ động học, ôn tập và định hướng lựa chọn ngành, trường để đăng kí dự thi. Đối với các trường tổ chức thi theo Đề án tuyển sinh riêng, Bộ GDĐT sẽ quy định cụ thể các đợt tuyển sinh riêng trong Quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án tuyển sinh riêng của trường. Câu 15. Em có định hướng học theo khối B, thi vào Trường Đại học Y, nhưng Kì thi THPT quốc gia em phải làm bài thi đến 5 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn thêm Hoá học, Sinh học để được công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Trường Đại học Y. Như vậy có mâu thuẫn với chủ trương của Bộ là giảm áp lực cho thí sinh không? Trả lời: Đối với mỗi thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kì thi liền nhau, đặc biệt kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi. Năm nay, với việc chỉ tham dự 1 kì thi được tổ chức thành nhiều cụm sẽ giảm bớt công sức và chi phí cho thí sinh, gia đình và xã hội. Trong Kì thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu; có thể dự thi nhiều nhất là 8 môn thi, phổ biến là 5 hoặc 6 môn; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu năm 2014 để thi vào Trường Đại học Y thì thí sinh phải làm bài với 7 lượt môn thi (4 môn thi của Kì thi tốt nghiệp THPT và 3 môn Toán, Hoá học, Sinh học của Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ), nhưng Kì thi THPT quốc gia năm nay, em chỉ phải dự thi 5 môn, trong đó 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn (Hoá học) để xét công nhận tốt nghiệp THPT và em chọn thi thêm môn Sinh học để xét tuyển sinh vào Trường Đại học Y. Như vậy, thì áp lực thi cử đối với em sẽ giảm đi nhiều và đúng với chủ trương của Bộ là giảm áp lực cho thí sinh. Câu 16. Hiện nay nhiều thí sinh lo lắng ngoài các môn thi theo khối vào ĐH mà các em lựa chọn từ trước, các em sẽ phải thi thêm một số môn khác, trong khi đó các em không đầu tư học những môn này nhiều. Ví dụ thí sinh khối A thì không chú trọng học môn Ngữ văn, Ngoại ngữ. Nếu đề thi của kì thi chung khó như đề đại học thì các em không thể làm bài tốt được. Xin giải thích thêm về điều này? Trả lời: Đề thi trong Kì thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản, phù hợp với hầu hết thí sinh (phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp) và yêu cầu nâng cao để phân hoá trình độ thí sinh (phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ). Ví dụ thí sinh thi khối A thì môn Ngữ văn và Ngoại ngữ chỉ cần trả lời được các câu hỏi ở mức độ cơ bản cũng đã đủ điều kiện để có thể tốt nghiệp THPT. Như vậy, thí sinh chỉ cần học tập đáp ứng yêu cầu cơ bản quy định trong chương trình là có thể tốt nghiệp THPT và tập trung đầu tư học nhiều hơn vào các môn Toán, Vật lí, Hoá học phù hợp với tổ hợp môn thi (khối thi) để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Câu 17. Đối với những thí sinh thi từ những năm trước chưa đạt kết quả, năm 2015 thi lại thì phải thi những môn nào của Kì thi THPT quốc gia? Trả lời: - Nếu thí sinh chưa tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước, tham dự Kì thi THPT quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì phải thi 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, có thể đăng kí thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. - Nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, năm nay chỉ cần đăng kí thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ: thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì chỉ đăng kí dự thi 3 môn: Toán, Vật lí, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng kí dự thi các môn phù hợp. Câu 18. Tại sao trong khi đang thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ mà Bộ lại cho phép học sinh được dùng chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế môn thi? Theo quy định, những học sinh chưa được học ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, được chọn môn thi thay thế; vậy thế nào là dạy học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng? Trả lời: Trong thời kì đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế thì ngoại ngữ là công cụ rất quan trọng đối với người lao động, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là lí do chính để kết quả thi ngoại ngữ được chọn là điều kiện bắt buộc khi xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau, việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ trong thời gian qua là không đồng đều, chất lượng dạy học ngoại ngữ có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền, nhất là giữa các đô thị lớn với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước. Điều kiện dạy học không đảm bảo chất lượng thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh sau: giáo viên dạy môn Ngoại ngữ chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ; việc thực hiện chương trình không liên tục; do học sinh chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ;... Những nội dung này sẽ được cụ thể hoá trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức Kì thi THPT quốc gia, Giám đốc Sở GDĐT căn cứ quy định của quy chế thi và thực tế của địa phương để báo cáo Bộ GDĐT xem xét, quyết định việc chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, việc cho phép các thí sinh lựa chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, các nhà trường chưa đủ điều kiện phải tập trung nỗ lực để nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu về dạy học ngoại ngữ. Việc này nhằm tạm thời tránh áp lực cho nhà trường để tập trung khắc phục khó khăn, nhất là việc tạm thời không phân công giảng dạy để giáo viên yên tâm đi học chuẩn hoá năng lực, nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu để học sinh được học và thi ngoại ngữ có chất lượng thật sự trong các năm sau. Bên cạnh đó, việc cho phép các thí sinh được dùng chứng chỉ ngoại ngữ được khẳng định là đảm bảo chất lượng, theo quy định do Bộ GDĐT công bố, để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực học tập tích cực, khuyến khích các thí sinh tận dụng cơ hội ngoài nhà trường để học và thi ngoại ngữ đạt chuẩn và có giá trị quốc tế. Câu 19. Những chứng chỉ nào sẽ được sử dụng để miễn thi ngoại ngữ cho xét công nhận tốt nghiệp THPT? Trả lời: Bộ GDĐT sẽ sớm cụ thể hoá quy định về miễn thi môn ngoại ngữ (trong đó có mônTiếng Anh) để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng chấp nhận các chứng chỉ quốc tế thuộc hệ thống chứng chỉ tương thích với khung tham chiếu châu Âu (tức là cũng tương thích với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam), thông dụng và do các tổ chức khảo thí có uy tín cấp. Các thí sinh đoạt giải Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ cũng sẽ được miễn thi (ví dụ Olympic quốc tế môn Tiếng Nga). Đề thi ngoại ngữ trong những năm trước mắt sẽ có yêu cầu năng lực theo chuẩn của chương trình 7 năm, tiến tới sẽ theo yêu cầu của chương trình 10 năm và đánh giá đầy đủ 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Câu 20. Đề thi được thiết kế như thế nào để đạt được mục đích của Kì thi và đánh giá được toàn diện thí sinh? Trả lời: Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục toàn diện là trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, phải tạo được cho học sinh môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường riêng của cá nhân theo định hướng nghề nghiệp hoặc học lên; hiện nay, các trường THPT đã và đang đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống. Những năm gần đây, đề thi, nhất là đề thi các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...); khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc. Đề thi trong Kì thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi phải đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ). Nghĩa là, đề thi phải đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Câu 21. Việc tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì và cụm thi do Sở GDĐT chủ trì, có thể tạo ra sự không công bằng trong kết quả tốt nghiệp THPT giữa các địa phương, khi mà nơi thì coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc (cụm thi do các trường ĐH chủ trì), nơi thì coi thi có thể sẽ dễ dãi hơn (cụm thi do Sở GDĐT chủ trì). Bộ GDĐT sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo Kì thi khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh? Trả lời: Kì thi THPT quốc gia dù được tổ chức ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay tại các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì đều phải thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi với kĩ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước. Những đổi mới trong Kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao, nhất là Kì thi tốt nghiệp THPT đã có những chuyển biến tích cực, trường thi an toàn, nghiêm túc, các hiện tượng tiêu cực, hiện tượng “phao thi” đã được khắc phục rất nhiều. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn những băn khoăn về tính nghiêm túc của các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì. Bộ GDĐT đã lường được vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính nghiêm túc của Kì thi tại các địa phương. Bộ không phân biệt thí sinh thi tại cụm thi do Sở GDĐT chủ trì với thí sinh thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì, các thí sinh sẽ cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, nên chắc chắn hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài, khắc phục hiện tượng dùng “phao thi”. Bộ GDĐT sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp để tổ chức tốt Kì thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và kết quả thi có độ tin cậy cao. Đặc biệt, đối với các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với Kì thi. Các sở GDĐT xác định đây là Kì thi THPT quốc gia duy nhất nên phải tổ chức nghiêm túc Kì thi tại cụm thi do Sở GDĐT chủ trì, sao cho kết quả có độ tin cậy, khách quan, không có những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Các giải pháp kĩ thuật sẽ được tăng cường trong đó có việc sử dụng phần mềm quản lí thi dùng chung với các chức năng quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến hỗ trợ thí sinh; các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và xã hội có thể theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi và xử lí kết quả thi. Câu 22. Sẽ có khoảng bao nhiêu thí sinh thi tại một cụm thi? Các cụm thi được thành lập dựa theo những tiêu chí nào để đáp ứng yêu cầu của Kì thi? Trả lời: Theo kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, một cụm thi trung bình khoảng 30 – 40 nghìn thí sinh là phù hợp. Từ kinh nghiệm này và dựa trên nguồn lực của các trường ĐH, CĐ (đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh) Bộ sẽ bố trí các cụm thi theo khoảng cách địa lí hợp lí, đồng thời số cụm thi sẽ tăng hơn năm trước, rải ra trong cả nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự Kì thi. Các cụm thi sẽ được thành lập theo mô hình các cụm thi ĐH, CĐ ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước đây. Bộ GDĐT sẽ khảo sát, xem xét kĩ lưỡng các yếu tố để cùng với các địa phương và các trường ĐH bàn bạc, thống nhất thành lập thêm các cụm thi. Các trường ĐH, CĐ sẽ cùng với các sở GDĐT phối hợp để tổ chức tốt Kì thi. Các trường ĐH được giao chủ trì các cụm thi có thể coi đây là một cơ hội tốt để khẳng định uy tín và thương hiệu của trường. Trách nhiệm của các trường khi đó sẽ nặng nề hơn so với trước đây (chỉ tổ chức thi cho thí sinh thi vào trường mình hoặc cho một số trường) vì phải tổ chức thật tốt để đáp ứng yêu cầu của Kì thi THPT quốc gia; đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ sử dụng vào tuyển sinh; đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo của cả hệ thống. Các địa phương được giao chủ trì cụm thi cũng phải nỗ lực tổ chức Kì thi với yêu cầu cao hơn kì thi tốt nghiệp THPT những năm trước; đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, kết quả thi có độ tin cậy cao, phản ánh đúng chất lượng dạy học; đặc biệt là không để xảy ra tình trạng kết quả cao bất thường so với các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì. Tổ chức nghiêm túc các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì chính là hướng tới đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Cũng cần nói thêm là Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấm thẩm định tại các cụm thi, nhất là các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì để giám sát chặt chẽ, phát hiện và có giải pháp xử lí kịp thời các bất cập nảy sinh, đảm bảo tổ chức Kì thi THPT quốc gia đạt mục tiêu đề ra. Câu 23. Xin cho biết những điểm kế thừa, đổi mới để tổ chức một kì thi thực sự nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao? Trả lời: Muốn tổ chức Kì thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao thì phải làm tốt tất cả các khâu: từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lí và sử dụng kết quả thi; phát huy các ưu điểm của mỗi kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong các năm trước nhưng có yêu cầu cao hơn, phát triển hơn. Những điểm chính là: – Sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, tương tự như các cụm thi tuyển sinh “3 chung” trong các năm trước. – Sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở; đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Hiện nay, Bộ đã bước đầu xây dựng được ngân hàng đề thi; trong những năm tới ngân hàng đề sẽ được phát triển, hoàn thiện nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại của khoa học đánh giá chất lượng giáo dục. – Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm những sai phạm xảy ra. – Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, xử lí kết quả thi và quản trị cơ sở dữ liệu của Kì thi một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và an toàn. Phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ công tác truy vấn kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, công khai kết quả thi trên mạng, xử lí thống kê kết quả thi phục vụ đánh giá phản hồi chất lượng đề thi và hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Câu 24. Học sinh có cần bổ sung kiến thức mới không? Có hướng dẫn gì trong việc ôn tập để tham dự kì thi không? Trả lời: Để thực hiện mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức Kì thi với nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình, sách giáo khoa phổ thông như các kì thi năm 2014. Vì vậy, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của Kì thi đều theo hướng nhẹ nhàng, nhằm tạo thuận lợi cho các em có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp. Câu 25. Cách thức xét công nhận tốt nghiệp THPT ở kì thi này có gì khác so với năm 2014? Ý nghĩa và cách tính ngưỡng điểm tối thiểu xét tốt nghiệp và ngưỡng điểm tối thiểu xét vào ĐH, CĐ? Trả lời: Để đảm bảo học sinh được “học gì, được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu cơ bản đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển ĐH, CĐ tốt, Bộ sẽ kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Ngưỡng điểm tối thiểu là mức điểm thấp nhất được sử dụng xét công nhận tốt nghiệp THPT hoặc xét trúng tuyển ĐH, CĐ; có tác dụng đảm bảo chất lượng của thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT hoặc thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Điểm để xét công nhận tốt nghiệp, gồm điểm thi 4 môn tối thiểu (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) kết hợp với điểm trung bình học tập cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có). Điều kiện để thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được quy định cụ thể trong quy chế thi, nhưng về cơ bản tương tự như Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Căn cứ vào kết quả các môn thi của Kì thi, Bộ sẽ có quy định ngưỡng điểm tối thiểu đối với tổ hợp các môn thi để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ; đồng thời tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các trường trong công tác xét tuyển. Câu 26. Với phương án thi mới liệu có làm giảm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT? Nếu tỉ lệ tốt nghiệp thấp, liệu có tổ chức thi lần 2, lần 3? Trả lời: Bộ GDĐT không đặt vấn đề đỗ tốt nghiệp bao nhiêu phần trăm và sẽ không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2. Kết quả thi sẽ phản ánh đúng thực chất và do chính kết quả học tập quyết định. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2014 các môn thi gần với phân bố chuẩn (có dạng hình chuông), phản ánh đúng kết quả học tập. Từ đó có thể dự đoán Kì thi THPT quốc gia năm 2015 tỉ lệ tốt nghiệp sẽ không biến động nhiều, không như kết quả thi tốt nghiệp năm 2007. Bộ sẽ công bố công khai phổ điểm, để xã hội biết chất lượng đề thi, kết quả thi của thí sinh và các trường ĐH, CĐ sẽ dựa vào đó để xét tuyển. Câu 27. Những đổi mới trong Kì thi THPT quốc gia có liên quan như thế nào đối với công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ? Trả lời: Kì thi THPT quốc gia có ba điểm mới liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH: – Kết quả thi vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh; – Thí sinh đăng kí dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi; – Các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc vừa tuyển sinh theo các khối thi như trước đây, vừa đề xuất các khối thi mới phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo. - Quản lý kết quả thi theo hướng tập trung, thí sinh ảo giảm Đối với thí sinh, việc đăng kí dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây; các em lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục đại học; cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo. Với cách thức tuyển sinh mới, thí sinh sẽ linh hoạt trong việc chọn các khối thi phù hợp. Việc thí sinh đăng kí xét tuyển sau khi có kết quả thi là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường phát triển. Các trường muốn tuyển được thí sinh có chất lượng vào học phải xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo. Đây là động lực bên trong để các cơ sở giáo dục đại học có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Câu 28. Quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ và quyền chủ động của thí sinh trong tuyển sinh được thực hiện như thế nào khi sử dụng kết quả của Kì thi THPT quốc gia? Trả lời: Thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật Giáo dục đại học, dựa vào các quy định của Quy chế tuyển sinh: 1) Việc sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia với ngưỡng điểm tối thiểu của tổ hợp môn thi (khối thi) do Bộ hướng dẫn sẽ tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các nhà trường. Từng trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của Kì thi THPT quốc gia (sau đây gọi tắt là kết quả thi) để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể (xét điểm của những môn nào? Hệ số tính điểm của mỗi môn…) để xét tuyển phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo. Cụ thể: + Chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh; + Kết hợp sử dụng kết quả thi với xét học bạ của thí sinh; + Sử dụng kết quả thi nhưng thi bổ sung thêm (thi năng khiếu); + Sử dụng kết quả thi kết hợp với các hình thức kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, IQ và các hình thức phù hợp khác; + Sử dụng trực tiếp kết quả 4 môn thi tối thiểu; ... Để thực hiện các phương thức tuyển sinh trên, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại quy chế tuyển sinh, đồng thời công bố công khai để thí sinh chủ động tham khảo. 2) Nếu không sử dụng kết quả của Kì thi THPT quốc gia, trường có thể tổ chức kì thi tuyển sinh riêng. Bộ GDĐT sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án tuyển sinh riêng của trường. Câu 29. Việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia có mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ không? Trả lời: Tự chủ trong tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học được quy định trong Luật Giáo dục Đại học. Điều quan trọng là phải tổ chức Kì thi THPT quốc gia sao cho kết quả có sự phân hoá và độ tin cậy cao để nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Với việc kế thừa, phát triển những gì tốt nhất của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” để tổ chức Kì thi THPT quốc gia, các trường ĐH, CĐ có cơ sở yên tâm sử dụng kết quả Kì thi vào tuyển sinh. Cùng với sử dụng kết quả Kì thi quốc gia, căn cứ vào đặc điểm của các ngành đào tạo của trường, yêu cầu đặc thù của công tác tuyển chọn thí sinh vào trường, các cơ sở giáo dục ĐH có thể chủ động căn cứ Quy chế tuyển sinh để sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận;… Còn đối với các trường không sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì sẽ thực hiện tuyển sinh riêng theo Đề án tuyển sinh riêng của trường. Đây là việc các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình theo Luật Giáo dục Đại học. Như vậy, có thể thấy việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia hoàn toàn không mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học, cao đẳng. Câu 30. Bộ GDĐT có quy định mỗi thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để dự tuyển vào ĐH, CĐ không? Trả lời: Trước đây, khi chưa có kết quả thi các em đã đăng kí nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Năm 2015, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh và yêu cầu xét tuyển của các trường, Bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lí dữ liệu Kì thi hỗ trợ đăng kí thi, đăng kí tuyển sinh với phương châm khắc phục những hạn chế ở các kì tuyển sinh năm trước, trong đó có tình trạng thí sinh ảo. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kì thi để tuyển sinh sẽ tiến hành xét tuyển trong 2 đến 3 đợt; trong mỗi đợt, mỗi thí sinh sẽ được đăng kí một số nguyện vọng (được quy định cụ thể trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy). Câu 31. Thời gian tổ chức thi của các trường tuyển sinh riêng được quy định như thế nào? Bộ GDĐT có khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung để xét tuyển vào ĐH, CĐ không? Trả lời: Bộ GDĐT sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh (không trùng với Kì thi THPT quốc gia). Các trường công bố thời gian tổ chức tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh riêng. Một trong hai mục đích của Kì thi là lấy kết quả thi làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia có kèm theo các điều kiện khác hay không là tuỳ trường ĐH, CĐ, mỗi trường chọn phương án tối ưu nhất cho mình. Vì vậy, Bộ GDĐT không khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung; các trường ĐH, CĐ có những yêu cầu riêng đều có thể tổ chức thêm kì kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận, …để chọn thí sinh cho phù hợp với ngành nghề đào tạo. Câu 32. Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ là lấy điểm 4 môn thi tối thiểu để xét hay tuỳ vào trường ĐH, CĐ mà lựa chọn điểm của từng môn theo yêu cầu để xét tuyển. Trả lời: Kết quả của 4 môn thi tối thiểu sẽ được sử dụng kết hợp với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh. Điểm các môn này đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của từng trường ĐH, CĐ. Còn việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, các trường sẽ công bố công khai các môn thi trên cơ sở các khối thi truyền thống. Đối với một số trường, ngành đặc thù có thể có điều chỉnh, xây dựng thêm một số tổ hợp môn thi mới (khối thi); các trường sẽ công bố trước ngày 15/10/2014 để thí sinh biết và thực hiện. Như vậy, để tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các môn đã trùng với các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, thì các em sẽ lựa chọn thêm môn thi phù hợp để có thêm cơ hội vào các trường ĐH, CĐ. Câu 33. Bộ GDĐT có quy định gì dành cho thí sinh thi liên thông (chưa đủ 36 tháng sau khi tốt nghiệp) tham dự Kì thi? Trả lời: Thi liên thông được quy định trong Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012. Những thí sinh có bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ chưa đủ 36 tháng thì dự thi kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ cần đăng ký thi những môn cần thiết để xét vào các ngành của trường ĐH, CĐ lựa chọn. Hiện nay, chưa có quy định nào về vấn đề ưu tiên cho thí sinh thuộc nhóm này. Câu 34. Các trường ĐH, CĐ nếu không có Đề án tuyển sinh riêng, khi thiếu nguồn tuyển có được phép gửi giấy gọi tới các thí sinh thi ở cụm thi do Sở GDĐT chủ trì đạt điểm trên ngưỡng xét vào ĐH, CĐ hay không? Trả lời: Các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Đối với các trường sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì phải công bố phương án tuyển sinh của trường, trong đó nêu rõ mức độ và cách thức sử dụng kết quả của Kì thi để tuyển sinh trước ngày 01/01 hằng năm (đối với tuyển sinh năm 2015, các trường sẽ công bố phương án tuyển sinh trước 15/10/2014). Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tuyển sinh riêng theo quy định của quy chế (trước ngày 31/10/2014). Các thí sinh thi ở các cụm thi do Sở GDĐT chủ trì, chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, sẽ có thể tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả Kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh; những trường này có Đề án tuyển sinh riêng. Với các lí do trên, nếu các trường ĐH, CĐ không công bố Đề án tuyển sinh riêng theo quy định (chậm nhất ngày 31/10/2014), nhưng sau đó do thiếu nguồn tuyển nên gửi giấy gọi tới các thí sinh thi ở cụm thi do Sở GDĐT chủ trì (ngay cả khi các thí sinh này đạt điểm trên ngưỡng xét vào ĐH, CĐ) là không đúng quy định nên không được phép thực hiện. Câu 35. Trong Kì thi THPT quốc gia, các chế độ ưu tiên (theo khu vực, theo đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) có tiếp tục được thực hiện như trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 không? Trả lời: Các chế độ ưu tiên, tuyển thẳng đã quy định trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành (như chế độ ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) sẽ được tiếp tục áp dụng đối với Kì thi THPT quốc gia từ năm 2015. Bộ GDĐT sẽ cập nhật, bổ sung những chính sách mới của Đảng, Nhà nước về các chế độ ưu tiên để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Câu 36. Công tác thanh tra, kiểm tra trong Kì thi THPT quốc gia sẽ được tiến hành như thế nào? Trả lời: Công tác thanh tra, kiểm tra trong Kì thi THPT quốc gia được thực hiện tương tự như trong Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ và Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng theo hướng chặt chẽ, nghiêm túc hơn: – Các trường ĐH, các sở GDĐT được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi, tổ chức các đoàn thanh tra thi để đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy chế thi ở các hội đồng coi thi, chấm thi; – Bộ tổ chức các đoàn thanh tra lưu động, sử dụng lực lượng thanh tra của các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và bố trí các thanh tra cắm chốt tại các cụm thi; – Tất cả những vi phạm đối với những người tham gia Kì thi sẽ được xử lí nghiêm minh để hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực trong thi cử; – Ban Chỉ đạo thi Trung ương thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đột xuất không báo trước tại các cụm thi. Câu 37. Theo thông lệ, thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT thì không phải đóng lệ phí, thí sinh thi ĐH, CĐ phải đóng lệ phí; vậy các thí sinh tham dự Kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 có phải đóng lệ phí không? Trả lời: Những học sinh đăng kí dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ không phải nộp lệ phí, còn những học sinh đăng kí dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí. Những nội dung chính về công tác tổ chức Kì thi THPT quốc gia đã được Bộ GDĐT công bố. Những vấn đề còn lại mang tính kĩ thuật của Kì thi này sẽ được đưa vào quy chế và các văn bản hướng dẫn mà Bộ sẽ công bố để thí sinh và toàn xã hội biết. Câu 38. Những thí sinh thi tại cụm thi do Sở GDĐT chủ trì và được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 có được tham dự Kì thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ không? Nếu được thì sẽ phải thi những môn thi nào? Trả lời: Những thí sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Kì thi THPT quốc gia năm 2015, được tham dự Kì thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Những thí sinh này không phải dự thi cả 4 môn thi tối thiểu của Kì thi để xét công nhận tốt nghiệp, mà chỉ đăng kí thi những môn thi phù hợp với ngành đào tạo của trường ĐH, CĐ phục vụ cho tuyển sinh. Ví dụ: Thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ mà trường công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì thí sinh chỉ đăng kí dự thi 3 môn: Toán, Vật lí, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng kí dự thi các môn phù hợp.
相关推荐
-
Đề xuất bỏ quy định xin giấy xác nhận ‘người dân tộc’ khi thi bằng lái xe
-
Tạm giữ nhóm thanh niên gặp ai 'thấy ngứa mắt' là đánh, chặt biển số xe
-
Đề nghị truy tố cựu Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa
-
Khởi tố tài xế xe khách đẩy CSGT rồi tăng ga bỏ chạy ở Hải Dương
-
Nhóm trộm chó rải đinh sắt, bắn súng tự chế chống trả công an truy bắt
-
Đại uý Công an ở Bình Phước bị dập não khi làm nhiệm vụ
- 最近发表
-
- Nhận định, soi kèo Monza vs Cagliari, 18h30 ngày 5/1: Thất vọng cửa trên
- Tổ chức dùng ma tuý trong khách sạn, 5 cựu cầu thủ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh lĩnh án
- Dùng mảnh vỡ cốc thủy tinh rạch mặt con gái ‘con nợ’
- Nam thanh niên ở Đắk Lắk đâm bạn nhậu tử vong rồi đi uống rượu tiếp
- Người trẻ chuộng thức ăn nhanh
- Nhà đất bố mẹ để lại, xin cấp sổ đỏ có phải mất tiền?
- Gã đàn ông bị bắt sau 9 năm trốn truy nã sang Lào
- Trường hợp nào thì được quyền đổi biển số xe máy?
- Vì sao Gen Z ngày càng hờ hững với hẹn hò online?
- Nam thanh niên ở Đắk Lắk đâm bạn nhậu tử vong rồi đi uống rượu tiếp
- 随机阅读
-
- Bài học đắt giá của nữ CEO từng gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam
- Nổ mìn làm chết người ở hầm thủy điện: Bắt thêm 3 bị can
- Nhà đất bố mẹ để lại, xin cấp sổ đỏ có phải mất tiền?
- Điều tra án mạng khiến cô gái tử vong, nghi bị bạn trai sát hại
- 'Giả thua để thắng' chiêu độc trong kinh doanh
- Tài xế có nồng độ cồn gây tai nạn trên cầu ở Đà Nẵng
- Bộ Công an đề nghị bị hại trong vụ án liên quan 'Shark' Thủy cung cấp thông tin
- Có được phép xây nhà trên đất không có sổ đỏ?
- Nguồn tư liệu phong phú về đô thị Sài Gòn
- Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ
- Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ thế nào trong vụ án AIC ở Bắc Ninh?
- Chuyển tiền đầu tư dầu khí qua mạng, một phụ nữ ở Phú Yên bị lừa 2,7 tỷ đồng
- Giá vàng hôm nay (4/1): SJC tăng nhẹ, vàng nhẫn nóng rẫy
- Xử phạt tài xế chạy ngược chiều trên cao tốc TP.HCM
- Tài xế có nồng độ cồn gây tai nạn trên cầu ở Đà Nẵng
- Ngã tư không có đèn giao thông, xe nào được đi trước?
- Xe khách đâm dải phân cách, lật ngang trên quốc lộ 1A
- Giả mạo nghệ sĩ Xuân Bắc để lừa đảo trên mạng xã hội
- Hai cựu Cục trưởng Đăng kiểm lãnh tổng 44 năm tù
- Xử vụ Đăng kiểm: HĐXX nhận định 2 cựu cục trưởng để xảy ra sai phạm có hệ thống
- 搜索
-
- 友情链接
-
- 20 vận động viên thể thao thành tích cao đang được gửi đào tạo
- Giảm giá xăng dầu lần thứ tư liên tiếp
- Những từ ngữ mạnh dành cho tham nhũng
- Giải vô địch taekwondo tỉnh 2020: 23 bộ huy chương được trao
- Thành phố Vị Thanh chiếm gần 50% dụng cụ tập luyện thể dục
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Điều hành NSNN chặt chẽ, tiết kiệm chi triệt để
- Quảng Ninh: Phát hiện lượng lớn thiết bị vệ sinh có dấu hiệu làm giả
- Nâng cao chất lượng báo chí tuyên truyền về biển đảo
- Thanh niên dàn dựng clip trộm cây cảnh để đăng lên TikTok 'câu view'
- Boxing Việt Nam sẽ vươn tầm