FLC: lợi nhuận khủng, giá vẫn rơi thẳng đứng
Sáng nay SHN phát đi thông báo giật mình: Quý 4/2013 lãi hơn 64 tỷ đồng, nhờ đó kéo kết quả kinh doanh cả năm thành lãi 1,66 tỷ đồng. SHN quả nhiên đã có sự đảo ngược ngoạn mục về kết quả kinh doanh.
Song thực tế, ở ngành nghề kinh doanh chính của SHN không có chuyển biến gì cả. Doanh thu quý 4 (của ngành nghề kinh doanh chính) chỉ hơn 1,4 tỷ đồng và lỗ lũy kế của SHN đến nay vẫn là trên 250 tỷ đồng.
Kết quả này cũng không thực sự bất ngờ đối với những người theo dõi SHN bấy lâu nay. SHN đã đạt được thoả thuận chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án Khu nhà ở, văn phòng làm việc Tây Mỗ cho Công ty TNHH Đầu tư Dubai Capital trị giá 75 tỷ đồng. Đây chính là một trong những thông tin giúp giá SHN tăng liên tục suốt từ đầu tháng 12/2013 đến cuối tuần trước.
Ngay từ cuối tuần trước tin đồn đã lan khắp nơi nhưng SHN vẫn không tránh được một phiên sụt giảm 8,8%. Đến hôm nay, khi tin chính thức ra, SHN lại giảm tiếp 9,62% nữa và bị bán sàn ồ ạt trên 1,1 triệu cổ phiếu giá ATC và giá sàn nhưng không có người mua.
SHN rơi vào trường hợp “tin ra là bán”. SHN tăng giá liên tục thời gian qua một phần là do hoạt động đầu cơ mạnh, một phần xuất phát từ thông tin âm ỉ không chính thức. Đến khi tin chính thức được công bố thì không còn lý do gì để níu giữ dòng tiền đầu cơ ở lại nữa.
SHN không phải là cổ phiếu đầu cơ duy nhất chịu ảnh hưởng của dòng vốn tháo chạy. Hàng loạt cổ phiếu khác thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, trong khi nhu cầu thoát ra để chuyển vốn sang các cổ phiếu khác tăng lên đáng kể. Tất cả những thông tin đã từng được sử dụng để biện hộ cho quá trình tăng nóng trước đó, dù đến hôm nay vẫn còn nguyên, nhưng không thể tạo được sức hút nữa. Nguyên nhân rất đơn giản: Dòng vốn đầu cơ đã “ăn đủ” và đã rút đi.
Trên sàn HSX, FLC kể từ ngày 24/12 khi ra tin lợi nhuận 2013 gấp 5 lần 2012 thì đến hôm nay, giá đã sụt giảm tổng cộng trên 28%. FLC phiên này bị bán sàn ồ ạt dù vẫn có cầu đỡ, nhưng không thể tạo chuyển biến. Lợi nhuận khủng nhưng giá vẫn rơi thẳng đứng. Rõ ràng là dòng tiền đầu cơ không quan tâm nhiều lắm đến yếu tố cơ bản, hoặc cho rằng yếu tố cơ bản đó đã phản ánh vào giá.
HQC, VHG, TSC, SJS, TNT, TYA, PXT, PXM, VNH, HLA… toàn là những cổ phiếu cực nóng trong vài tuần trước với đủ loại tin đồn, hôm nay vẫn giảm sàn với thanh khoản rất cao. Nhà đầu cơ đã quyết liệt bán đi, cắt lỗ để chuyển hướng đầu tư sang cổ phiếu khác.
Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu đầu cơ nhỏ cũng giảm sàn la liệt. VSC từ đầu tháng 1 đến phiên cuối tuần trước còn tăng gần 67,5%, hôm nay giảm sàn và bị bán hàng trăm ngàn cổ không ai mua. V15, IDJ, NVC, PXA, GGG, PSG, PFL… toàn các mã đầu cơ đình đám ngày nào, giờ đều giảm giá sàn.
Các cổ phiếu đầu cơ tăng giá liên tục không nhờ yếu tố cơ bản thì đến lúc giảm cũng không thể dùng các yếu tố cơ bản để biện hộ. Mọi biến động đơn giản chỉ là do sự thay đổi của dòng tiền. Lúc dòng tiền đầu cơ đổ vào lớn thì tin xấu đến mấy, kinh doanh lỗ nặng vẫn có thể trần liên tục. Đến khi dòng vốn nóng rút ra thì giá điều chỉnh là lẽ đương nhiên.
Khối ngoại dốc tiền vào blue-chips
Top 5 giao dịch NĐTNN | ||
Mã CK | KL mua ròng | GT mua ròng |
VIC | 658,240 | 49,9 |
DPM | 683,550 | 33,2 |
VCB | 1,004,990 | 29,6 |
MSN | 289,830 | 29,5 |
PVD | 267,030 | 18,6 |
Mã CK | KL bán ròng | GT bán ròng |
CSM | 13,040 | 0,5 |
FPT | 10,610 | 0,6 |
SSI | 22,600 | 0,5 |
DPR | 15,960 | 0,7 |
VNE | 40,000 | 0,3 |
Những tưởng phiên cuối tuần trước là đỉnh điểm của cường độ mua vào của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hôm nay kỷ lục mới đã được lập: Khối ngoại đổ ra 543,7 tỷ đồng mua vào, tăng khoảng 4%. Đặc biệt ở HSX, tuy GAS được mua giảm đi, nhưng hàng loạt blue-chips khác lại vọt lên với mức độ cực cao.
Quy mô mua vào trên 10 tỷ đồng xuất hiện ở nhiều mã: DPM, HAG, HPG, HSG, MSN, PGD, PVD, STB, VCB, VIC. Lượng vốn vào kỷ lục thuộc về DPM với gần 81,8 tỷ đồng, trong đó mức mua ròng là 33,2 tỷ đồng. VIC cũng được mua tới 76,5 tỷ đồng và vốn ròng 49,9 tỷ đồng. Các cổ phiếu lớn trong nhóm HSX30 nhận được lượng vốn xấp xỉ 417,6 tỷ đồng, cao kỷ lục trong vòng 2 năm, vượt qua cả đợt cơ cấu danh mục của quỹ ETF hồi tháng 12 vừa qua.
Dòng vốn nước ngoài quá mạnh này đã tạo cho VN-Index một phiên tăng đột phá nữa. Chỉ số đóng cửa ở ngưỡng 553,67 điểm, cao nhất kể từ tháng 11/2009. Riêng mức tăng phiên này lên tới 1,85%.
Các cổ phiếu lớn nhất ở HSX có mức tăng giá rất tốt. Mặc dù GAS chỉ tăng 0,65%, nhưng hàng loạt cổ phiếu khác đã bù đắp vào: VNM tăng 2,16%, MSN tăng 3,66%, VIC tăng 4,83%, BVH kịch trần 6,76%, DPM tăng 6,56%, VCB tăng 2,82%, STB kịch trần 6,84%, HSG tăng 2,26%...
Trên sàn Hà Nội, lực mua của khối ngoại có yếu hơn, quy mô khoảng 65,2 tỷ đồng, nhưng cũng là lớn nhất kể từ ngày 20/9/2013. VND, PVS, KLS, PVS, VCG là những cổ phiếu được mua chủ yếu.
Các chỉ số ở sàn HNX không có cổ phiếu lớn nâng đỡ tập trung, đều giảm điểm. HNX-Index mất 0,39% trong khi HNX30-Index giảm 0,54%.
Tổng giá trị khớp lệnh thị trường hôm nay có giảm 19% so với phiên trước, nhưng vẫn ở mức rất cao, đạt 2.340,6 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là yếu tố bất ngờ của thị trường với màn trình diễn không thể bùng nổ hơn. Trong khi nhà đầu tư trong nước chốt lời khá nhiều, kể cả các blue-chips đang được đẩy giá thì khối ngoại mua vào không tiếc tiền. Giá nhiều cổ phiếu đã không thể điều chỉnh trước áp lực đó.
HSX | HNX | ||
Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh | Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh |
1.896 tỷ đồng (-16%) | 102 triệu (-11%) | 444,6 tỷ đồng (-31%) | 48,6 triệu (-28%) |
5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất
HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn | HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn |
DPM (118,5) - (6,3%) | VND (60,4)-(13,6%) |
VIC (93,7) - (4,9%) | PVS (51,6)- (11,6%) |
HAG (88,5) - (4,7%) | SHB (32,3) - (7,3%) |
SSI (86,8) - (4,6%) | PGS (30,8) - (6,9%) |
VCB (84,7) - (4,4%) | KLS (27,1) - (6,1%) |
Khánh Nhi