游客发表
Cửa Chánh Tây - Nơi diễn ra trận đánh mở màn của quân ta vào rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968 để giải phóng nội thành Huế. Ảnh: MC |
Lên rừng, ông Nguyễn Thanh Hiếu gia nhập Đại đội 12 Đặc công - một đơn vị độc lập của Phân khu Trị Thiên.
Quân Mỹ đến, Đại đội này giải thể nhưng ông Nguyễn Thanh Hiếu được chuyển về Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 12 Đặc công do ông Trần Hồng (quê Vinh Giang, Phú Lộc) làm Tiểu đoàn trưởng và ông Trần Tiến Lực (quê Lộc An, Phú Lộc) làm Chính trị viên. Trong những năm bám trụ chiến trường, ông đã cùng đồng đội lập được nhiều chiến công vang dội.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, chính trong thời gian tham dự lớp học ở Khe Trái tôi đã hỏi những trận đánh mà anh Nguyễn Thanh Hiếu tham gia.
Trong căn hầm chữ A, bên cánh võng, đêm xuống, anh từ tốn kể cho tôi nghe “chặng đường chinh chiến” của mình.
Đó là cuối năm 1962, anh cùng đơn vị tập kích đánh sập cầu Truồi, chia cắt tuyến đường huyết mạch trên quốc lộ I. Đây là trận đánh chia cắt giao thông đường bộ đầu tiên ở Thừa Thiên, gây tiếng vang lớn ở Huế và Đà Nẵng.
Hay năm 1964 khi là cán bộ Tiểu đội, anh Nguyễn Thanh Hiếu đã cùng đơn vị phối hợp đánh Trung tâm huấn luyện Biệt kích Nam Đông, hỗ trợ Nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp, hình thành vùng giải phóng ở miền núi Thừa Thiên.
Đến đầu năm 1966, Đặc công 12 được giao nhiệm vụ mật tập căn cứ Đồng Lâm, nơi Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 101 Mỹ vừa đổ quân lập căn cứ ở Phong An, Phong Điền.
Theo phân công, mũi của anh Nguyễn Thanh Hiếu đột nhập nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng, Đại đội 12 Đặc công phá hủy 5 khẩu pháo và 40 xe quân sự và loại khỏi vòng chiến đấu 150 binh sĩ Mỹ. Quân sử ghi nhận: Đây là trận đánh và thắng Mỹ đầu tiên ở chiến trường Trị - Thiên.
Năm 1966 là năm mà Đại đội 12 Đặc công gắn bó với vùng đất Phong - Quảng. Tại đây, theo lời kể của anh Nguyễn Thanh Hiếu, đơn vị của anh đã phối hợp đánh đồn Nam Giảng, Lương Mai, An Lỗ… góp phần khai thông tuyến hành lang và mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng Phong - Quảng Điền.
Bước sang năm 1967, Đại đội của anh phát triển thành Tiểu đoàn 12 Đặc công.
Trong những trận chiến mà anh tham gia thì trận đánh vào căn cứ Tứ Hạ - nơi đặt sở chỉ huy của Trung đoàn 3 Sư đoàn I của quân đội Sài Gòn, trực tiếp bảo vệ phía bắc Huế.
Căn cứ này có từ thời Pháp, sau khi tiếp nhận quân đội Sài Gòn cho gia cố biến 1km2 ở đây thành căn cứ hỏa lực có pháo, xe tăng và khoảng 600 binh sĩ đồn trú với nhiều lớp hàng rào và lô cốt bảo vệ.
Để cuộc tấn công đảm bảo thắng lợi, dưới sự chỉ huy của Chính ủy Trung đoàn 6 Nguyễn Trọng Dần và Trung đoàn phó Huỳnh An, để hỗ trợ Tiểu đoàn 12 Đặc công và Tiểu đoàn 1 đánh Tứ Hạ, Trung đoàn đã giao các Tiểu đoàn còn lại tập kích các căn cứ xung quanh như Ba Phường, Thanh Lương và dội pháo vào quận lỵ Phong Điền ngăn không cho đối phương ứng viện cho Tứ Hạ.
Do thâm nhập vướng phải mìn nên chỉ huy ra lệnh cường tập. Sau hơn 1 giờ chiến đấu ngoan cường, Đặc công và bộ binh đã phá hủy hơn 70 xe quân sự, 2 khẩu pháo, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm binh sĩ Sài Gòn, trong đó có viên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3.
Với thắng lợi này, không chỉ làm cho tuyến hành lang từ hậu cứ về đồng bằng 3 huyện phía bắc: Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền được khai thông mà còn tạo điều kiện để lực lượng của ta tiếp cận Huế.
Cuối năm 1967, trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, Quân khu Trị Thiên bổ nhiệm ông Dương Quang Đấu làm Trung đoàn trưởng, ông Trần Chí Thành làm Chính ủy Trung đoàn 6.
Và chính Trung đoàn trưởng Dương Quang Đấu đã chọn anh Nguyễn Thanh Hiếu để phái vào nội thành phối hợp với lực lượng tại chỗ mở cửa Chánh Tây trong cuộc tấn công và nổi dậy Xuân 1968.
*Như đã biết, sau khi chiếm giữ Huế, từ vùng Gia Hội, Nguyễn Thanh Hiếu (Đặc công), Lê Thanh Tùng (Trinh sát) của Trung đoàn 6 đã theo Đội Biệt động quân Tả - Quận 2 rút về Phú Vang phối hợp Tiểu đoàn 10 của Thành đội và Du kích địa phương chống càn.
Theo lời ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: “Ở cánh Nam Huế, 4 Tiểu đoàn bộ binh của thành phố cùng với du kích và bộ đội địa phương liên tục đánh địch càn quét bình định vùng giải phóng đồng bằng Phú Vang - Hương Thủy cả ngày cả đêm, mãi đến tháng 6/1968 mới rút lên căn cứ nhưng vẫn để lại một bộ phận quần nhau với địch cả năm 1969”. Trong số cán bộ được chọn “để lại” Phú Vang có ông Nguyễn Thanh Hiếu, Lê Thanh Tùng.
Theo lời ông Lê Thanh Tùng (Đại đội trưởng Trinh sát, quê Vĩnh Linh, Quảng Trị), lúc này ông Nguyễn Thanh Hiếu là Chính trị viên Đội Biệt động của thành phố, còn ông Lê Duy Vy là Đội trưởng của đơn vị này (ông Vy được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).
Bà Nguyễn Thị Hoa - nhà ở 40/2 đường Duy Tân, phường An Cựu cho biết, sau khi địch tái chiếm Huế, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương cùng anh em Biệt động rút về Phú Hồ, Vinh Thái, Phú Xuân bám trụ, chủ yếu là ở hầm bí mật. Lúc này, địch liên tục càn quét, xăm hầm. Cán bộ, chiến sĩ Biệt động kiên cường chống trả và phần lớn hy sinh, trong số đó có anh Hiếu... Để bảo toàn lực lượng, cuối năm 1969, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được cho ra Quảng Bình học tập quân sự ở Trường quân chính.
Ông Lê Viết Dương, quê ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang cho biết, thời điểm đó (giữa năm 1969), Phú Xuân hầu như không còn dân vì sau khi càn quét, xúc ủi, phần lớn bà con đều bị địch cưỡng bức vào sống ở khu tập trung. Chúng tôi chọn những lùm cây hoang ở Ba Lăng - Quảng Xuyên còn sót lại để đào hầm bí mật. Do vậy, lực lượng bám trụ ở đây không nhiều.
Cán bộ địa phương thời điểm đó chỉ còn tôi và anh Nguyễn Bông, số còn lại chủ yếu là cán bộ chỉ huy Biệt động thành như các anh: Nguyễn Thanh Hiếu, Lê Duy Vy, Lê Thanh Tùng. Chiến sĩ Biệt động bám trụ lúc đó nay chỉ còn anh Lợi hiện đang sống ở Ban Mê Thuột - ĐắK LắK.
Kể về trường hợp hy sinh của Chính trị viên Đội Biệt động Nguyễn Thanh Hiếu, ông Lê Viết Dương cho biết, sáng đó, khi tôi đang trên đường trở về hầm bí mật của mình thì gặp anh Nguyễn Thanh Hiếu ở dốc miếu Ôn. Anh chỉ nói “mình đi xem tình hình thế nào”. Khi tôi vừa cởi súng thì bỗng nghe tiếng pháo nổ. Pháo ngưng, tôi cùng anh Bông chạy lên dốc miếu Ôn và đau xót khi thấy anh Hiếu đã nằm gục bên đường.
Hai chúng tôi khiêng anh về, kiểm tra kỹ mới phát hiện vùng mang tai của anh có một mảnh đạn rất nhỏ, đến khi rút ra máu mới chảy. Chúng tôi thay quần áo và dùng nylon bọc thi thể anh. Chôn cất xong thì cũng là lúc trực thăng Mỹ bay tới. Chúng đổ một toán quân lùng sục, không phát hiện được gì nên rút lui.
Chi tiết này khá trùng hợp với lời kể của Nguyễn Thanh Thảo.
Nguyễn Thanh Thảo cho biết, cuối năm 1969, tình cờ trò chuyện với chị Phạm Thị Liên (Tiểu đội trưởng 11 cô gái sông Hương), tôi hỏi, ở Phú Vang lên chị có biết anh Hiếu đen, có xỏ lỗ tai không? Chị Liên vặn lại: Anh là ai mà hỏi anh Hiếu? Thảo trả lời: Tôi là em! Chị Liên khóc, đau đớn báo cho tôi: “Anh Hiếu hy sinh rồi! Anh hy sinh ở vùng Ba Lăng - Quảng Xuyên - Phú Vang!”
Từ thông tin ít ỏi đó, sau ngày quê hương giải phóng, Huyện đội phó Phú Lộc Nguyễn Thanh Thảo đã tìm về xã Phú Xuân, huyện Phú Vang. Có lẽ vì gắn bó với vùng đất này nên khi nêu đặc điểm và tên anh trai mình, Nhân dân và cán bộ địa phương nhiệt tình chỉ dẫn. Sau hơn 5 năm nằm lại trên vùng đất cát Quảng Xuyên, thi thể anh tôi nhờ được bọc trong tấm nylon xanh nên còn khá nguyên vẹn. Ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết.
Như nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam thoát ly tham gia kháng chiến, trước khi qua đời, Đại đội trưởng, Chính trị viên Đội Biệt động thành phố Nguyễn Thanh Hiếu không hề có di ảnh mà chỉ để lại cho quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ” của một thế hệ xả thân vì nước!
Sau 56 năm tìm kiếm, cuối cùng nguyên Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Văn Quang đã về thăm quê hương “người anh thân thương” của mình!
Bên mộ chí Đại đội trưởng Đặc công Nguyễn Thanh Hiếu, cựu Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Văn Quang tâm sự: “Tôi là người trực tiếp nghe những sự kiện chiến đấu anh dũng của anh Nguyễn Thanh Hiếu cũng như giữ trọn tình đồng chí mà anh đã dành cho tôi. Với tôi, tôi xem anh Nguyễn Thanh Hiếu như một anh hùng thầm lặng. Tôi không bao giờ quên Anh!”.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接