Thế giới đang chú ý đến những cuộc không kích của Nga ở Syria thì bất ngờ một máy bay dân sự chở khách của Nga bị rơi ở Ai Cập vào hôm 31-10. Giữa lúc Nga và Ai Cập tích cực điều tra vụ rơi máy bay này, phương Tây đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân thảm họa này.
Đương nhiên vụ máy bay A321 của hàng không Nga bị rơi trên bán đảo Sinai là một bi kịch đau đớn cho các công dân Nga là thân nhân của các nạn nhân trên chiếc máy bay xấu số. Nhưng nếu vụ rơi được khẳng định do bom gài sẵn trên máy bay chứ không phải do lỗi ngẫu nhiên nào đó thì các hệ lụy từ đó sẽ phức tạp hơn nhiều.
Vụ nổ bí hiểm
Phương Tây đề cập nhiều đến khả năng đánh bom trên máy bay còn Ai Cập và Nga thì để ngỏ mọi khả năng và nhìn chung không nhấn mạnh đến yếu tố khủng bố.
Theo các thông tin mới nhất, một quan chức Mỹ đã khẳng định khả năng có bom trên máy bay A321 lên tới 99,9%. Tình báo phương Tây thu lén được những đoạn hội thoại giữa các chiến binh thánh chiến khẳng định về khả năng này.
Phân tích sơ bộ hộp đen cũng gợi ý theo hướng đó. Dữ liệu từ vệ tinh Mỹ về chớp nhiệt tại khu vực Sinai cũng loại bỏ khả năng có tên lửa phóng lên và làm rơi máy bay, mà thay vào đó hướng chú ý tới khả năng có vật thể phát nổ bên trong máy bay.
Mặc dù Nga không đả động đến khả năng khủng bố, trên thực tế họ đã hủy các chuyến bay tới thành phố Sharm el-Sheikh trên bán đảo Sinai của Ai Cập. Đã vậy các chuyến bay mà Nga thực hiện để sơ tán công dân Nga khỏi Sinai đều không chở theo hành lý của hành khách – họ sử dụng máy bay vận tải để chở riêng hành lý của hành khách. Đây có thể là chỉ dấu cho thấy, Nga trên thực tế cũng đang nghiêng dần về giả thiết có đánh bom.
Dư luận thế giới tất nhiên đồ dồn sự chú ý về Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Bản thân chi nhánh của IS ở Sinai đã lên tiếng nhận trách nhiệm làm rơi chiếc máy bay nói trên.
Nhân viên cứu hộ Nga tại hiện trường rơi máy bay A321 của Nga ở Ai Cập. Ảnh: AFP. |
Thế nhưng Giám đốc Tình báo Mỹ trước đó có nói rằng chưa thể khẳng định chắc chắn vụ này là do IS gây ra.
Hơn nữa, IS tuy tự nhận làm rơi máy bay Nga nhưng không nói rõ cách thức làm rơi. Riêng trường hợp bắn rơi có thể loại bỏ vì IS chưa sở hữu vũ khí phòng không có tầm bắn lên đến độ cao 9-10km. Vả lại, dữ liệu từ vệ tinh Mỹ cũng bác bỏ khả năng bắn hạ máy bay bằng tên lửa. Nên người ta nghĩ rằng tuyên bố của IS mang tính khoa trương nhiều hơn.
Một điều đáng chú ý là ban lãnh đạo “trung ương” của IS ở “thủ đô” Raqqa (Syria) chưa chính thức xác nhận một cách rõ ràng điều này mà mới chỉ có “đệ tử” của chúng ở Ai Cập xác nhận. Nhóm thánh chiến Sinai tự nhận là bộ phận của IS và phục tùng IS, nhưng trên thực tế vẫn hoạt động độc lập với IS về mặt tổ chức và điều hành.
Trong trường hợp nổ bom thì hẳn đây là kết quả tổng hợp của (1) việc khủng bố có “tay trong” trong ngành hàng không Ai Cập, (2) an ninh lỏng lẻo ở sân bay Sharm el-Sheikh, và (3) khả năng khủng bố đã dùng dùng loại thiết bị nổ không có kim loại để dễ dàng vượt qua kiểm soát an ninh.
Vì sao Nga, Ai Cập hạn chế đề cập đến khủng bố?
Có thể thấy Nga và Ai Cập phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong việc công bố các thông tin về nguyên nhân rơi máy bay Nga. Cả hai cùng hạn chế mọi ám chỉ đến khả năng máy bay rơi là do khủng bố (bị bắn hạ hoặc bị cài bom).
Xét từ góc độ lợi ích quốc gia, việc Nga phản ứng thận trọng như vậy là dễ hiểu. Nếu người ta chứng minh được một cách chắc chắn rằng IS làm rơi máy bay dân sự Nga để trả thù cho cuộc can thiệp quân sự của Nga ở Syria thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào tâm lý của dân chúng Nga và có thể khiến họ hoang mang và phản đối chiến dịch không kích của Nga.
Xét về mặt logic đơn thuần thì cách hành xử của Nga hiện nay cũng là hợp lý. Bởi thực tế họ không phủ nhận khả năng khủng bố, vẫn để ngỏ mọi khả năng và chờ đầy đủ thông tin để đi tới kết luận chắc chắn. Dù sao, 99,9% vẫn chưa phải là 100%. Nên nhớ vụ phi cơ MH17 đến nay vẫn chưa rõ hung thủ, còn vụ MH370 thì đã thành một trong các bí hiểm lớn nhất của ngành hàng không thế giới.
Về phía Ai Cập, đây là chỗ tương đối gần gũi với Nga (dù vẫn thân với Mỹ) và là một trong số ít quốc gia ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông ủng hộ chiến dịch không kích IS của Nga.
Ai Cập ít đề cập đến yếu tố khủng bố còn là để bảo vệ ngành du lịch của nước này – một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của xứ Kim Tự Tháp. Nền kinh tế của Ai Cập hiện đang khó khăn và du lịch là một những hy vọng của họ.
Động thái kiềm chế và thận trọng của Ai Cập có thể còn xuất phát từ mong muốn giữ gìn hình ảnh về an ninh trật tự tại Ai Cập trong bối cảnh chính trường nước này có nhiều bất ổn trong thời gian qua.
Nếu đúng là khủng bố đánh bom thì sao?
Máy bay Nga không kích các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh: RT. |
Trước khi Nga bước vào cuộc không kích ở Syria, có lẽ các cơ quan tình báo nước này đã phải làm “trong sạch địa bàn”, ngăn các con đường xâm nhập của IS vào Nga, và chuẩn bị cho các cú phản đòn một khi IS trả đũa bằng các biện pháp khủng bố.
Hiện nay trong lúc các phát ngôn chính thức của Nga chưa đề cập nhiều đến khả năng khủng bố thì nhiều khả năng tình báo và quân đội Nga đang phải hoạt động với công suất cao để tiếp tục bảo đảm yếu tố bất ngờ cho Nga trên trường quốc tế và ở mặt trận Syria.
Trong trường hợp xác định được vụ đánh bom là do IS gây ra thì Nga sẽ vô cùng tức giận, dù đó là IS “trung ương” hay IS địa phương.
Không những vậy, đây sẽ là cái cớ vô cùng hợp lý để Nga “quật IS tới bến”. (Phải chăng vì lo sợ khả năng này nên lực lượng IS ở Syria và Iraq chưa chính thức “oang oang” nói về vụ rơi máy bay này?).
Đối với IS, Nga chắc chắn không phải đối thủ hạng “vừa” vì Nga đã có kinh nghiệm phong phú ở các địa bàn nhiều phần tử Hồi giáo thánh chiến như là Afghanistan (thập niên 1980) và Chechnya.
Nếu hành động cài bom là thật thì đây là một sự chuyển hướng đáng kể trong chiến lược của IS. Giờ đây IS sẽ không dừng ở chiếm lãnh thổ và hành quyết con tin mà còn áp dụng thêm chiêu ác độc - đặt bom tấn công máy bay dân sự chở khách (đây là vốn là truyền thống của nhiều lực lượng khủng bố trên thế giới từ nửa sau thế kỷ 20). Bên cạnh đó, phạm vi tác chiến của IS cũng mở rộng.
Nếu giả thiết này đúng thì dường như bóng ma 11/9 đang trở lại. Sau vụ MH370 và MH17, cộng đồng dân cư phải di chuyển nhiều bằng máy bay lại có thêm nỗi lo âu.
Tuy nhiên chúng ta cũng không nên phóng đại vấn đề. Đành rằng đây là một sự leo thang, nhưng điều đó có lẽ mới chỉ mang tính cá biệt, cục bộ, và gắn chặt với hoạt động can thiệp của Nga vào Syria – điều đe dọa trực tiếp sự tồn tại của IS.
Tổ chức IS có lẽ chưa mạo hiểm mở rộng cuộc chiến ra toàn cầu dù chúng vẫn huênh hoang như vậy. Nhìn chung chưa thấy dấu hiệu IS chuyển mạnh sang phong cách quốc tế của al-Qaeda. Trên thực tế, chúng rất chú trọng từng bước mở rộng và củng cố lãnh thổ của mình ở Syria và Iraq.
Qua quan sát, có thể thấy mục tiêu cơ bản của IS vẫn là tại chỗ (người Hồi giáo dòng Shiite, chính phủ Iraq và Syria). Chúng sử dụng các chiêu thức quân sự chính quy và du kích, kết hợp thêm yếu tố khủng bố dã man để phô trương thanh thế và hăm dọa dân chúng. Hoạt động đánh bom máy bay vì thế chỉ là thủ đoạn phụ trợ.
Bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq, IS thực chất mới chỉ hiệu triệu các “con sói đơn độc” (phần tử Hồi giáo cực đoan đơn lẻ) tại các nước hoặc các nhóm thánh chiến cực đoan khác hưởng ứng phong trào của chúng, chứ không chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên các cá nhân và các tổ chức này. Mối quan hệ giữa IS và các tổ chức đệ tử đó (như nhóm Sinai và nhóm Boko Haram) chưa mang tính chất cơ hữu.