Trung tâm Văn hoá - Thể thao (VHTT) huyện Ðầm Dơi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2014. Qua gần 2 năm hoạt động, cơ bản trung tâm đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị - văn hoá - thể thao ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm vẫn chưa độc lập như một đơn vị sự nghiệp có thu.Trung tâm Văn hoá - Thể thao (VHTT) huyện Ðầm Dơi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2014. Qua gần 2 năm hoạt động, cơ bản trung tâm đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị - văn hoá - thể thao ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm vẫn chưa độc lập như một đơn vị sự nghiệp có thu. Theo ông Ðặng Lâm Triều, Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Ðầm Dơi, phong trào tập luyện thể dục - thể thao, cũng như sinh hoạt văn hoá của người đân địa phương ngày càng cao. Trong khi đó, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu phát triển VHTT đối với trung tâm vẫn còn thiếu thốn nhiều mặt. Kinh phí hoạt động được cấp từ ngân sách Nhà nước, hằng năm xấp xỉ 2,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí tự chủ trên 1,4 tỷ đồng, phần còn lại không đủ để tổ chức các hoạt động VHTT, nhất là khi tham gia các giải do tỉnh tổ chức cần nguồn kinh phí không nhỏ.
Hiện tại trung tâm đã có một sân bóng đá mi-ni cỏ nhân tạo, một nhà tập thể hình (gym). Ðể khuyến khích nhà đầu tư, trung tâm gần như hỗ trợ sân bãi, sau 3 năm hoạt động các đơn vị này mới tính đến việc hợp đồng lâu dài. Khó khăn hiện nay là tổng diện tích khu vực Trung tâm VHTT trên 5.000 m2, nhưng thực tế thì trung tâm được quyền sử dụng khoảng 2.000 m2 (khu vực hành chính, hội trường sinh hoạt văn hoá và những khu đất trống phụ cận). Phần đất còn lại muốn phát triển xã hội hoá phải tham mưu với Phòng VH-TT huyện trình UBND huyện, rồi chờ UBND xem xét… mất thời gian tương đối dài, trong khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể kiên nhẫn chờ. Ông Võ Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Ðầm Dơi, thông tin: "Nhu cầu tập luyện môn quần vợt ở huyện Ðầm Dơi không phải nhỏ, nhưng hiện tại chỉ có vài sân chơi nằm trong khuôn viên khu hành chính huyện, nên nhiều người dân ngại vào đó tham gia. Vì vậy, Ban Giám đốc trung tâm có ý định xã hội hoá sân chơi quần vợt trong khuôn viên Trung tâm VHTT (đã có doanh nghiệp đồng ý đầu tư xây dựng sân). Bên cạnh đó, cũng có nhà đầu tư muốn tham gia xây dựng nhà thi đấu đa năng… nhưng chúng tôi vẫn phải chờ ý kiến chấp thuận của UBND huyện". Ðã qua, Ban Giám đốc Trung tâm có nhiều hoạch định cho công tác xã hội hoá để phát triển hoạt động của trung tâm, nhưng không phải muốn là làm. Tuy Trung tâm VHTT là đơn vị sự nghiệp có thu và hoạt động theo quy chế, quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhưng thực tế Ban Giám đốc Trung tâm chưa được giao toàn quyền điều hành, phát triển trung tâm mà mọi công việc đều phải xin ý kiến Phòng Văn hoá - Thông tin, trình UBND huyện. “Khu đất quy hoạch xây dựng nhà thiếu nhi (gần 4.000 m2) nằm cạnh khu vực hành chính của trung tâm, nhiều năm nay chưa xây dựng, cỏ sậy mọc um tùm, hằng năm trung tâm phải bỏ trên 20 triệu đồng để dọn dẹp vệ sinh tạo vẻ mỹ quan cho người dân đến đây vui xuân đón Tết, trung tâm đã kiến nghị về trên xin được tạm quy hoạch khu này thành sân chơi cho trẻ em (hình thức xã hội hoá ngắn hạn), nhưng chưa có ý kiến chỉ đạo!”, ông Võ Hoàng Phương cho biết. Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Chủ trương của huyện là đẩy mạnh xã hội hoá để phát triển Trung tâm VHTT, nhưng do nhiều vấn đề nên nhiều năm chưa thực hiện được. Hiện tại đã có sân chơi bóng đá, nhà tập thể hình, trong năm 2016 này, huyện sẽ xem xét giải quyết cho xã hội hoá xây dựng nhà thi đấu đa năng, khu vui chơi giải trí, hướng tới kêu gọi đầu tư hồ bơi di động… Riêng vấn đề xây dựng sân chơi quần vợt thì khó vì không có trong quy hoạch của huyện về các hạng mục phát triển trong khu Trung tâm VHTT". “Nếu như có được cơ chế thoáng cho trung tâm hoạt động, thì trong gần 2 năm qua chúng tôi đã kêu gọi xã hội hoá xây dựng nhiều hạng mục công trình, cũng như nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá và tập luyện TDTT của người dân địa phương. Và hằng năm, trung tâm thu từ khoản cho thuê mặt bằng vài trăm triệu đồng là chuyện dễ dàng”, ông Ðặng Lâm Triều trải lòng./. Bài và ảnh: Mỹ Pha |