Đánh giá cao những kết quả ngành Công Thương đạt được trong năm qua,ủtướngKhôngthểchấpnhậnnhậpsiêutỷket qua balan Thủ tướng nêu rõ: Năm 2018, nhiều chỉ tiêu phấn đấu của ngành Công Thương đã vượt xa yêu cầu. Cụ thể, công nghiệp và thương mại đóng góp đến 80% GDP, hiện chiếm 0,29% GDP toàn cầu (trong khi các năm trước chỉ chiếm 0,18%).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD; xuất siêu 7,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Là nước có quy mô dân số đứng thứ 12-13 trên thế giới nhưng Việt Nam có một số ngành hàng đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD; 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh hơn khu vực FDI.
Về vấn đề cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, Thủ tướng đánh giá khá cao khi tỷ lệ này trong năm 2018 đạt hơn 72%. "Bộ Công Thương đã đi đầu trong công tác này, rất đáng hoan nghênh; phải giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng làm. Nếu vì quyền lợi của ngành mình, cục bộ, không nhìn đại cục thì không thể phát triển được", Thủ tướng nói.
Bên cạnh biểu dương những kết quả tích cực mà ngành Công Thương đạt được trong năm qua, Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiều khuyết điểm tồn tại. Điển hình là tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành còn chưa cao. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn, gây lúng túng trong công tác quản lý (ví dụ quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia...).
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vẫn chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt...
Ngoài ra, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế. Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
"Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan tới mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng không đồng tình với mục tiêu Bộ Công Thương đề ra là nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD) so với kim ngạch xuất khẩu. "Năm 2018 chúng ta đã xuất siêu đến mức độ như vậy mà năm nay quay lại nhập siêu. Đây là mức nhập siêu không thể chấp nhận", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới: Giải pháp quan trọng với ngành Công Thương là khoa học công nghệ, đặc biệt là kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0. Bộ Công Thương phải đổi mới công tác triển khai, lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành Công Thương để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin-cho, chậm trễ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành một cách thực chất, chặt chẽ, hiệu quả; tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.
"Bộ Công Thương cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình cả ở trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, mau lẹ, kịp thời hơn; đồng thời tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong bộ, ngành Công Thương gắn với phương châm hành động của Chính phủ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Năm 2018, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%). Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2019, Bộ Công Thương đưa ra dự kiến, xuất khẩu đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Như vậy, thay vì xuất siêu liên tiếp như vài năm trở lại đây, 2019 ước tính Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 3 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%. |