Phụ huynh "anti vaccine",ịchsởidiễnbiếnphứctạpvẫncogravenphục2 lịch thi đấu con nhập viện vì biến chứng
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Thành Luân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), số ca mắc sởi nhập viện hiện đang gia tăng nhanh chóng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại khoa Nhiễm và khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19, giường bệnh luôn trong tình trạng kín với nhiều trẻ mắc sởi phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp nặng cần phải thở máy hoặc lọc máu.
Đa số các bệnh nhi mắc sởi nhập viện đều chưa được tiêm vaccine
Bác sĩ Luân cho biết, qua khai thác lịch sử tiêm chủng, hầu hết trẻ nhập viện với các biến chứng của sởi đều không được tiêm vaccine. "Chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị sởi và nhập viện do biến chứng nặng mà đã tiêm đầy đủ vaccine sởi", bác sĩ Luân nói.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, trẻ mắc sởi và phải nhập viện vẫn đang tăng lên, đặc biệt là các trường hợp đến từ các tỉnh, chiếm khoảng 85%. Đáng chú ý, hầu hết trẻ không tiêm vaccine sởi hoặc chỉ mới tiêm một mũi. Điển hình là gia đình ở Bến Tre có 7 trẻ mắc sởi và đều phải nhập viện trong đợt dịch này.
Bác sĩ Quy cho biết, một số trẻ chưa được tiêm vaccine vì lý do phụ huynh quên lịch hoặc sức khỏe của trẻ không đảm bảo vào ngày hẹn tiêm. Đáng chú ý, trong số những trẻ chưa tiêm vaccine, khoảng 10 - 12% có cha mẹ nằm trong hội nhóm chống tiêm chủng (anti vaccine). Hầu hết những phụ huynh này thuộc nhóm người tri thức và gia đình chỉ có một con.
Cụ thể, có một trường hợp trẻ 4 tuổi bị biến chứng của sởi và phải nhập viện. Qua tìm hiểu, được biết mẹ của bé là luật sư và nằm trong nhóm "anti vaccine" nên không cho bé tiêm vaccine. “Một số phụ huynh cho rằng, tiêm vaccine sởi có thể gây ra tự kỷ cho trẻ hoặc cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ không cần tiêm. Thực tế, vaccine sởi lại rất an toàn, hầu như không có tác dụng phụ được ghi nhận”, bác sĩ Quy chia sẻ.
Theo đại diện một trạm y tế trên địa bàn thành phố Thủ Đức, trong quá trình vận động người dân đưa trẻ tiêm vaccine sởi, nhiều phụ huynh vẫn từ chối dù trạm y tế đã gọi điện thoại mời 3 - 4 lần. Hầu hết những phụ huynh này đều nghe theo tuyên truyền không chính thống trên các hội nhóm, rằng vaccine gây ra nhiều tác dụng phụ. Thậm chí, có những trường hợp còn vặn hỏi nhân viên y tế: “Nếu tiêm con tôi có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?”
Bác sĩ Nguyễn Đông Bảo Châu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh chia sẻ, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, phổ biến nhất là viêm phổi, dẫn đến suy hô hấp và khó thở. Ngoài ra, còn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng khác như viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp mất nước nặng, đe dọa tính mạng và cần phải nhập viện. Tình trạng thiếu hụt Vitamin A cũng có thể gây loét giác mạc dẫn đến mù lòa.
Bên cạnh đó, bệnh sởi có thể tiến triển nhanh, gây suy giảm miễn dịch ở người bệnh, tạo cơ hội cho các virus và vi khuẩn tấn công như viêm phổi, viêm đường tiêu hóa, nhiễm trùng ruột. Trong trường hợp vi trùng sinh sôi nhiều hơn, sẽ gây ra các biến chứng nặng khác như nhiễm trùng huyết dẫn đến sốc nhiễm trùng, gây tỷ lệ tử vong rất cao.
Thực tế, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều ca sởi ở trẻ có biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy. Không chỉ trẻ nhỏ, cả trẻ lớn khỏe mạnh (trên 10 tuổi) cũng ghi nhận mắc các biến chứng nặng, phải thở oxy, thậm chí có trường hợp viêm gan cấp và men gan tăng nhanh.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi trong mùa lễ Tết
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi có tỷ lệ lây truyền cao nhất trong tất cả các bệnh lý truyền nhiễm. Hiện nay, công tác điều trị chỉ mới tập trung vào hậu quả do bệnh sởi gây ra chứ chưa thể tiêu diệt được virus gây bệnh. Vì vậy, việc nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong cộng đồng là cách duy nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sởi thuộc nhóm bệnh lây lan cực nhanh; một người nhiễm có thể lây cho 12 - 18 người khác chưa miễn dịch trong không gian kín. Đặc biệt, từ sau đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống, đến năm 2023 chỉ còn khoảng 70% trẻ em được tiêm đủ 2 mũi sởi. Điều này làm tăng nguy cơ bùng phát dịch ở mức độ lớn.
Theo bác sĩ, trước đây, khi nhắc đến sởi, hầu hết mọi người đều nghĩ đây là bệnh của trẻ em hoặc của người có bệnh nền, người hệ miễn dịch suy yếu. Thực tế, sởi có thể lây nhiễm và gây nguy hiểm cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, người lớn thường chủ quan trước sự nguy hiểm của bệnh sởi, không đi khám và tự điều trị bằng thuốc tại nhà, đồng thời lơ là trong công tác tiêm vaccine phòng ngừa.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho rằng, mùa lễ hội đông đúc cuối năm ở Việt Nam và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 sắp tới, cùng với mùa đông ở miền Bắc và mùa mưa bão triền miên ở miền Nam là những điều kiện lý tưởng để bệnh sởi lây lan. Một người mắc sởi có thể đã nhiễm từ 3 - 4 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, khiến việc lây bệnh cho gia đình và cộng đồng trở nên khó kiểm soát. Trong tình hình hiện nay, nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt, nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới là rất lớn.
Bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh: “Ai cũng có thể mắc bệnh, sởi không trừ bất kỳ ai. Chính vì vậy, cả trẻ em và người lớn khi chưa có miễn dịch thụ động, cần khẩn trương tiêm vaccine ngừa sởi, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và tạo miễn dịch vững chắc trong cộng đồng”.
Trước những lo ngại của phụ huynh về những tác dụng phụ của vaccine, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Đắc Nguyên Anh, Trưởng khoa Khám theo yêu cầu - sức khoẻ trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vaccine là phát minh của con người. Vaccine là một chế phẩm sinh học được đưa vào con người, giúp con người tạo ra khả năng phòng ngừa một bệnh nào đó. Trong đó, vaccine sởi đã được áp dụng từ rất lâu và cũng rất thành công ngăn chặn dịch bệnh sởi lây lan. Thực tế chứng minh, từ khi triển khai tiêm vaccine sởi, tỷ lệ mắc sởi giảm rõ rệt. Hầu hết, những đợt bùng phát dịch sởi là do việc tiêm vaccine chưa được tốt.
“Qua nghiên cứu cho thấy, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi thì khả năng ngừa bệnh đạt 97%. Có thể nói, những tác dụng phụ của vaccine rất thấp không đáng kể, trong khi đó lợi ích của việc tiêm vaccine rất lớn, giảm biến chứng khi trẻ bị sởi. Vì vậy, phụ huynh không nên lo lắng về những phản ứng của vaccine mà không cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh”, bác sĩ Nguyễn Anh khuyến cáo.
Theo bác sĩ, lịch tiêm chủng thường quy bắt đầu từ 9 tháng tuổi với mũi tiêm sởi đầu tiên. Tuy nhiên, đối với các khu vực như TP Hồ Chí Minh hoặc các địa phương có dịch sởi bùng phát phức tạp, trẻ từ 6 tháng tuổi có thể tiêm vaccine phòng sởi. Đây là mũi tiêm chống dịch, không tính vào phác đồ tiêm chủng chính. Do đó, nếu trẻ đã tiêm mũi vaccine lúc 6 tháng tuổi thì đến 9 tháng tuổi vẫn phải tiêm lại để hoàn tất mũi tiêm chính thức.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 50 của năm 2024 (từ ngày 9 đến 15-12), TP Hồ Chí Minh ghi nhận 373 ca sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 3.189 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức.