Anh Ngô Xuân Cường (trái) bận rộn với công việc phục vụ giảng dạy và nghiên cứu
“Cứ đi rồi sẽ đến”
Nhiều lần qua Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học (ĐH) Huế,ệnvềphógiáosưởtuổatletico madrid vs osasuna vẫn thường bắt gặp anh Cường bận rộn với công việc. Những cuộc nói chuyện chớp nhoáng chỉ đủ làm tôi có thông tin khái quát về anh: Là người con gốc Thủy Phù, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), sinh năm 1986 nhưng đã là tiến sĩ ở Nga từ lúc 27 tuổi. Cho đến ngày 17/11 vừa qua, khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước có quyết định công nhận anh Cường đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư thì câu chuyện thành tích của một cán bộ trẻ tuổi mới được “bật mí”.
Từng là cựu sinh viên ĐH Huế, anh Cường chọn học chương trình liên kết giữa ĐH Huế với ĐH Quốc gia Belarus. Rồi cứ thế tiếp tục học lên thạc sĩ, bảo vệ thành công luận văn năm 2009. Tạm kết thúc sự học ở trường, Ngô Xuân Cường ứng tuyển vào dạy hợp đồng tại Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị (năm 2009). Sau đó một năm, người giảng viên gốc Hương Thủy tiếp tục nỗ lực để thi vào biên chế đơn vị. Anh Cường nhớ lại: “Thu nhập thời điểm ấy khá khiêm tốn. Nhưng quan trọng hơn, mình lại muốn nâng cao trình độ để giảng dạy ĐH. Thế là năm 2011, mình sang Nga làm nghiên cứu sinh”.
So với nhiều người, Ngô Xuân Cường được xem là nghiên cứu sinh tiến nhanh trên con đường học tập khi đến tháng 11/2013, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ở tuổi 27. Ngỏ ý khen, anh từ chối bằng lời giải thích: “Mình chưa phải xuất sắc hơn họ. Chỉ là từ khi học thạc sĩ đến khi làm nghiên cứu sinh, mình tập trung cho hướng nghiên cứu mảng quang điện, hay dễ hiểu là điện mặt trời. Sự đầu tư, tập trung giúp mình thuận lợi hơn trong học tập, nghiên cứu”.
Nếu quá trình học tập từ ĐH lên tiến sĩ là cả một nỗ lực với mục tiêu phấn đấu thì bước ngoặt được công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, với anh Cường là điều chưa dám nghĩ tới. Anh kể: “Sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh, mình tập trung cho công việc giảng dạy và nghiên cứu. Năm 2019, do nhiều cơ duyên, mình chuyển vào công tác ở đơn vị mới được thành lập là Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế. Ở đơn vị trẻ, mình luôn tự đặt câu hỏi phải làm gì để góp sức. Đơn vị mới thành lập có những thuận lợi, nhưng cũng có những mặt chưa bằng những trường đã có bề dày truyền thống. Nhưng, mình nghĩ cứ đi rồi sẽ đến, tận tâm, tận lực để làm”.
Không chỉ đảm nhận vai trò giảng viên, anh Cường còn “gánh” trên vai trọng trách Tổ trưởng Tổ đào tạo và khoa học công nghệ. Do đơn vị người ít, đầu mục công việc cũng khá nhiều, từ công tác đào tạo, khảo thí, quản lý sinh viên đến khởi nghiệp… Hỏi về thời gian làm nghiên cứu, anh trả lời thật: “Cả ngày lu bu với nhiệm vụ chuyên môn, công tác ở tổ và các báo cáo, chỉ đêm mới vào việc nghiên cứu. Mà ở nhà còn có con nhỏ, nên phải đợi gia đình đi ngủ, sau 22 giờ mới vào bàn làm việc được. Có khi thức đến 2-3 giờ sáng. May mắn là được vợ và gia đình ủng hộ”.
Miệt mài như quan điểm “cứ đi sẽ đến”, đến nay giảng viên trẻ Ngô Xuân Cường có 51 bài báo khoa học, trong đó có 11 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín, hội đủ nhiều điều kiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, và cũng là phó giáo sư trẻ nhất ĐH Huế trong đợt công nhận năm 2022.
Anh Ngô Xuân Cường (phải) kiểm tra hệ thống phục vụ giảng dạy thực hành cho sinh viên
“Mình trẻ, mình phải cống hiến”
Lĩnh vực nghiên cứu của anh Cường không hẳn nối mạch thành công mà ngược lại, người giảng viên 36 tuổi từng trải qua không ít lần thất bại. Anh Cường nhớ lại: “Không phải một, hai lần mà rất nhiều lần mình đối mặt với những khó khăn. Nhớ nhất là lần đầu nộp bài báo thuộc danh mục vị trí cao của tạp chí uy tín quốc tế. Mình học ở Nga về, cách viết bài báo tiếng Anh đôi chỗ chưa phù hợp. Thế là họ phản biện không đạt yêu cầu. Thực tình lúc đó rất nản, nhưng sau nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, động viên cũng vượt qua”.
Theo anh Cường, một giảng viên ĐH không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo mà còn nghiên cứu khoa học. Những vấn đề phát sinh từ nhiệm vụ chuyên môn cũng là những trăn trở buộc bản thân cũng phải tìm cách giải quyết. Điển hình như khi đứng lớp, anh Cường gặp không ít sinh viên có những lỗ hổng căn bản trong kiến thức ban đầu ở bậc phổ thông. Để sinh viên khỏi nản chí, anh Cường phải dành thêm thời gian ôn lại một số kiến thức cần, giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc tiếp cận kiến thức mới.
Gặp lại người giảng viên trẻ để chúc mừng thành tích “học hàm phó giáo sư”, anh Cường cười hiền, nhưng khẳng định dứt khoát: “Mình trẻ, mình phải cống hiến”. Những thành tích đạt được là niềm vui, nhưng bản thân anh cũng tự dặn lòng với suy nghĩ làm sao để cống hiến tương xứng.
TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế nhìn nhận, anh Ngô Xuân Cường không chỉ là cán bộ có năng lực nghiên cứu về lĩnh vực điện - năng lượng tái tạo, mà còn có rất nhiều đóng góp trong vai trò Tổ trưởng Tổ đào tạo và khoa học công nghệ, góp phần xây dựng và thực hiện thành công các chương trình đào tạo. 5 năm qua, anh Cường luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là giảng viên trẻ tiêu biểu của ĐH giai đoạn 2017-2022, chừng đó đủ để khẳng định tâm huyết cũng như năng lực của cán bộ trẻ này mà việc được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư với anh Cường là rất xứng đáng.
Bài, ảnh: Hữu Phúc