Mốt chơi hàng hiệu cũ lên ngôi
Từng “chết mê chết mệt” một chiếc túi xách LV nhưng vì giá của món đồ mới lên tới hơn 60 triệu đồng nên với thu nhập của mình,ốtbạcnhờbuônhànghiệucũbenfica u23 vs chị Hạnh Thu (Cầu Giấy, HN) không dám “vung tay quá trán”. Chỉ đến khi thấy một shop đồ hiệu cũ có bán chiếc túi này với giá giờ chỉ còn 25 triệu đồng, chị Thu mới dám chi tiền để mua lại chiếc túi đó.
Hơn ai hết, những người đam mê hàng hiệu như chị Thu hiểu rằng bên cạnh tên thương hiệu, nhãn mác, logo thì hàng hiệu còn tượng trưng cho chất lượng, tính thẩm mỹ cao, độ bền, độ độc đáo và sự tinh xảo hiếm thấy, dùng miết chắc chắn sẽ gây “nghiện”. Tuy nhiên, để sở hữu sản phẩm hàng hiệu bình dân còn dễ chứ “chịu chi” để mua hàng hiệu cao cấp thì không phải ai cũng có điều kiện. Các shop buôn đồ hiệu cũ chính là “cứu cánh” cho những tín đồ hàng hiệu tài chính còn eo hẹp.
Để quảng cáo, các shop đồ hiệu cũ luôn trưng ra những lời giới thiệu hấp dẫn: “Bạn có niềm đam mê với dòng sản phẩm giầy dép, túi xách, cặp, dây lưng, ví,.. cao cấp nhưng việc để sở hữu nó đòi hỏi tốn rất nhiều chi phí. Vì thế giải pháp cho bạn chính là hàng hiệu đã qua sử dụng. Cửa hàng….mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để có thể có được sản phẩm hàng hiệu đã qua sử dụng phù hợp với mình mà chất lượng, mẫu mã không thua kém sản phẩm mới là mấy” cho tới “Mỗi mẫu hàng được chụp ảnh chi tiết dù cả những vết xước nhỏ nhất” rồi “Cửa hàng bảo đảm hàng authentic 100%, nếu phát hiện hàng fake khách hàng sẽ được đền tiền gấp đôi”…
Các mặt hàng đồ hiệu cũ rất đa dạng: quần áo, giày dép, kính, thắt lưng… Với hàng hiệu nữ, túi xách là mặt hàng được nhiều shop chọn kinh doanh nhất bởi lý do túi qua sử dụng không bị cũ nhanh như quần áo, phụ kiện, nhu cầu của khách với mặt hàng này cao hơn các sản phẩm khác, dễ bảo quản và làm mới sản phẩm hơn. Với hàng hiệu nam, quần áo, giày dép lại là món được ưa chuộng để kinh doanh hơn.
Nhiều món đồ hiệu cũ mới 90% nhưng giá cả so với đồ mới lại "dễ chịu" hơn hẳn
Chị Thùy Linh, chủ shop Kemo (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, HN) chuyên bán các loại hàng hiệu đã qua sử dụng cho biết, chị đã kinh doanh mặt hàng này được gần 4 năm. Chị thường nhập hàng từ một công ty chuyên hàng hiệu cũ của Nhật rồi chuyển về Việt Nam bán lại cho khách hàng có nhu cầu. “Mặt hàng đồ hiệu đã qua sử dụng được nhiều khách hàng ưa chuộng vì có nhiều món còn mới 97 – 98% nhưng giá chỉ bằng 40 – 50% so với giá trị hàng mới”, chị nói.
Mấy năm trước, tình hình kinh doanh của cửa hàng chị tốt hơn, năm vừa qua, kinh tế toàn cầu khó khăn, tiền khan hiếm nên doanh số bán hàng không bằng 1/3 năm ngoái. Chị chia sẻ: “Có năm đắt hàng, hàng về không kịp, toàn phải giục, năm nay bán chậm nên còn không cần giục hàng về”.
Theo chị Linh, để bán lâu dài được mặt hàng này thì cần có kinh nghiệm trong việc kiểm tra đồ hiệu, tiếp đó là cần tìm được nguồn hàng uy tín để có hàng đều đều những khi đắt khách.
Cạnh tranh cao vẫn thu lãi nhiều
Chị Diệp, chủ cửa hàng Diệp Linh San buôn đồ hiệu cũ cho biết, chị kinh doanh mặt hàng này đã được 4 năm, trước cửa hàng “đóng đô” ở Hàng Điếu, mới chuyển về đường Trần Hưng Đạo được ít lâu. “Tôi có nguồn hàng bên Nhật và Hàn Quốc, hàng chuyển về đều có giấy kiểm định là hàng auth (authentic – hàng hiệu xịn) chứ không mua hàng trôi nổi trên thị trường”, chị Diệp nói.
Trong rất nhiều mặt hàng như quần áo, giày dép, phụ kiện, mặt hàng chủ yếu của shop là túi xách gồm các thương hiệu Hermes, Salvatore, Gucci, Dior, Chanel, LV, Dolce Gabana… ngoài ra còn có những thương hiệu bình dân hơn như Micheal Kors, Givenchy. “Thương hiệu được nhiều người mua nhất hiện nay là LV (Louis Vuitton) vì sản phẩm của LV sử dụng bền, hợp túi tiền, hợp với khí hậu Việt Nam. Khách có kinh tế trội hơn một chút thì thường chọn Chanel là nhiều nhất”, chị chia sẻ.
Tùy từng thương hiệu và độ cũ mới của sản phẩm mà giá của món đồ sẽ khác nhau
Theo chị Diệp, sự cạnh tranh giữa các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này cao hơn các mặt hàng khác rất nhiều vì thị trường hàng hiệu tại Việt Nam đang được mở rộng và phát triển mạnh. Tuy nhiên uy tín, chất lượng ở mỗi cửa hàng cũng sẽ khác nhau và điều này do khách hàng kiểm định.
Để nâng cao uy tín cho cửa hàng của mình, thông thường khâu kiểm duyệt sẽ được chị Diệp kiểm tra rất kỹ: “Hàng nhập về phải đảm bảo hàng hiệu 100%, không phải đồ fake, thứ 2 là không sửa chữa gì, mặt bề ngoài còn tốt, còn bên trong thì đa phần không quá khắt khe mấy”. Ngoài chị, còn có thêm rất nhiều người nữa kiểm tra hàng cùng. Theo đó, mỗi người sẽ được đánh giá về một lĩnh vực cụ thể như da, chất mạ, đường kim mũi chỉ. Qua 3 khâu kiểm định (check code, check đường kim mũi chỉ, check nước mạ) thì hàng mới được bày bán rồi tới tay người tiêu dùng. Sau khi bán, cửa hàng sẽ có giấy bảo hành cho sản phẩm và miễn phí spa (chăm sóc, bảo dưỡng) cho sản phẩm trong vòng 1 năm, thời gian tiếp theo, nếu khách có nhu cầu spa, cửa hàng sẽ tính chi phí thấp. Nếu khách dùng rồi và có nhu cầu bán lại thì cửa hàng cũng sẽ nhận mua, giá cả theo hai bên thỏa thuận.
Dù khẳng định mặt hàng này có sự cạnh tranh cao song chị Diệp cũng tiết lộ thu nhập hàng tháng của cửa hàng ổn định trong khoảng 20 – 30 triệu đồng.
Dương Trịnh