Nhân viên Tổ "đi chợ hộ" thành phố Thủ Đức chọn hàng mua giúp người dân. Ảnh CTV |
Chưa có tiền lệ
Bắt đầu triển khai “đi chợ hộ” cho người dân từ ngày 24/8 đến nay, hàng trăm đơn hàng đã được lực lượng thanh niên tình nguyện và cán bộ phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức tiếp nhận và chuyển đến người dân mỗi ngày.
Từ sáng sớm, lực lượng thanh niên tình nguyện và cán bộ đã chuẩn bị sẵn xe và lộ trình sẵn sàng đưa thực phẩm đến cho người dân trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết, việc đi chợ giúp dân là một trong nhiều nội dung được phường đặc biệt quan tâm. Công việc này cần được đảm bảo xuyên suốt trong thời gian tăng cường chống dịch để người dân an tâm ở nhà. Theo đó, qua các đường link (hoặc mã QR) chia theo các khu vực, từ 8h đến 15h hàng ngày, các tình nguyện viên và cán bộ phường Hiệp Bình Chánh sẽ tiếp nhận việc đăng ký mua hàng hóa của người dân trên địa bàn. Số lượng đơn đặt hàng nhiều nên công tác điều phối người giao hàng cũng tất bật từ sáng sớm. Lực lượng thanh niên tình nguyện chịu trách nhiệm vận chuyển những đơn hàng về từng khu phố, tại đây sẽ có tổ công tác chịu trách nhiệm giao hàng đến từng nhà dân.
Anh Nguyễn Việt Dũng, ngụ tại phường 13, quận Bình Thạnh chia sẻ, với sự trợ giúp của lực lượng Quân đội, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, đơn hàng “đi chợ hộ” của gia đình anh và nhiều người dân trong khu vực đã được đưa đến kịp thời. Anh Dũng cho biết, phường phát phiếu mua hàng đến từng hộ dân thông qua tổ trưởng của từng khu phố. Người dân có nhu cầu đi chợ hộ sẽ ghi danh sách những thực phẩm cần mua sau đó chuyển lại cho tổ trưởng.
Tại cuộc họp báo tối ngày 29/8, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, mỗi ngày, tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức "đi chợ hộ" cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu với nhiều mô hình, cách làm linh hoạt, giá dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng để người dân lựa chọn.
Tuy nhiên, việc đi chợ giúp còn nhiều lúng túng ở một số số khu vực, người dân cho biết vẫn không liên lạc được với người "đi chợ hộ" hoặc vẫn chưa nhận được hàng mua hộ dù đơn đã đặt 3-5 ngày.
Chị Đỗ Thị Giang ngụ ở chung cư Hoàng Kim Thế Gia (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết, người dân trong chung cư của chị hiện đang rất cần mua thực phẩm, bởi cả chung cư có một siêu thị mini nhưng vì dịch bệnh cũng đã đóng cửa mấy ngày nay. Chị và một số hộ dân trong chung cư đặt hàng “đi chợ hộ” trên trang Zalo của khu phố nhưng 4 ngày vẫn chưa có hồi âm.
Lực lượng tình nguyện "đi chợ hộ" phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức đưa hàng hóa đến tận tay người dân. Ảnh: Thùy Hương. |
Từng bước gỡ vướng
Điều đáng suy nghĩ, trên thực tế, có nhiều đơn hàng người dân đặt xong không nhận, gọi điện thoại không được khiến các tình nguyện viên, cán bộ đi chợ giúp rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.
Chẳng hạn như trường hợp xảy ra tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, ngày 27/8, tổ “đi chợ hộ” cho biết có khoảng 30 đơn hàng người dân đặt mà không nhận hàng. Khi cán bộ gọi tới một vài số điện thoại thì không ai bắt máy, những trường hợp còn lại thì nói không đặt và một số nói chỉ đặt thử cho biết (?!)...
Tương tự, tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức, trong ngày tiến hành giao hàng đợt đầu tiên cho người dân (27/8) cũng bị "bom hàng" (đặt hàng nhưng không nhận) khoảng 100 đơn hàng.
Trao đổi về việc đi chợ giúp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, việc cung ứng hàng hóa cho người dân theo phương thức “đi chợ hộ” này khá mới và chưa có tiền lệ; lực lượng không có sẵn mà phải huy động, cũng không có thời gian huấn luyện nên chưa có kinh nghiệm. Cụ thể, tại một số địa bàn, đối tượng đi soạn hàng cho dân được huy động từ đội ngũ "Tổ Covid cộng đồng", cán bộ hưu trí, tình nguyện viên... Trong đó, một số người lớn tuổi không biết nhiều về công nghệ nên thường xử lý thông tin qua giấy tờ viết tay nên có khó khăn cho việc thống kê, lên đơn hàng cho dân. Do đó dẫn tới việc "đi chợ hộ" đang có phần chậm trễ.
Trong khi đó, sắp tới, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng cao, lượng hàng cần luân chuyển lớn đội ngũ sẽ càng quá tải. Theo đó, trên cơ sở đề xuất, tham mưu của Sở Công Thương, UBND TPHCM đã cho phép từ ngày 30/8, lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quản lý shipper phải cung cấp danh sách cho Sở Công Thương TPHCM quản lý và thực hiện nghiêm các điều kiện về tiêm ngừa vắc xin phòng, chống Covid-19 và xét nghiệm nhanh âm tính để được hoạt động.
Đại diện Công ty CP Be Group - đơn vị sở hữu và quản lý ứng dụng Be cho biết, ngày 27/8 đã có công văn gửi Sở Công Thương TPHCM đề xuất sử dụng ứng dụng này để “đi chợ hộ” người dân trên địa bàn thành phố. Hiện công ty vận hành một đội ngũ hơn 3.000 tài xế xe 2 bánh đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1, bảo đảm đủ sức khỏe và điều kiện hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, tính năng đi chợ hộ cũng đã được triển khai trên ứng dụng hơn 1 năm nay, khách hàng cũng đã quen thuộc với dịch vụ này. Trường hợp người dùng đang ở khu vực cách ly, khu phong tỏa, tài xế Be sẽ giao hàng cho lực lượng bộ đội, bảo vệ, tình nguyện viên tại địa bàn giao nhận bên ngoài khu vực. Người dân cũng có thể chủ động ghi thông tin người nhận hàng giúp tại mục ghi chú trước khi đặt đơn hoặc trao đổi cụ thể với tài xế.
Trước đó, Grab cũng đã đề xuất sử dụng nền tảng của ứng dụng này cho mô hình đi chợ hộ đang triển khai tại TPHCM. Tuy nhiên, đối tượng nhận và giao hàng là lực lượng đi chợ hộ của từng địa phương.
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, tính đến ngày 29/8, tổng số phiếu đã phát là hơn 1,92 triệu hộ. Trong 7 ngày vừa qua, có 508.660 hộ đăng ký và 411.922 hộ đã được đi chợ giúp, số hộ còn lại sẽ được cung cấp thêm trong ngày 30/8. |