7h sáng 6/3, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp Hà Nội được đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình tại Hà Nội là 204 – mức rất xấu. Chỉ số bụi mịn (PM2.5) cao gấp 30,1 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tương tự, Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau) cũng hiển thị mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức 150 – 333.
Nhiều điểm có chỉ số AQI 150 – mức không lành mạnh, trong đó, khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam (huyện Gia Lâm) AQI 333 – mức rất xấu.
Từ trưa 4/3 đến nay, Hà Nội liên tục được xếp hạng đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Theo thống kê từ đầu tháng 2 đến nay, Hà Nội có 2 ngày không khí ở mức tốt (ngày 24 và 29/2); 21 ngày ở mức trung bình, kém; 8 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới quy định.
Dữ liệu ghi lại từ bản đồ vệ tinh cho thấy ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2) do ảnh hưởng của khí hậu, hướng gió và việc đốt rơm rạ.
Khoảng 1/3 bụi mịn PM 2.5 trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong khi 2/3 còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài như các tỉnh lân cận, Đồng bằng sông Hồng và ô nhiễm xuyên biên giới.
Các chuyên gia môi trường đánh giá thời tiết Hà Nội những ngày gần đây trời quang mây, không có gió, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là điều kiện thuận lợi để ô nhiễm không khí gia tăng.
Hồi cuối năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi diễn biến ô nhiễm không khí để kiểm soát nguồn thải cũng như khuyến cáo người dân.
Air Quality Index – AQI là chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày, sử dụng tương tự như thước đo để đánh giá không khí xung quanh sạch sẽ hay ô nhiễm, ô nhiễm mức độ cao hay thấp.
Các chất ô nhiễm không khí được đo bằng AQI gồm: Bụi mịn PM2.5; PM10; Carbon monoxide; Lưu huỳnh dioxide; nito đioxit và Tầng ôzôn.
Chỉ số chất lượng không khí dao động từ 0 đến 500, chất lượng không khí có thể vượt quá 500 khi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm cao hơn.
Chất lượng không khí tốt dao động từ 0 đến 50, trên 300 được coi là nguy hiểm. AQI sử dụng các phép đo bụi mịn PM 2.5 (hạt bụi kích thước 2.5 micromet) làm tiêu chuẩn đo lường.
Loại hạt bụi này xuất hiện rộng rãi và được coi là chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
- Infographics: 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2025
- Bắc Giang thu giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
- Cảnh báo về hợp chất gây bệnh ung thư có trong thực phẩm được tiêu thụ hàng ngày
- Viên uống 'chống nắng': 'Loạn' giá và công dụng chất lượng
- Lỗi bảo mật trên Android giúp qua mặt mật mã khóa màn hình
- Apple làm thế nào để trở thành ông lớn trong làng công nghệ
- Khoảng 5 tấn thịt, nội tạng bốc mùi hôi thối được phát hiện tại một cơ sở giết mổ lợn
- Cảnh báo: Ngộ độc, tổn thương thận và gan do thuốc diệt cỏ paraquat
- Thực phẩm đóng hộp, chế biến thô sơ dễ bị nhiễm độc tố C. botulinum
- Điều tra nhóm mô tô phân khối lớn chạy ngược chiều ở phà Cát Lái
- Nam Định ngăn chặn lượng lớn quần áo giả mạo nhãn hiệu YODY
- Cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe M9, Metier vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo
- Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ đặc sản trứng kiến