(CMO) Giai đoạn 2015-2020, Cà Mau phát triển được thêm 210.535 m2 sàn nhà ở, tương đương 1.644 căn nhà ở trong các dự án khu đô thị mới, khu dân cư, trong đó 463 căn nhà ở thương mại do chủ đầu tư dự án xây dựng để bán và 1.181 căn nhà ở do người dân tự xây dựng trên nền đất ở đã mua trong dự án. Trong khi đó, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp chưa có được diện tích tăng thêm, vẫn “bất động” do chưa có dự án nào tiến hành đầu tư xây dựng.
Nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện nay rất lớn, riêng TP Cà Mau hiện có gần 5.000 hộ có nhà ở thiếu kiên cố. Mặc dù có nhiều khu vực để phát triển nhà ở xã hội, nhất là tại quỹ đất 20% tại các khu nhà ở thương mại, nhưng đến nay các dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau chỉ ở giai đoạn lập thủ tục, hồ sơ dự án chuẩn bị đầu tư (lập quy hoạch chi tiết hoặc điều chỉnh quy hoạch, lập hồ sơ dự án trình quyết định chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư…).
“Đến nay, tỉnh chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập và 12 dự án nhà ở xã hội trong quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại với tổng diện tích đất phát triển là 62,24 ha, nhưng chưa có dự án nào được triển khai xây dựng”, ông Phan Thế Bạo, Phó giám đốc Sở Xây dựng, thông tin.
Xây dựng công trình theo tiến độ giải phóng mặt bằng
Hai dự án nhà ở xã hội độc lập được ông Bạo thông tin như trên, cụ thể là Dự án Khu nhà ở xã hội Thạnh Phú (ấp Bà Điều, ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm) do Công ty TNHH Thiên Tân làm chủ đầu tư trên phần diện tích hơn 7 ha; Dự án Khu nhà ở xã hội (Khóm 5, Phường 9) do liên doanh Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Á Đông - Công ty Cổ phần Đầu tư CIC làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 13 ha.
Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Tân, cho biết, Dự án nhà ở xã hội Thạnh Phú được chủ trương đầu tư từ năm 2010, đến nay chỉ mới giải phóng mặt bằng được 3 ha. Khi được bàn giao vùng dự án cho chủ đầu tư thì trên khu vực đã có 2 hẻm tự phát với trên 100 hộ. Cái khó trong giải phóng mặt bằng hiện nay là người dân tự phát mở hẻm bán đất nền có giá từ 1-1,5 triệu đồng/m2, đáp ứng khả năng người thu nhập thấp. Trong khi đó, phương án bồi hoàn, dù xác định ở mức cao nhất cũng không quá 500.000 đồng/m2, nên người bị ảnh hưởng trong vùng dự án không chấp nhận di dời để bàn giao mặt bằng.
“Dự án kéo dài, giải phóng mặt bằng trải qua nhiều giai đoạn, nay đang chuẩn bị ban hành lại bảng giá đất mới để thu hồi, giải phóng mặt bằng, nhưng đi kèm theo đó là nguy cơ phát sinh về giá bồi hoàn giữa người được áp dụng sau này với những người đã nhận tiền bồi hoàn trước đó”, ông Toàn chia sẻ. Muốn dự án được triển khai, các ngành chức năng của tỉnh phải dồn sức tạo điều kiện tối đa, còn không thì đơn vị không thể nào thực hiện được dù đã kéo dài, có quá nhiều thay đổi.
Sau 10 năm thực hiện, Dự án Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp Thạnh Phú (xã Lý Văn Lâm) vẫn chỉ là… dự án. |
Vấn đề ông Toàn mong muốn Nhà nước giúp đơn vị hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, vì yếu tố này chưa được thực hiện hoàn toàn thì không ngân hàng nào chấp thuận cho chủ đầu tư vay vốn, kể cả nguồn vay ưu đãi. Từ thực tế, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Thạnh Phú đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ tài chính theo tiến độ giải phóng mặt bằng.
“Đất giao tới đâu, đủ điều kiện thì chia thành phần của dự án ra mà triển khai. Như hiện nay, với 3 ha mặt bằng sạch, nếu được hỗ trợ về tài chính thông qua hệ thống ngân hàng, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng ngay 1 block chung cư, với trên 100 căn hộ”, ông Toàn cam kết.
Sau thời gian dài chưa được triển khai, vùng dự án xây dựng nhà ở xã hội vẫn “trùm mền”. |
Buộc cam kết xây dựng nhà ở xã hội
Theo kết quả điều tra phục vụ xây dựng chính sách tổng thể phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, do Bộ Xây dựng thực hiện, cho thấy có khoảng 43,5% hộ gia đình thu nhập thấp đô thị khi được hỏi có nhu cầu về nhà ở xã hội. Trên địa bàn tỉnh, tại thời điểm hiện tại có khoảng 11.310 người có nhu cầu về nhà ở xã hội, tương đương với khoảng 2.900 căn. Dự báo đến năm 2025 có khoảng 16.514 người thu nhập thấp ở đô thị có nhu cầu về nhà ở, tương đương với khoảng 4.200 căn; đến năm 2030 có khoảng 22.519 người thu nhập thấp ở đô thị có nhu cầu về nhà ở, tương đương với khoảng 5.774 căn.
Để đạt được mục tiêu đã đặt ra theo các chỉ tiêu được phê duyệt trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh cần hoàn thành 83.075 m2sàn, tương ứng 1.523 căn nhà ở xã hội.
Theo tính toán, nếu triển khai được 2 dự án nhà ở xã hội độc lập như nêu ở trên, Cà Mau sẽ có 1.570 căn hộ. Đối với quỹ đất 20% dành cho xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (tương đương 38,40 ha) tại 12 dự án nhà ở thương mại, nếu được thực hiện sẽ có thêm 2.144 căn hộ cho người thu nhập thấp.
Cùng với đó, hiện Cà Mau đang kêu gọi đầu tư 7 dự án nhà ở xã hội (4 dự án tại TP Cà Mau, còn lại ở U Minh và Ngọc Hiển) với diện tích gần 75 ha.
Ông Bùi Tứ Hải, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, mong muốn các chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện đúng theo quy định, cam kết xây dựng nhà ở xã hội trong phần đất 20% của dự án, góp phần cho địa phương làm tốt công tác tái định cư trong triển khai các dự án phải thu hồi đất. Tỉnh phải có cơ chế ràng buộc trong thực hiện yêu cầu trên đối với các dự án nhà ở thương mại. Còn không thì thu hồi phần diện tích đất này, đấu giá, hoặc buộc nhà đầu tư nộp tiền tương đương với phần đất (20%) để thực hiện các dự án nhà ở xã hội riêng lẻ hoặc tập trung.
“Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, thực tế theo quy định thì cũng sẽ hình thành rất nhiều, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện, dẫn đến việc hình thành nhà ở tự phát, kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, đã gây áp lực rất lớn cho chính quyền thành phố, nhất là trong quy hoạch nhà ở, hạ tầng đô thị”, ông Hải chia sẻ.
Chưa có sự khác biệt lớn
Ông Phan Thế Bạo cho biết, qua khảo sát, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn đã qua không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại (quy định pháp luật khống chế tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, cho thuê mua, lợi nhuận định mức, đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội); chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa nhà ở xã hội với nhà ở, đất nền thương mại tại địa phương có điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn như Cà Mau.
“Cho nên, theo quy luật kinh doanh, việc thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội là rất khó khăn”, ông Bạo đúc kết.
Mặt khác, thực trạng cho thấy, hạn chế của địa phương là điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng nền đất yếu, không khai thác được vật liệu xây dựng tại chỗ dẫn đến chi phí đầu tư cao so với các địa phương khác, nhất là chi phí đầu tư xây dựng chung cư. Đồng thời, người dân địa phương không thích ở chung cư do tập quán sinh sống và phải nộp chi phí quản lý vận hành nhà chung cư. Trong khi đó, quy định dự án nhà ở xã hội buộc phải xây dựng nhà và đối với TP Cà Mau (đô thị loại 2) phải ưu tiên xây dựng nhà chung cư.
Từ thực tế trên, ông Phan Thế Bạo kiến nghị đến Bộ Xây dựng, khi ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần xem xét đến những cơ chế, chính sách mở, áp dụng đặc thù cho một số địa phương đặc biệt khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội như tỉnh Cà Mau. Giảm tối đa các thủ tục hành chính, vì tỉnh Cà Mau không thể có điều kiện để thực hiện nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo mô hình các tỉnh, thành phát triển, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Đồng thời, kiến nghị nghiên cứu, ban hành quy định hướng dẫn chi tiết, thiết thực về điều kiện ưu đãi cho cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê. Trong đó, tăng cường thẩm quyền của các địa phương, trên cơ sở tình hình, điều kiện thực tiễn để nghiên cứu xây dựng cơ chế thúc đẩy, cũng như quản lý được việc phát triển nhà ở xã hội trên đất hợp pháp thuộc quyền sử dụng của cá nhân, hộ gia đình.
Lãnh đạo Sở Xây dựng đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 58 của Luật Nhà ở...
Trần Nguyên