Sớm giảm thuế để kéo giảm giá xăng dầu | |
Tạm thời chưa điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng với xăng dầu | |
Kéo giảm tác động của giá xăng dầu tới mặt bằng giá cả |
Người dân đều kỳ vọng các mặt hàng có thể giảm theo giá xăng dầu. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Vẫn còn độ trễ khi giảm giá hàng hoá
Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng/lít với dầu, giá xăng dầu giảm mạnh khoảng 3.000 đồng/lít từ 0 giờ ngày 11/7. Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều 21/7, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục giảm Cụ thể, giá xăng E5RON92 không cao hơn 25.073 đồng/lít (giảm 2.715 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 997 đồng/lít. Giá xăng RON95-III không cao hơn 26.070 đồng/lít (giảm 3.605 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Điều này đã góp phần giảm bớt áp lực lên doanh nghiệp, người dân và nhất là những ngành nghề chịu tác động mạnh mẽ của giá xăng dầu trong thời gian qua.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hải quan, anh Hà Mạnh Hùng (một tài xế xe công nghệ tại Hà Nội) cho biết, anh chỉ mới “mở app” chạy xe trở lại trong 1 tuần trở lại đây do giá xăng dầu đã giảm xuống. Theo anh Hùng, tại thời điểm giá xăng dầu đạt trên mốc 30 nghìn đồng/lít, không chỉ riêng anh mà rất nhiều tài xế xe công nghệ cũng như taxi truyền thống đã phải chấp nhận ngừng chạy xe do mức tiền thu lại không đủ để bù lại xăng xe và khấu hao.
“Giá xăng liên tục tăng cao, nắng nóng phải mở điều hoà liên tục cũng như tắc đường khiến nhiên liệu tiêu hao nhanh, tỷ lệ khấu trừ của các hãng xe cũng không hề nhỏ khiến cho mức thu không đủ bù lại mức chi khiến chúng tôi đành phải dừng chạy xe trong một thời gian. Chỉ đến khi giá xăng giảm bớt tôi mới dám chạy xe trở lại để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, dù số tiền kiếm được cũng không lớn”, anh Hùng chia sẻ.
Khác với lĩnh vực giao thông vận tải chịu tác động trực tiếp của việc tăng - giảm giá xăng dầu, đến nay, giá thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ghi nhận tại Hà Nội, giá thực phẩm vẫn giữ nguyên so với trước thời điểm giá xăng giảm mạnh vào ngày 11/7 khiến tình hình kinh doanh của nhiều tiểu thương gặp khó khăn hơn do sức tiêu thụ kém đi.
Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá xăng dầu giảm sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí chi tiêu cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giá hàng hoá giảm ngay sau khi điều chỉnh giá xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ.
“Tôi cho rằng, mức giảm vừa rồi là khá sâu, tuy nhiên, nó chỉ là mức điều chỉnh trong vòng 10 ngày thôi. Còn 10 ngày sau thì chưa biết thế nào, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động bất thường. Chính vì vậy, các doanh nghiêp, hộ kinh doanh không thể điều chỉnh từng ngày theo mức tăng giảm của xăng dầu mà sẽ phải điều chỉnh theo tháng. Việc xuống giá của hàng hoá sẽ phải từ từ, có thời gian để đi vào cuộc sống”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Hiện, người dân đều kỳ vọng các mặt hàng có thể giảm theo giá xăng dầu để có thể phù hợp với mức thu nhập bình quân của người lao động.
Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế xăng dầu
Có thể thấy, hiện nay, Bộ Tài chính vẫn đang nỗ lực đề xuất các giải pháp nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, qua đó hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Cùng với việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống còn 10% thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu (thay vì mức 12% như đề xuất trước đó).
Bộ Tài chính cho biết, trước diễn biến tăng cao của giá xăng dầu thế giới, trong khi nguồn cung trong nước gặp sự cố kỹ thuật nên Bộ Tài chính đã sớm dự thảo nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Bộ Tài chính đã nhận được 63 công văn tham gia ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó có 16 bộ, cơ quan ngang bộ; 39 UBND các tỉnh, thành phố; VCCI; Hiệp hội Xăng dầu... Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến tham gia của bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ xem xét ban hành.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Giá xăng dầu tăng cao và thiếu hụt nguồn cung xăng dầu sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân. Gián đoạn nguồn cung xăng dầu còn có thể gây đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.
Đáng chú ý, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cũng như Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi và đang lên phương án để thời gian tới sẽ có phương án trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng nếu giá dầu vẫn ở mức cao.