Với nền kinh tế số, đâu là cơ hội và thách thức của các DN Việt Nam, thưa ông?
Kinh tế số là cách mạng trong sự phát triển kinh tế, là nền tảng của cuộc cách mạng 4.0. Đây là cơ hội rất lớn cho DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ tiếp cận thị trường toàn cầu, xóa bỏ được những bất lợi cố hữu của DN, tạo sự bình đẳng với các DN lớn trong tiếp cận đối tác, thị trường. Nguyên nhân bởi động lực phát triển chủ yếu của nền kinh tế thế giới trong những thập kỷ tới là các DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa. Vì thế, những tác động từ cách mạng công nghệ số, internet, thương mại điện tử… sẽ giúp khối DN này thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới. Nên việc quốc tế hóa DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa sẽ là chiến lược của các quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc khi có tới 98% DN là DN nhỏ và vừa; trong đó, công cụ để khối DN này tiếp cận chính là nền kinh tế số.
Tuy nhiên, nền kinh tế này cũng đồng thời đặt ra thách thức to lớn. Vì các DN muốn tiếp cận kinh tế số, muốn ứng dụng thương mại điện tử thì phải có phương thức quản trị một cách chuyên nghiệp và minh bạch. Trong đó, tính minh bạch là điều kiện quan trọng để DN tiếp cận thị trường, đối tác; nhưng hiện nay nhiều DN Việt Nam vẫn còn ở tình trạng ngược lại. Bên cạnh đó, các DN còn gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp, có trình độ và năng lực phù hợp với công nghệ số.
Trước những vấn đề nêu trên, theo ông, DN cần có những hành động như thế nào để tận dụng cơ hội của kinh tế số?
Như trên tôi đã nói, muốn tận dụng được cơ hội thì DN nhỏ và vừa phải minh bạch, chuyên nghiệp, áp dụng hệ thống quản trị đạt chuẩn; bởi chỉ có đạt chuẩn mới có thể tham gia vào thị trường toàn cầu. Hơn nữa, các hộ kinh doanh đang hoạt động, cần chuyển đổi và thực hiện quản trị chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; trong đó, các hộ kinh doanh cần nỗ lực để chuyển đổi lên thành DN, để có tư cách pháp nhân rõ ràng, đầy đủ trong giao dịch.
Mặt khác, khi DN tham gia vào nền kinh tế số còn có thể gặp phải rủi ro đến từ an ninh mạng, rò rỉ thông tin… Đây không chỉ là vấn đề của các DN mà cả thế giới đang quan tâm; nên trong khuôn khổ pháp luật và thể chế cần có thêm biện pháp để bảo vệ sự an toàn, riêng tư, bảo mật trong kinh doanh cũng như đời sống xã hội. Tuy nhiên, an ninh an toàn là vấn đề xuyên biên giới, nên cần sự hợp tác giữa các nền kinh tế và cộng đồng DN nhằm đảm bảo thực hiện đúng những yêu cầu đặt ra.
Vậy sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước nên như thế nào, thưa ông?
Nhà nước cần tạo nên hệ thống thể chế nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo. Các bộ, ngành, địa phương cần chiến lược đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nền kinh tế số. Đặc biệt, nền giáo dục cần tập trung theo hướng tạo nguồn nhân lực phù hợp với nền kinh tế số. Một số lĩnh vực đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 như dệt may, giày dép… thì nguy cơ thất nghiệp của lao động giản đơn rất lớn, nên có thể đào tạo, đào tạo lại, để chuyển đổi lực lượng lao động này sang các công việc phù hợp với nền kinh tế số. Đồng hành cùng các bộ, ngành, cộng đồng DN cũng cần phải có chương trình hành động cụ thể và cùng với các cơ quan Nhà nước xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, nỗ lực đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Là cơ quan đại điện cho cộng đồng DN, xin ông cho biết, VCCI đang có chương trình hành động nào để hỗ trợ các DN trong nền kinh tế số?
VCCI đang xây dựng dự thảo chương trình hành động để thúc đẩy kinh tế tư nhân tận dụng cơ hội của nền kinh tế số bao gồm một loạt kiến nghị. Trước hết là kiến nghị nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, khuôn khổ pháp luật nhằm khuyến khích phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, nền kinh tế có sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, hoạt động đổi mới sáng tạo… khiến hệ thống pháp luật không theo kịp nên đổi mới thể chế, pháp luật là yêu cầu quan trọng. Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thông tin viễn thông, kỹ thuật để kết nối phát triển kinh tế số; đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng giúp đổi mới nguồn nhân lực…
Xin cảm ơn ông!