Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013. Theo đó, cấp Đội, Hải đội chỉ được tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức; thẩm quyền của cấp Cục trưởng chỉ được phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Qua trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, một số cán bộ Hải quan làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tham mưu xử lý vi phạm tại Hải quan địa phương cho rằng, quy định trên là không phù hợp. Bởi thực tế nhiều vụ việc do lực lượng Hải quan bắt giữ có trị giá hàng vi phạm cao hơn gấp nhiều lần so với quy định tại Nghị định 127.
Như ở Cục Hải quan Quảng Trị, mỗi năm đơn vị này xử lý khoảng 500 vụ vi phạm trong lĩnh vực Hải quan. Các đơn vị có số vụ việc phát sinh thường xuyên gồm Đội Kiểm soát Hải quan; Đội Kiểm soát phòng , chống ma túy và Chi cục Hải quan Khu Thương mại Lao Bảo. Phần lớn các vụ bắt giữ hàng có trị giá cao như thuốc lá ngoại, rượu ngoại; đường kính trắng; đồ điện tử gia dụng… có tổng trị giá tang vật vượt quá thẩm quyền xử lý đều được các đơn vị cơ sở chuyển về Cục Hải quan Quảng Trị xử lý theo thẩm quyền.
Điển hình như ngày 30/1, Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông đường 9 bắt giữ 1 xe hoán cải chở một số hàng hóa nhập lậu, trị giá hơn 65 triệu đồng gồm: 2.100 chai sữa nước Ensure Original, do Mỹ sản xuất; 150kg đường kính trắng do Thái lan sản xuất. Trước đó, Đội Kiểm soát Hải quan Quảng Trị thu giữ 112 chai rượu ngoại gồm: 12 chai rượu Ballantine's 12 (40%Vol, 750 ml/chai); 24 chai rượu Ballantine's, 40%Vol, 1000 ml/chai; 32 chai rượu Ballantine's, 40%Vol, 750 ml/chai; 22 chai rượu Chivas 12, 750ml/chai, 40%Vol; 24 chai rượu Chivas 21, 750ml/chai, 40%Vol, Scotland sản xuất, trị giá trên 75 triệu đồng.
Lãnh đạo Đội Kiểm soát Hải quan Quảng Trị cho rằng, về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan vẫn chưa có tác dụng răn đe đối tượng vị phạm. Chẳng hạn đối với mặt hàng vi phạm có giá trị lớn như đồ điện gia dụng, việc xử lý chuyển qua nhiều cấp nên tính răn đe không kịp thời dễ dẫn đến “nhờn luật”...
Đồng tình với quan điểm của đại diện Cục Hải quan Quảng Trị, đại điện Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Quảng Ninh), hiện đơn vị là đầu mối tiếp nhận xử lý các vụ việc từ các chi cục hải quan, đội kiểm soát cho biết, ở nhiều vụ việc do bị hạn chế về thẩm quyền nên hồ sơ chuyển qua nhiều cấp xử lý, mất nhiều thời gian. Như cấp chi cục, đội sau khi hoàn thiện hồ sơ ban đầu chuyển về Cục nhưng do vượt thẩm quyền, cấp Cục lại chuyển hồ sơ cho UBND tỉnh xử lý nên nhiều vụ việc kéo dài, không được xử lý kịp thời. Ở một số vụ việc đơn giản, có mức xử phạt thấp nhưng vẫn không thuộc thẩm quyền của Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan (phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có trị giá dưới 50 triệu đồng-PV) vẫn phải chuyển về Cục xử lý. Bên cạnh đó, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến (đơn vị chốt chặn buôn lậu trên tuyến Quốc lộ 18) nhưng không được bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Liên quan đến những vướng mắc nêu trên, các cục hải quan địa phương đã tổng hợp báo cáo Tổng cục Hải quan. Theo đó, các đơn vị đề xuất tăng định mức trị giá tang vật vi phạm trong thẩm quyền xử lý của lực lượng Hải quan. Riêng đối với Cục Hải quan Quảng Ninh, đơn vị này đề xuất bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Trạm trưởng Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến.