Thưa ông, trong suốt hơn 30 năm qua, Nhật Bản luôn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về một vài thành tựu nổi bật của sự hợp tác này trong thời gian qua? Tôi cho rằng các ví dụ về hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải mà người dân Việt Nam có thể cảm nhận rõ như tuyến đường kết nối từ nhà ga quốc tế mới của sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, đại lộ Đông Tây ở TPHCM, hầm Hải Vân kết nối giữa Đà Nẵng và Huế và cầu Cần Thơ là những ví dụ điển hình cho sự hợp tác này. Mặc dù khó có thể nhìn thấy bằng mắt những thành tựu của hợp tác kỹ thuật, nhưng có thể nói Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam từ việc xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia đến quy hoạch các dự án lớn có mức độ ưu tiên cao cũng như giúp phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực xây dựng quy hoạch cho các cơ quan, bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Bên cạnh đó còn có các dự án hợp tác trong lĩnh vực y tế, pháp luật, đào tạo nhân lực... Trong năm tài khoá của Nhật Bản từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, chúng tôi đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới 102,2 tỷ Yên, tương đương 678 triệu USD (chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân), mức cao nhất kể từ năm 2017. Hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỷ Yên (tương đương 35 triệu USD), quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khoá. Viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỷ Yên (tương đương 7,5 triệu USD) vốn cam kết. Những chương trình và dự án kể trên đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đóng góp cả về hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Người dân và DN Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam - một quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững. Việt Nam là nước đứng đầu trong số các nước mà JICA đang triển khai hợp tác với việc cử 45 tình nguyện viên Hợp tác hải ngoại Nhật Bản, 36 dự án đầu tư kinh doanh của DN vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển bền vững (SDGs), 24 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở (Chương trình đối tác phát triển). Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới với 9 dự án thuộc chương trình “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân” của JICA. Việc triển khai các dự án ODA trong những năm qua có gặp khó khăn, thách thức gì không, thưa ông? JICA triển khai các chương trình hợp tác cho các nước đang phát triển trên thế giới, bao gồm hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại, các khoản vay bằng đồng yên và hợp tác có sự tham gia của người dân như phái cử tình nguyện viên. Tuy nhiên, mỗi một nước/khu vực có văn hoá, phong tục tập quán, cách suy nghĩ và trình độ phát triển khác nhau nên không dễ để xây dựng sự tin cậy lẫn nhau để từ đó dẫn tới thành công các dự án ODA. Để giải quyết vấn đề này, JICA đã có những sáng kiến như phái cử các chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản sang các nước sở tại, mời các cán bộ chính phủ của các nước sang Nhật Bản để chia sẻ về công nghệ, cách suy nghĩ, phong tục tập quán của Nhật Bản... qua đó xây dựng và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, Nhật Bản tin rằng các nỗ lực trong việc thực hiện các dự án với những kết quả cụ thể như cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân qua phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ tin cậy với nhiều quốc gia. Ông có thể chia sẻ kế hoạch sắp tới tại Việt Nam trong việc thực hiện các dự án ODA? Kế hoạch dự kiến trong thời gian tới của chúng tôi sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên, gồm tăng trưởng chất lượng cao, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, về “tăng trưởng chất lượng cao”, JICA đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có quy mô lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự án tuyến Metro số 1 tại TPHCM được nhiều người quan tâm cũng đã bắt đầu chạy thử và TPHCM đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào khai thác. JICA hi vọng rằng tuyến Metro số 1 sẽ trở thành phương tiện đi lại quan trọng của người dân, góp phần giảm phát thải carbon thông qua việc giảm ùn tắc giao thông. Tiếp theo, trong trụ cột về “hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương”, chúng tôi đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật liên quan đến các biện pháp ứng phó với sạt lở đất ở khu vực phía Bắc. Hợp tác kỹ thuật đang được triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn, triển khai nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế ở các vùng sâu vùng xa. Cuối cùng là trụ cột “phát triển nguồn nhân lực”. Năm 2024 là năm kỷ niệm 10 năm thành lập trường Đại học Việt - Nhật. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Trường để có thể phát triển và đào tạo nguồn nhân lực làm cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Năm 2024 được đánh giá là năm nhiều biến động do ảnh hưởng từ bối cảnh thế giới, theo ông, các hoạt động hợp tác cần có sự đổi mới như thế nào để thích nghi? Chúng tôi đã nhận được các nhu cầu mới của Việt Nam như phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, phòng chống thiên tai, các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050, ứng phó với vấn đề già hoá dân số, hỗ trợ khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua gây ra... để phát triển kinh tế ổn định và bảo vệ người dân trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều thay đổi. Để đáp ứng những nhu cầu này, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng là phải linh hoạt mở rộng và thay đổi phạm vi hợp tác thông qua việc phát huy sự hợp tác và mạng lưới hiện có với Việt Nam mà không nhất thiết phải hình thành dự án mới từ đầu. Bên cạnh đó, điều cần thiết là cơ quan viện trợ và Chính phủ Việt Nam phải phối hợp một cách linh hoạt để cải thiện môi trường cho các dự án ODA và chúng tôi sẽ dành nỗ lực lớn để giải quyết vấn đề, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong các lĩnh vực mới. Xin cảm ơn ông! |