Đây là những yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… Giá trị vốn hóa đạt gần 66% GDP Năm 2017, tình trạng chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN vẫn tái diễn. Trong 11 tháng năm 2017, cả nước có 39 doanh nghiệp (DN) được phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.941 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ là 25.959 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa chưa đạt được kế hoạch (44 DN) theo yêu cầu tại công văn số 991/TTg-ĐMDN (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu), làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DNNN nói chung và chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội giao Chính phủ về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển về NSNN. Có nhiều nguyên nhân được nêu ra lý giải tình trạng cổ phần hóa chậm. Đó là tình trạng nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động. Các DN quy mô lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, quy mô thị trường còn nhỏ, hấp thụ vốn còn hạn chế…. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán gần đây được kỳ vọng sẽ là yếu tố góp phần thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn sôi động hơn. Theo báo cáo mới về tình hình kinh tế tài chính 11 tháng năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), chỉ số VN Index gần đây đã vượt mốc 900 điểm, tăng 41% kể từ đầu năm 2017 và xếp thứ 3 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 11/2017 tăng lên xấp xỉ 66% GDP. Không những tốc độ tăng trưởng, vốn hóa cao, thị trường chứng khoán còn hấp dẫn dòng tiền nhờ giao dịch sôi động. Giá trị giao dịch mỗi phiên liên tục đạt những mốc kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Thanh khoản trung bình của thị trường tăng 50%, từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt, giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán trong tháng 11 ước đạt 343 triệu USD (trong đó mua ròng 405 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 62 triệu USD). Lũy kế 11 tháng năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1,77 tỷ USD (750 triệu USD trái phiếu, 1,02 tỷ USD cổ phiếu), tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó, giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh do tăng mua ròng mạnh các cổ phiếu lớn. Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 59% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%. Thị trường tăng trưởng hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế UBGSTCQG nhận định, khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và đẩy mạnh niêm yết các DN lớn để tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh thị trường vốn đang diễn biến thuận lợi. Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu được đặt mục tiêu khoảng 70% GDP vào năm 2020. Với những kết quả đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói, mục tiêu trên là hoàn toàn khả thi. Theo một số chuyên gia, thực tế cho thấy tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột là tái cơ cấu DNNN, ngân hàng, đầu tư công đang phải cậy nhờ đáng kể vào sự phát triển của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ, nên khó đảm đương sứ mệnh hỗ trợ hiệu quả cho tái cơ cấu nền kinh tế. Bởi vậy việc thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển thành công cả về chiều rộng lẫn chiều sâu là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nói chung, cổ phần hóa DNNN nói riêng đạt được những kế hoạch đề ra.
H.Y |