Dù muốn hay không thì cũng phải thừa nhận rằng,ếtnốinhưngđừngbịchiphốthông tin bóng đá facebook (FB) đang “ngốn” rất nhiều thời gian của mình với tất cả những gì mà người ta đã “treo” lên tường. Gần như số đông có tài khoản này đều dành một khoảng thời gian trong ngày để xem có gì trên FB. Người chỉ lướt qua như đi dạo hàng ngày, người thì chăm chú viết status, post ảnh đủ các kiểu; người thì chuyên dẫn link các tin mà họ cho là hot, giật gân; lại có người gần như “canh me” để like và commet tất cả những gì mà họ đọc được từ bạn bè, người thân, kể cả những người chưa quen khác. Lại có người chọn cách kết bạn với tất cả những lời mời từ FB, dù chẳng biết đó là ai, chỉ để “vui là chính”... Cũng không ít người sử dụng điện thoại smartphone và tài khoản FB của mình như một nhật ký mở, hồn nhiên cập nhật gần như tất cả các hình ảnh ở đâu, làm gì, gặp gỡ những ai...trong ngày của họ lên FB, không cần biết các nhân vật trong các tấm ảnh đã được post lên có thấy thoải mái không, thậm chí là có ảnh hưởng gì đến công việc, nghề nghiệp của người khác không. Điều buồn cười nữa là, ngay cả những chuyện ma chay giỗ chạp, nhậu nhẹt, cà phê cà pháo, cơm nước chợ búa và bao thứ trời ơi đất hỡi khác đều được hồn nhiên “khai báo” trên FB. Đôi khi là những hiềm khích, buồn chán, ganh tỵ... mang tính “tôi” bị buộc thành cái “ta”. Dù không muốn thì những status đó vẫn hiện lên dòng thời gian và mang đến cho người đọc nó những suy nghĩ, cảm nhận, hình dung không được hay ho cho lắm về chính chủ nhân của nó.
Hẳn nhiên, còn có những tác động từ các suy nghĩ chủ quan, suy diễn chủ quan, những thông tin chưa được kiểm chứng được post hay dẫn link, những comment cũng chủ quan kiểu “thánh phán” cũng sẽ không hồn nhiên khi xuất hiện trên mạng xã hội. Và điều này mới là một ẩn họa khác khi nó tương tác với cộng đồng thông qua các mạng xã hội mà đối tượng của những điều đó không biết hoặc không có cơ hội để phản hồi.
Có vẻ như, những status có cái nhìn rạch ròi, có sự phân tích, bình luận công tâm chưa thật sự nhiều trên các trang mạng xã hội. Chính vì thế mà theo cách nhìn chủ quan của chúng tôi, trong “mê hồn trận” của tất thảy các loại thông tin này, ai biết cách quản lý việc tiếp nhận thông tin thì sẽ làm chủ được thời gian, suy nghĩ cũng như cách nhìn nhận, đánh giá về thế giới ngoài bản thân mình. Điều đó mặc nhiên sẽ mang đến cho người sử dụng mạng xã hội những cảm xúc được, mất, hay, dở tùy vào sự cảm nhận và chọn lọc của chính mình.
Kết nối, nhưng đừng để bị chi phối là điều mà nhiều người khuyến cáo khi tham gia vào các trang mạng xã hội. Tôi thích cách mà bạn tôi chia sẻ, rằng hãy chỉ xem đó là một bước dạo chơi vì còn bao nhiêu việc khác trong cuộc đời thực mà chúng ta phải bắt tay vào làm.
Lê An Nguyên