Nhiều hiện vật được sưu tầm từ những địa danh và nhân chứng lịch sử như: những khẩu súng tiểu liên, súng trường, những chiếc áo trấn thủ, bao tải gùi gạo, những lá cờ thi đua... đều đã nhuốm màu thời gian. Nhiều hiện vật tuy nhỏ bé, thô sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa, mang đậm dấu ấn về một thời kỳ oanh liệt của quân và dân tỉnh Yên Bái tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Hoàng Tiến Long, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, những tài liệu giai đoạn 1952 - 1954 đề cập về hoàn cảnh lịch sử, những quyết sách và quá trình chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy Yên Bái chuẩn bị các điều kiện trước Chiến dịch và tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều hình ảnh và hiện vật lần đầu tiên được công bố đã cho thấy sự hy sinh, công lao to lớn, nhất là sự đồng lòng, quyết tâm rất cao của người dân tỉnh Yên Bái cho Chiến dịch Điện Biên phủ. Nhiều tài liệu tiêu biểu phản ánh sự chỉ đạo bài bản, sáng suốt, chủ động của Tỉnh ủy Yên Bái như: Nghị quyết số 55 của Ban chấp hành tỉnh Yên Bái về việc thành lập Ban cán sự công trường sửa đường 13, ngày 2/5/1953; Nghị quyết thành lập Chi bộ công trường Ba Khe - Quang Huy của Ban chấp hành tỉnh Yên Bái, ngày 26/1/1953; Báo cáo tổng kết công trường 13, năm 1953... Theo thống kê của Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Yên Bái, trong giai đoạn 1952 - 1954, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành hơn 20 nghị quyết quan trọng phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong các tài liệu sưu tầm được tại hậu phương khi ấy có rất nhiều giấy chứng nhận, giấy khen, báo tường viết tay, sổ công tác... Tiêu biểu như: Giấy tặng thóc của ông chủ Điền cho kháng chiến; Kịch bản viết bằng tay tuyên truyền vận động tòng quân; Giấy chứng nhận “Chiến sỹ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ”, năm 1954 cho ông Bùi Văn Thảo và Nguyễn Văn Đức... Mỗi người, ở mỗi cương vị và nhiệm vụ khác nhau nhưng đều chung một mục tiêu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Mỗi hiện vật, hình ảnh đều gắn với những địa danh và những nhiệm vụ cụ thể. Nhiều địa danh của Yên Bái đã đi vào lịch sử như đèo Lũng Lô (thuộc bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn) là tổng kho trung chuyển hàng triệu tấn vũ khí, quân trang, lương thực của các lực lượng từ chiến khu Việt Bắc sang chiến trường Tây Bắc. Tại đây, tháng 10/1953, Ban Chỉ huy công trường đường 13A đã tặng lá cờ đuôi nheo thêu 4 chữ vàng “thi đua vượt đèo” cho lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Yên Bái đang mở đường tại đèo Lũng Lô. Chính nơi đây, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những vần thơ chân thực, ca ngợi khí thế hào hùng của quân và dân cả nước tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong giai đoạn này, nhiều nhiệm vụ nặng nề được quân và dân tỉnh Yên Bái trực tiếp thực hiện, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ. Điển hình là nhiệm vụ phối hợp với bộ đội công binh mở đường từ bến phà Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe để kết nối đường 41 (Sơn La) hoàn thành trong 3 tháng (từ tháng 8 - 11/1953). Tuyến đường dài 188 km đảm bảo xe ô tô lưu thông thuận lợi giữa căn cứ địa Việt Bắc đi Tây Bắc. Đây được xem như một kỳ tích, bởi khối lượng công việc lớn mà chủ yếu chỉ bằng sức người - một thách thức không nhỏ tại thời điểm đó. Tỉnh Yên Bái đã huy động hàng chục ngàn dân công với 1.638.000 ngày công, thay phiên nhau làm việc cả ngày đêm. Tham gia lao động tại công trường này, nhiều dân công tỉnh còn giữ lại những kỷ vật như: những chiếc búa, nêm đục đá, xà beng, cuốc chim, đèn bão, ca uống nước... Tất cả đều minh chứng cho tinh thần vượt gian khó, ý chí và lòng quyết tâm hoàn thành tuyến đường trong thời gian rất ngắn. |