Khó kiểm soát
Theo Hội Dây cáp điện TP.HCM, hiện nay tình trạng làm hàng giả, hàng nhái với các sản phẩm dây cáp điện diễn biến ngày một tinh vi, phức tạp trên diện rộng. Trong đó tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ... ảnh hưởng đến tâm lí của người tiêu dùng và các DN sản xuất dây cáp điện.
Ông Nguyễn Lộc, Tổng giám đốc Công ty Capi, Chủ tịch Hội Dây cáp điện TP.HCM cho biết, trong quá trình sản xuất, bất cứ DN nào cũng có nguy cơ bị làm giả từ sản phẩm, tem nhãn đến thương hiệu. Điển hình, như Capi, bên cạnh hàng giả, hàng nhái do người tiêu dùng phát hiện, Capi còn bị các đối tượng làm giả tem nhãn nhằm chiếm đoạt hoàn thuế VAT trong quá trình XK. Ngoài ra, thương hiệu Capi cũng bị nhái gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo nhận định của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thị trường dây cáp điện hiện có khoảng từ 10 đến 15 thương hiệu lớn với hàng chục loại sản phẩm dây cáp điện. Bên cạnh đó còn có hàng trăm cơ sở sản xuất dây cáp điện tư nhân với thị phần từ 20 đến 30%. Hiện nay, những sai phạm trong lĩnh vực dây cáp điện ngày càng tang là do khách hàng còn ít hiểu biết hoặc các nhà thầu sử dụng các loại dây cáp điện chất lượng thấp để tăng lợi nhuận.
Nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Lê Thế Bảo là do thị trường dây cáp điện mặc dù có nhiều cơ quan có nhiều cơ quản lí nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng với số lượng dây cáp điện. Hệ thống chuẩn trong đo lường dây cáp điện chỉ có đơn vị có thương hiệu lớn, nhưng hiện nay nước ta vẫn chưa đủ công nghệ, thiết bị máy móc để kiểm tra chất lượng của sản phẩm này. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn hạn chế...
Giải pháp nào?
Để quản lí tốt hơn thị trường dây cáp điện theo ông Lê Thế Bảo, không nên cấp phép cho nhiều cơ sở sản xuất dây cáp điện so với nhu cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách để khơi thông thị trường do lượng tiêu thụ dây cáp điện trong nước ngày càng tăng so với trước đây. Đồng thời, vận dụng một cách linh hoạt các điều luật về cạnh tranh không lành mạnh. Áp dụng các biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ ngành dây cáp điện. Về phía các DN, nên đăng kí bảo hộ độc nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp của các sản phẩm tại các cơ quan có thẩm quyền. Thường xuyên tổ chức các hoạt động phân biệt thật giả và các thủ đoạn vi phạm nhãn hiệu trong ngành dây cáp điện cho lực lượng thực thi và người mua hàng biết. Xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với các phẩm chất lượng, giá cả hợp lí và thực hiện càng sớm càng tốt việc thiết lập kênh phân phối sản phẩm, ban hành quy chế quản lí cơ sở đại lí, niêm yết giá.
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Lộc, cho biết, để bảo vệ chính mình và bảo vệ khách hàng, Hội Dây cáp điện TP.HCM thường xuyên kết hợp với các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông nhằm ngăn chặn, xử lí hàng giả, hàng nhái.
Mặt khác, các DN trong ngành cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp chống hàng giả thông qua việc không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ, đăng kí và sử dụng tem hợp quy, sử dụng tem chống hàng giả, sử dụng mã số, vạch in trên tem nhãn sản phẩm. Sử dụng các phụ liệu, màu sắc trên bao bì, nhãn mác được chế tạo tinh xảo nhằm tạo rào cản kĩ thật khó bắt chước. Công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đi đôi với thiết lập mở rộng thêm nhiều đại lí trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để hạn chế hiệu quả tình trạng hàng giả hàng nhái trên thị trường dây cáp điện theo ông Lộc, cùng với sự nỗ lực của DN, các cơ quan quản lí nhà nước cần có chế tài và phải xử lí triệt để tình trạng làm hàng giả hàng nhái bằng các biện pháp mạnh đủ sức răn đe như cấm vĩnh viễn kinh doanh hoặc xử lí hình sự. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường. Về phía người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu, uy tín tại các hệ thống phân phối hàng chính hãng. Đối với các DN, tùy theo đặc điểm ngành nghề phải có giải pháp tự bảo vệ mình thông qua việc cải tiến kĩ thuật, công nghệ để hạn chế tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng./.