【bảng xếp hạng nhat anh】Làm rõ cuộc đời, đạo nghiệp và những ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng ban tổ chức chia sẻ các thông tin liên quan đến hội thảo |
Thông tin này được Ban tổ chức hội thảo thông tin đến các cơ quan báo chí tại buổi họp báo diễn ra chiều 27/12 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, TP. Huế.
Theo đó, hội thảo do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế đồng tổ chức.
Hội thảo diễn ra đúng dịp tưởng niệm 281 năm ngày Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch (1742 - 2023). Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) là vị Sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán, một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Trong. Đạo phong và công hạnh của Ngài không chỉ được hầu hết mọi tầng lớp xã hội đương thời, từ vương hầu khanh tướng đến tăng tín đồ quy ngưỡng, mà trong hơn 300 năm qua, nguồn mạch thiền phái do Ngài sáng lập vẫn mãi được “truyền đăng tục diệm”, phát triển hưng thịnh và có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Hội thảo sẽ diễn ra chính thức 2 ngày 31/12 và 1/1/2024 tại cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (tổ 10, khu vực 5, phường An Tây, TP. Huế). Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, hội thảo có 3 diễn đàn chính là: Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng; Phổ hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán; Kế thừa và phát huy di sản Thiền phái Liễu Quán.
Đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận hơn 120 tham luận của các vị Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, học giả ở trong và ngoài nước. Nhiều tham luận gửi về tham gia cung cấp nhiều thông tin rất giá trị về phương diện lịch sử, có phát hiện mới đóng góp vào nhận thức về cuộc đời, đạo nghiệp và những ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán cũng như Thiền phái mang tên Ngài.
Đáng chú ý trong đó có việc xác định tên gọi quê hương thực sự của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán khác với những gì lưu truyền lâu nay; công bố bức hoành do Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa Viên Thông, liên quan tới việc xác định dấu tích hành đạo buổi đầu của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán; cùng những kinh sách do Tổ sư truyền dạy được hậu thế bảo lưu tại các chùa ở miền Đông và Tây Nam bộ; các kinh sách do Ngài hộ trì khắc in…
Thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Phó ban tổ chức giới thiệu một số tư liệu liên quan đến Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán sẽ được công bố trong dịp hội thảo |
Tại buổi họp báo, ban tổ chức đã cung cấp nhiều thông tin liên quan cũng như giải đáp những câu hỏi thắc mắc của các nhà báo, phóng viên.
Nằm trong chương trình hội thảo còn có Lễ tảo tháp, tưởng niệm và húy nhật Tổ sư và tham quan các ngôi cổ tự gắn liền với cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán tại Huế. Ngoài ra, có triển lãm “Bảo đạc trường minh”, tại cơ sở I Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (chùa Hồng Đức, 109 đường Minh Mạng, phường Thủy Xuân, TP. Huế) trưng bày khoảng trên 200 đầu mục tư liệu gồm kinh điển, trước tác, Chánh pháp nhãn tạng, Hộ giới điệp, Châu bản triều Nguyễn và các văn bản Hán Nôm giá trị khác… khai mạc chiều 30/12.