(CMO) Tiếp tục phiên họp 26 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chiều nay, 13/8, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Ngay từ đầu giờ đã có 34 đại biểu đăng ký chất vấn và đã có 26 ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, 6 tháng đầu năm 2018, đã có 7 chiến sĩ công an hy sinh, 90 cán bộ chiến sĩ bị thương, 37 cán bộ chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV. Người đứng đầu Bộ công an nêu rõ, Bộ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong nội bộ kể cả tướng lĩnh cao cấp, trên tinh thần nghiêm khắc, nhân văn, không có vùng cấm.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đặt câu hỏi: dư luận bức xúc về việc Bộ Công an cấp hơn 500 biển số xe cho 80 doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo. Vấn đề này được xử lý ra sao? Theo Bộ trưởng Tô Lâm, sau khi phát hiện những biển số xe được cấp sai qui định, bộ đã thu hồi, hiện chỉ còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được. Bộ đã kiểm điểm rút kinh nghiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Hiện nay, việc đăng ký cấp, sử dụng biển số đã đi vào nề nếp, theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ.
Đại biểu Bùi Huyền Mai chất vấn về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp, 80% nạn nhân là bé gái. Đối tượng xâm hại quen thân, thậm chí là người thân của các em, từ đó gây bức xúc cho dư luận. Để ngăn chặn loại tội phạm này, ngoài việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh, điều tra, xử lí nghiêm các đối tượng phạm tội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề: vụ “Vũ nhôm” là một điển hình lợi dụng chức vụ để phạm tội. Giải pháp nào để tránh tình trạng “Vũ nhôm” thời gian tới? Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, vụ “Vũ nhôm” liên quan đến một số tướng lĩnh công an. Theo đó, 2 tướng công an đã xử lý trước pháp luật và một số người nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm. Đây là bài học đắt giá của lực lượng công an, bộ đã rà soát, chấn chỉnh việc này để không còn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng tổ chức để có hoạt động tội phạm như trường hợp “Vũ nhôm”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi về gian lận tại kỳ thi THPT 2018. Đây là loại tội phạm gì, có mới hay không. Bộ Công an cần làm gì để đấu tranh, phòng, chống? Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, bộ đã phối hơp công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và có thể loại tội phạm này đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Để phòng, chống cần quy trình quản lý khép kín từ khâu ra đề, tổ chức, chấm thi, tuyển sinh. Bộ sẽ kiểm tra, giám sát những tổ chức tội phạm liên quan đến việc thi cử, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật.
Đối với câu hỏi về tình trạng tín dụng đen, nhiều nơi đòi nợ ngang nhiên như đi cướp ngày, gây bức xúc trong Nhân dân…, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tín dụng đen còn đất sống do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn; nhu cầu của người dân cần tiền để sản xuất kinh doanh lớn. Trong khi đó, tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, nên còn nhiều kẽ hở. Bộ kiến nghị với Chính phủ, với cơ quan ngân hàng tháo gỡ khó khăn, huy động tiền nhàn rỗi trong dân. Nếu giải quyết được việc này thì tín dụng đen sẽ không còn đất sống.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc vừa qua một số đối tượng bị truy nã bỏ trốn ra nước ngoài trót lọt, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng những trường hợp đó phần lớn trốn theo đường bất hợp pháp, không qua cửa khẩu. Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, đối tượng có liên quan đến vụ án thì chúng tôi đề xuất không cho xuất cảnh; cán bộ, đảng viên nào đang trong quá trình điều tra, xử lý ban đầu cũng không cho xuất cảnh.
Cuối phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao tinh thần thẳng thắn đóng góp ý kiến, xây dựng của các đại biểu. Các câu hỏi đặt ra ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề. Cũng trong khuôn khổ phiên họp này, đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về 8 dự án luật và tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Trong tháng 9 sẽ diễn ra phiên họp thứ 27, thời gian 8 ngày./.
Phương Lài