Theo các chuyên gia y tế, ở Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 type virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết (SXH), nên tình hình bệnh này càng diễn biến phức tạp: người bị bệnh có thể miễn dịch với type này thì vẫn có thể bị nhiễm type khác, vẫn mắc bệnh và cần phải được điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
Bệnh SXH Dengue do các loài muỗi Aedes chích hút máu người lan truyền. Ở nước ta chủ yếu là loài Aedes aegypty chích hút máu người bệnh có mang virus Dengue truyền sang người mạnh để lây bệnh. Bệnh chưa có vắc-xin ngừa, cũng chưa có thuốc đặc trị mà thường phải điều trị triệu chứng, tăng sức đề kháng cơ thể, kiểm soát tốt thân nhiệt, chống sốt cao để ngăn bệnh chuyển độ, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phun thuốc diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: VŨ TRÂN |
Không có giống muỗi Aedes trong nhà, cụ thể là loài Aedes aegypty và Aedes albopictus thì sẽ không có SXH Dengue. Ở Nam Bộ, loài muỗi Ades aegypty rất nguy hiểm vì chúng sống chủ yếu trong nhà cùng với người, nơi có ánh sáng vừa phải. Ðặc biệt, chúng rất thích hút máu người lạ mới đến nhà hoặc có thể bay sang nhà khác xa đến hàng trăm mét để tìm máu mới hay tìm chỗ đẻ, tìm bạn tình. Ðây là tập tính quan trọng khiến bệnh SXH Dengue lây lan rất nhanh khi trong vùng có người bệnh. Còn loài Aedes albopictus nhờ sống ngoài nhà, chích hút máu người chủ yếu ngoài nhà nên vai trò truyền bệnh kém hơn, tuy nhiên cũng có những vùng rừng núi, hải đảo thì loài này cũng có vai trò rất đáng kể và không kém phần nguy hiểm.
Ðể phòng, chống bệnh SXH Dengue hiệu quả, phải phòng tránh không để bị muỗi Aedes đốt, bằng cách chủ động tìm diệt muỗi trưởng thành, diệt cả ổ trứng, ấu trùng của chúng là lăng quăng và bọ gậy ở mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm trong năm. Và quan trọng nhất là không cho muỗi có điều kiện tiếp xúc, chích hút máu thì không bị lây bệnh.
Vì vậy, cần phải dùng tổng hợp nhiều biện pháp để ngăn muỗi, diệt muỗi như ngủ mùng bất kể ngày đêm; làm lưới, màng chắn mọi cửa ra vào, cửa sổ… để muỗi không thể vào nhà; dùng thuốc xịt muỗi, dùng nhang xua, dùng que sống lá dừa, phất trần đập muỗi trực tiếp... Ngoài ra còn các giải pháp diệt muỗi hữu hiệu khác như tẩm mùng bằng hoá chất diệt muỗi của ngành y tế, dùng các loại thuốc xịt diệt muỗi, xông hơi, xử lý phòng…
Có thể trồng và dùng tinh dầu của những loài thực vật có khả năng gây ức chế hoạt động, hay xua được muỗi, như trồng xả và tinh dầu xả, trồng cây bạc hà và dùng tinh dầu bạc hà, dầu bạch đàn, tinh dầu tràm… Việc làm không được quên là phải xử lý lu khạp, vật chứa nước trong và xung quanh nhà bằng cọ rửa, úp khô định kỳ hằng tuần để diệt ấu trùng muỗi.
Ðáng lưu ý, có một dụng cụ rất hữu hiệu và trực tiếp đối với các loại muỗi trưởng thành, nhất là giống muỗi Aedes aegypty là bó que đập muỗi. Cách làm và sử dụng đơn giản mà rất hiệu quả. Ở các vùng quê nơi nào cũng có trồng dừa, chỉ cần chặt 1-2 tàu lá, tước bỏ phần thịt lá lấy lại phần sống cứng của các lá chét, dùng 30-40 sống lá chét ấy bó lại thành bó. Hằng ngày chỉ cần vài lần dùng bó sống dừa này “múa võ” loạn xạ những nơi muỗi thường ngày bay lượn, trú đậu để diệt muỗi. Có thể phân công có thưởng cho trẻ con vừa chơi, vừa học, vừa tự bảo vệ chính mình để tạo ý thức phòng bệnh và tự có trách nhiệm cho các cháu. Ðây là cách diệt muỗi, ngăn không cho muỗi tiếp xúc khá hiệu quả, rất nên làm.
Với kinh nghiệm nhiều năm tìm bắt muỗi, thực hiện công tác giám sát côn trùng gây bệnh, chúng tôi xin có lời khuyên: trong sinh hoạt hằng ngày, các gia đình, nhất là các hộ nhà cửa còn tre lá tạm bợ, cần sắp xếp việc treo quần áo, chăn màng gọn gàng, ngăn nắp; nhất là quần áo đã mặc xong thì nên giặt giũ ngay, không nên treo lung tung, mùi mồ hôi sẽ dẫn dụ muỗi đến trú ngụ trong nhà, rất nguy hiểm
Nguyễn Văn Thước