Nông dân thị xã Long Mỹ đang hưởng niềm vui với vụ lúa Đông xuân trúng mùa,ựchiệnnhiềugiảiphpchovụlathắnglợsoi keo online được giá.
Năng suất và giá bán cao hơn so với cùng kỳ nên nông dân đang thu hoạch lúa trên địa bàn thị xã Long Mỹ cảm thấy rất phấn khởi.
Những ngày này, về một số cánh đồng lúa Đông xuân 2020-2021 ở xã Long Bình, phường Vĩnh Tường, phường Thuận An, thuộc thị xã Long Mỹ, sẽ cảm nhận được không khí vui tươi khi bà con đang vào cao điểm thu hoạch vụ lúa chính trong năm. Trong niềm phấn khởi khi đang thu hoạch 1,1ha lúa Đông xuân (giống OM 18) cân cho thương lái, ông Võ Trung Bột, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, thông tin: “So với nhiều vụ lúa Đông xuân trước thì năm nay có lẽ là năm bà con vui nhất vì năng suất và giá bán lúa ở mức cao, từ đó kéo theo nguồn lợi nhuận cũng tăng lên. Cụ thể, lúa của tôi đạt năng suất hơn 1,2 tấn/công (1.300m2), tăng 200kg/công so với cùng kỳ; còn giá bán là 6.800 đồng/kg, cao hơn gần 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng/công thì gia đình tôi có được nguồn lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/công sau khi cân lúa. Không riêng gì tôi mà cả cánh đồng nơi đây, hộ nào cũng có chung niềm vui tương tự”.
Cách ruộng ông Bột không xa, ông Nguyễn Văn Nghiêm đang đi thăm 1ha lúa Đông xuân (giống RVT) của gia đình chuẩn bị thu hoạch. Gặp chúng tôi, ông Nghiêm cười tươi cho biết: “Vụ lúa Đông xuân năm nay đều gặp những mặt thuận lợi. Cụ thể, trong sản xuất thì dịch hại trên lúa ít, chi phí đầu tư không cao, năng suất lúa tăng; còn thị trường xuất khẩu gạo thì suông sẻ nên giá bán lúa ở mức cao. Dù còn 3 ngày nữa mới cắt lúa nhưng với trà lúa như thế này thì tôi nghĩ năng suất không dưới 1 tấn/công, cộng với giá bán đã lấy tiền cọc của thương lái là 7.400 đồng/kg. Như vậy, đến khi cân lúa, chắc chắn gia đình tôi sẽ phấn khởi lắm vì lần đầu tiên trong làm ruộng mà có được nguồn lợi nhuận gần 60 triệu đồng/ha”.
Cùng niềm vui lúa trúng mùa, bán được giá, ông Lương Văn Ngôn, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 0,6/2,5ha lúa Đông xuân (giống RVT), với năng suất gần 1,2 tấn/công, giá bán 7.000 đồng/kg. Sau khi cân lúa xong và trừ chi phí sản xuất thì vụ này kiếm được nguồn lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/công. Mọi năm, giống lúa thơm RVT thường bị nhiễm dịch hại, nhất là rầy nâu; nhưng vụ này lại rất ít, chỉ xuất hiện rải rác khi lúa sắp thu hoạch nên không bị ảnh hưởng, từ đó lúa cho năng suất cao và cộng thêm giá bán hấp dẫn nên hộ nào cũng vui”.
Vụ lúa Đông xuân 2020-2021, nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ xuống giống được 10.019ha, đạt 100% kế hoạch. Hiện tại, bà con nơi đây đã thu hoạch được khoảng 1.000ha, ước năng suất lúa bình quân đạt 7,5 tấn/ha. Để giúp người dân trên địa bàn thị xã sản xuất vụ lúa Đông xuân đạt thắng lợi, đồng thời thực hiện theo sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh, trước khi bà con gieo sạ thì ngành nông nghiệp địa phương tiến hành xây dựng kế hoạch và đưa ra khung lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho từng vùng. Theo đó, người dân thị xã Long Mỹ có 2 đợt xuống giống, gồm: Đợt 1 bắt đầu từ ngày 25-11 đến ngày 1-12-2020. Đây là đợt xuống giống áp dụng cho những vùng có điều kiện tương đối thuận lợi về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, diện tích xuống giống đợt này khoảng 2.700ha. Còn đợt 2 bắt đầu gieo sạ từ ngày 24-12 đến 31-12-2020 và áp dụng cho những vùng có điều kiện tương đối khó khăn về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất do ảnh hưởng hạn mặn, diện tích xuống giống hơn 7.300ha.
Về cơ cấu giống, ngành nông nghiệp thị xã khuyến cáo và được người dân đồng thuận gieo sạ một số loại giống chủ lực, phù hợp với thị trường xuất khẩu như: OM 5451, OM 4900, Đài Thơm 8, RVT, OM 18, ST 24... Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cộng thêm nhiều năm kinh nghiệm sản xuất hiệu quả của người dân nên trong vụ lúa Đông xuân đang và chuẩn bị thu hoạch của thị xã Long Mỹ, tỷ lệ hộ dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận trong gieo sạ đạt hơn 95% diện tích. Bên cạnh đó, toàn thị xã có 5 công ty, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa cho bà con, với tổng diện tích 3.500ha.
Cũng theo ngành nông nghiệp thị xã Long Mỹ, ngoài những công việc trên thì đơn vị còn vận động nông dân áp dụng các giải pháp canh tác lúa giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng như: Chương trình IPM, mô hình canh tác “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và hướng tới công nghệ sinh thái; trong đó, điều phấn khởi là đa phần diện tích lúa Đông xuân năm nay của thị xã được nông dân áp dụng biện pháp sạ thưa với số lượng dưới 12kg lúa giống/công (1.300m2). Tuy nhiên, để giúp nông dân áp dụng các mô hình trên có hiệu quả, ngành nông nghiệp thị xã Long Mỹ đã tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con ngay từ đầu vụ và tiếp tục duy trì ở giữa đến cuối vụ nhằm giúp nông dân an tâm sản xuất, quản lý tốt các loại dịch hại trên cây lúa…
Bà Lý Lệ Hoa, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Một điểm nổi bật khác trong vụ lúa Đông xuân này là ngành nông nghiệp thị xã Long Mỹ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc và các đơn vị đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình như: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi tình hình rầy nâu di trú, cũng như sinh vật gây hại vào từng thời điểm, sau đó thông báo rộng rãi để người dân biết và có giải pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, hiệu quả; Trạm Thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và có kế hoạch giúp nông dân chủ động trong phòng chống hạn, xâm nhập mặn, nhất là đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; Trạm Khuyến nông và Tổ kỹ thuật nông nghiệp các xã, phường của thị xã Long Mỹ thường xuyên phối hợp cùng nông dân tổ chức thăm đồng để hướng dẫn bà con phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa... Mặc dù nông dân thị xã Long Mỹ chỉ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân, nhưng với những tín hiệu tích cực ban đầu có được và nhìn nhận những diện tích chưa thu hoạch cũng rất khả quan nên có thể khẳng định rằng, nhờ việc triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp trong canh tác đã góp phần vào sự thắng lợi chung của vụ lúa Đông xuân năm nay cho người dân thị xã Long Mỹ...
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC