Kho bạc Nhà nước chủ động thúc đẩy giải ngân đầu tư công Những bước tiến mới về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước Giải pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu “Kho bạc 3 không” |
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thùy Linh |
Trong mục tiêu này, thanh toán không dùng tiền mặt chính là bước đi đầu tiên. KBNN cho biết, thực hiện phương thức thanh toán này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý.
Theo các chuyên gia, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) chính là xu thế hiện nay, góp phần phát triển nền kinh tế số, tài chính số. Đề án TTKDTM phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025 gồm 7 nhóm nhiệm vụ được quy định chi tiết bằng 21 nhiệm vụ cụ thể, trong đó 5 nhiệm vụ bắt đầu thực hiện trong năm 2022, 9 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên hằng năm, triển khai đồng bộ từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; các hoạt động đẩy mạnh công tác thu, chi qua KBNN bằng các hình thức TTKDTM.
Do đó, đến nay, KBNN đã tập trung triển khai, ký kết thỏa thuận về quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với các ngân hàng thương mại. Hệ thống KBNN cũng tiếp tục hoàn thiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình cơ quan Thuế, Hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS)… Nhờ đó, viêc chi ngân sách tại trụ sở hiện chỉ dưới 1% là thanh toán tiền mặt, còn lại tới 99% là không dùng tiền mặt.
Về mục tiêu không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc KBNN cho hay, KBNN đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến, gửi hồ sơ điện tử từ xa để KBNN kiểm soát tự động, chuyển sang thanh toán tự động… Những công việc này rất thuận tiện cho khách hàng giao dịch, giúp khách hàng không phải đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian và góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.
Với những giải pháp nêu trên, KBNN từ trung ương đến địa phương đều đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến… để tạo thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch kho bạc. Chẳng hạn, trong ngày làm việc, bộ phận một cửa của KBNN Phú Yên đã không còn cảnh xếp hàng chờ đợi, cũng không có giao dịch tiền mặt như trước. Toàn bộ hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước qua hệ thống KBNN Phú Yên đều được thực hiện dưới hình thức thanh toán điện tử.
Theo ông Bùi Văn Sang, Phó Tổng giám đốc KBNN Phú Yên, KBNN Phú Yên đã triển khai đồng bộ các hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thời gian thực hiện giao dịch và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Bên cạnh các khoản thu ngân sách, các khoản thu phạt vi phạm hành chính bằng tiền mặt cũng được nộp trực tiếp và không phải trả phí nộp tiền tại trụ sở chính và các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại nơi KBNN Phú Yên đã ủy nhiệm thu.
Với các giải pháp trên, đến nay 94,5% số thu ngân sách nhà nước đã thực hiện qua các ngân hàng thương mại được KBNN Phú Yên ủy nhiệm thu và 4,5% số thu ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử.
Cùng với những giải pháp trên, ông Bùi Văn Sang cho biết, KBNN Phú Yên còn triển khai giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến của KBNN, đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, rút ngắn thời gian, minh bạch về quy trình, hồ sơ chứng từ và nội dung kiểm soát. Sau 4 năm thực hiện, đến nay, 100% đơn vị dự toán đã tham gia dịch vụ công trực tuyến khi giao dịch với kho bạc (trừ khối an ninh - quốc phòng) và 98% đơn vị thuộc diện không bắt buộc cũng đã tham gia.
Tại KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/5/2023 có khoảng 119.000 hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công, trong đó tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt trên 99%. KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã duy trì và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 100% đơn vị thuộc đối tượng tham gia dịch vụ công trực tuyến (trừ khối an ninh quốc phòng). Các hoạt động giao dịch của KBNN được triển khai 24/7 gồm cả ngày nghỉ, lễ với số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công đạt 99%, bình quân mỗi tháng có 6.019 chứng từ chi thường xuyên.
Ông Ngô Thánh Đức, Phó Giám đốc KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách phương thức giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN trên địa bàn tỉnh… để hướng tới mục tiêu “Kho bạc 3 không”.
Có thể thấy, ngành Kho bạc đã nỗ lực hết mình để hướng tới hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động kho bạc. Tuy nhiên, việc thực hiện theo đúng mục tiêu “Kho bạc 3 không” không chỉ cần nỗ lực từ phía các đơn vị của KBNN mà cần sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị sử dụng ngân sách, để cùng hướng tới mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội cả nước.