Tiếp tục tạo sức ép bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine về mọi mặt của phương Tây là hồi chuông cảnh báo giao tranh ở Ukraine sẽ còn kéo dài.
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern (Đức),ếpthmsứcmạnhđểUkrainechốkqbd brazil b ngày 26-6. Ảnh: AFP
Mới đây, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản) hay gọi là G7, đã tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ ngoại giao, quân sự, nhân đạo và tài chính, đồng thời sát cánh cùng Ukraine. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh để Ukraine quyết tâm chống Nga. Đây là tín hiệu dự báo cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ còn kéo dài.
Trong một động thái liên quan, các nhà lãnh đạo G7 cũng dự định tìm kiếm một lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga nhằm ngăn chặn các nhà tài phiệt Nga mua kim loại quý này để tránh lệnh trừng phạt. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga nếu được thực thi sẽ khiến Matxcơva mất đi nguồn doanh thu hàng năm lên đến 19 tỉ USD.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga liên quan vấn đề Ukraine. Các biện pháp bao gồm cấm nhập khẩu vàng của Nga, cấm cung cấp một số dịch vụ đối với Nga như kế toán, đóng băng tài sản đối với 70 cá nhân và tổ chức của Nga, cấm xuất khẩu hàng hóa tới 90 tổ chức có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Về phía Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo, tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, một phần được cho là do Nga phong tỏa Biển Đen, nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh đã đến lúc cần đưa ra những hành động thực tế: “Về vấn đề an ninh lương thực, chúng ta không cần những lời nói suông mà cần hành động... Trước hết, điều quan trọng là phải làm mọi thứ có thể để phá thế phong tỏa Biển Đen, đó là ưu tiên hàng đầu”.
Kể từ ngày 23-2, một ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Hội đồng châu Âu đã thông qua 6 gói trừng phạt nhằm buộc Nga phải trả giá đắt về kinh tế và chính trị. Các nước phương Tây đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đóng băng 315 tỉ USD trong số 550 tỉ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ở nước ngoài.
Đầu tháng 4, Nhà Trắng ra tuyên bố, những hạn chế kinh tế quy mô lớn và tác động mạnh mẽ nhất trong lịch sử sẽ khiến GDP của Nga giảm 15% trong năm nay, đồng thời xóa bỏ những thành tựu kinh tế mà Nga đạt được trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, hơn 4 tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, mọi thứ dường như không diễn ra theo kịch bản mà phương Tây dự đoán. Theo dự báo GDP của Nga giảm 7,5% trong năm 2022, không giảm sâu như mức 9,2% trong cuộc khảo sát trước đó. Tương tự, dự báo về lạm phát giá tiêu dùng năm 2022 cũng chỉ ở mức 17%, giảm so với mức 22% trong cuộc khảo sát trước.
Theo thống kê chưa đầy đủ hiện Nga nợ khoảng 40 tỉ USD trái phiếu nước ngoài. Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga có khoảng 640 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài và hiện đang bị đóng băng.
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng là “con dao 2 lưỡi” tác động không nhỏ tới các quốc gia liên quan, nhất là những quốc gia châu Âu. Trong đó, nguyên nhân chính là sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào năng lượng từ Nga. Năm 2021, Nga chiếm 25,7% dầu khí, 44,5% khí đốt tự nhiên và 52,3% than đá nhập khẩu vào EU. Đáng quan ngại, từ khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga vào phương Tây, các quốc gia châu Âu phải mua dầu mỏ giá cao; ngược lại phía Nga lại mở rộng khách hàng sang châu Á giúp tăng thêm nguồn thu.
Để giải quyết những bất đồng trên, giải pháp đàm phán ngừng bắn tiến đến lập lại hòa bình cho Ukraine là rất bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn còn quá nhiều bất đồng nên cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn kéo dài chưa có hồi kết.
HN tổng hợp