Người dân tại trại tị nạn ở Kajuru, bang Kaduna, Nigeria. |
Bà Gabriela Bucher nhấn mạnh: "Các tỷ phú đến Davos ăn mừng tài sản của họ tăng đáng kể. Đại dịch, cùng với tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng cao hiện nay, khiến họ càng có thêm lợi nhuận. Trong khi đó, thành quả tiến bộ trong công tác chống đói nghèo cùng cực nhiều thập kỷ qua đang bị đảo ngược, khi hàng triệu người đối mặt với tình trạng gia tăng chi phí chỉ để tồn tại".
Báo cáo của Oxfam dẫn bảng xếp hạng tài sản của tạp chí Forbes và dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trên thế giới đã có thêm 573 tỷ phú trong thời kỳ đại dịch, tức là trung bình 30 giờ có một tỷ phú mới. Trong khi đó, Oxfam dự kiến sẽ có 263 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, đồng nghĩa trung bình 33 giờ có thêm một triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới.
Trong bối cảnh này, Oxfam đề xuất các biện pháp về thuế, trong đó có áp thuế một lần đối với số của cải mà các tỷ phú có được trong đại dịch. Khoản thuế này sẽ được sử dụng để hỗ trợ những người đang phải chịu ảnh hưởng của việc giá cả tăng cao, qua đó đảm bảo một sự phục hồi “công bằng và bền vững” sau đại dịch.
Oxfam cũng đề xuất áp thuế mức tạm thời 90% đối với những lợi nhuận phát sinh mà các tập đoàn lớn thu được trong thời kỳ đại dịch, nhấn mạnh đã đến lúc "chấm dứt việc trục lợi từ khủng hoảng”. Theo Oxfam, cũng cần tính đến việc đánh thuế thường xuyên đối với những người giàu có nhất.
Theo tính toán của Oxfam, việc áp mức thuế hàng năm 2% đối với các triệu phú và 5% đối với các tỷ phú sẽ mang lại khoản thu 2.520 tỷ USD/năm. Số tiền này có thể giúp 2,3 tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực, phân phối đủ vaccine cho toàn thế giới và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân cho tất cả người dân ở các nước nghèo.