Triển lãm Quốc tế thường niên ngành Công nghiệp dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu – Saigontex 2023 đã chính thức được khai mạc tại TPHCM vào sáng 5/4. Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, công nghiệp dệt may là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của đất nước. Trong quan điểm chỉ đạo của mình, Bộ Công Thương luôn coi đây là một trong những ngành quan trọng, ngoài vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, dệt may còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động với thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với lao động nông nghiệp. Hiện tại, ngành Dệt May Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2022 hơn 44,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với 2021, thu nhập trung bình cho người lao động khoảng 3.800 USD/người/năm. Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD vào năm 2030, ngành dệt may có thể sử dụng khoảng 4 triệu lao động trực tiếp và tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động dịch vụ phục vụ ngành. Bà Thắng cũng đánh giá, tuy kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may hiện nay còn ở mức thấp, chưa chủ động nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; thiết bị hiện đại, tự động hóa cao; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường… Đồng thời, trong tình hình kinh tế thế giới đối mặt với những nguy cơ khó lường hơn, định hướng ngành dệt may cần tìm được những hướng đi phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn về dịch bệnh đồng thời hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.
Trên tinh thần đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu – Saigontex 2023 sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất để có cơ sở xác định hướng đầu tư trong thời gian tới. Hội chợ cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt, đặc biệt là vải và nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà thiết kế của Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận các nguồn nguyên phụ liệu để hướng tới đưa ngành dệt may Việt Nam tiếp lên phân khúc FOB và ODM trong tương lai. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Vinatex đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dài hạn, mang tính dẫn dắt ngành công nghiệp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Với chiến lược phát triển đến 2030 trở thành một điểm đến trọn gói cho sản phẩm thời trang xanh, Vinatex tăng cường đang tăng cường đầu tư cho sản xuất, ổn định và chủ động nguồn nguyên liệu; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu thời trang trên thị trường; tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu chính đối với khía cạnh môi trường và trách nhiệm xã hội. Trong đó tập trung vào ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm sử dụng năng lượng, giảm phát thải, giảm sử dụng lao động, tăng năng suất và chất lượng; sản xuất xanh, xây dựng hệ thống sản xuất và kinh doanh tuần hoàn...
|