VHO - Sáng 28.10,átrịkinhtếmàdisảnmanglạilàbaonhiêket qua iraq Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Trường Khoa học Liên ngành & Nghệ thuật và Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tổ chức Hội nghị công bố Đề án nghiên cứu về Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Ngọc Hà; Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Ưu tiên châu Phi và Quan hệ đối ngoại Firmin Edouard Matoko; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker.
Cùng dự hội nghị có đại diện Văn phòng UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Trường Khoa học liên ngành & Nghệ thuật (Đại học quốc gia Hà Nội); đại biểu các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố và Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.
Lượng giá giá trị kinh tế của di sản Tràng An
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker trong phát biểu mở màn buổi lễ nhận diện đã nhấn mạnh tầm quan trọng và tính độc đáo của Tràng An, Ninh Bình với tư cách là di sản thiên nhiên hỗn hợp duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Đề án "Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể Danh thắng Tràng An và đóng góp của di sản vào phát triển bền vững" là một phần trong việc triển khai Chính sách UNESCO 2015 về Di sản Thế giới và Phát triển bền vững thông qua nghiên cứu mô hình cụ thể tại Quần thể Danh thắng Tràng An.
Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” cho biết: “Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên duy nhất của của Đông Nam Á, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2014”.
“Thêm một lần nữa, di sản khẳng định được bản sắc quốc gia, lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy chủ quyền quốc gia. Từ những giá trị nổi bật đã phát huy, kết nối các cộng đồng xã hội và xây dựng niềm tin chung, bằng việc thúc đẩy du lịch di sản, truyền tải và củng cố bản sắc dân tộc… Nhìn rộng hơn, là xây dựng chiến lược phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ bao gồm thành phố di sản và thành phố sáng tạo”, bà Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh.
Đánh giá tổng thể bức tranh của di sản Tràng An hiện nay sau 10 năm nhận danh hiệu Di sản thể giới hỗn hợp, Đề án xây dựng thông qua 4 nhánh nghiên cứu: Di sản tự nhiên; di sản văn hóa; di sản định cư; kinh tế du lịch và các giá trị phức hợp nổi bật của nhân loại và Đông Nam Á.
Theo đó, Đề án đã lượng giá giá trị thương hiệu - kinh tế của các địa điểm - công trình đại diện tại di sản, đang đưa vào bảo tồn và khai thác hoạt động du lịch.
Đồng thời lượng giá tổng thể giá trị thương hiệu - kinh tế của di sản thế giới hỗn hợp quần thể danh thắng Tràng An gắn với bối cảnh của chính sách, chiến lược, quy hoạch và đồng bộ kết nối dộng đồng dân cư bản địa, quản lý di sản và nghiên cứu mang tính đặc thù.
Có được kết quả định lượng giá trị, bổ sung cứ liệu, tạo nền tảng định hướng chính sách “Lấy Di sản Tràng An – Hoa Lư” làm động lực thúc đẩy kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo; Bảo tồn di sản làm nguồn cội để phát triển đô thị Di sản (Thiên niên kỷ) trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, thực hiện lan tỏa thương hiện di sản thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An ra thế giới, Đông Nam Á và quốc gia trong bối cảnh Toàn cầu hóa. Đưa Di sản Tràng An cùng tham gia vào mạng lưới các đô thị di sản thế giới; Mạng lưới: các thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Lan tỏa giá trị thương hiệu Tràng An - Hoa Lư
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cũng nêu rõ, Đề án sẽ trả lời câu hỏi khoa học về giá trị kinh tế di sản, giá trị kinh tế do cơ hội mà di sản mang lại là bao nhiêu, trong bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản.
Những giá trị này cần được định lượng thông qua các Phương pháp lượng giá khoa học tổng thể di sản. Bởi, định lượng giá trị để lan tỏa giá trị thương hiệu Tràng An - Hoa Lư mà du khách sẵn sàng chi trả để tham quan và quảng bá cho di sản vô giá này ra quốc gia và quốc tế .
Đề án được tiến hành bởi các chuyên gia Việt Nam (tại Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng hành với các chuyên gia quốc tế (UNESCO, Santagata Foundation, IOER Leitbild) để đảm bảo tính khoa học và chính xác tầm quốc tế.
Các kết quả lượng giá đề án được công bố quốc tế về mặt khoa học và truyền thông quốc tế những giá trị hiện tại và giá trị cơ hội trong tương lai của Di sản thế giới phức hợp quan trọng này.
Cùng với đó, Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” phục vụ cho giai đoạn thực thi Qui hoạch tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3.2024: Phát triển Thành phố Hoa Lư từ cội nguồn của di sản Quần thể danh thắng Tràng An, theo tính chất Đô thị di sản thiên niên kỷ và Thành phố sáng tạo - là thành phố trực thuộc Trung ương năm 2035.
Đồng thời, định lượng giá trị di sản để xây dựng chính sách đổi mới Mô hình phát triển bền vững gắn với nền kinh tế di sản, kinh tế du lịch, kinh tế sáng tạo là động lực mới.
Ông Firmin Edouard Matoko, Phó Tổng giám đốc UNESCO về Ưu tiên châu Phi và Quan hệ đối ngoại cho biết: “Đây là lần tôi quay trở lại Tràng An, Ninh Bình sau một năm. Có những sự thay đổi tích cực nhờ di sản mà tôi không thấy ở nhiều nơi, khi đời sống người dân được cải thiện, sinh kế ổn định. Tôi chúc mừng cho sự thành công và tính khoa học của Đề án này”.
Tiến tới xây dựng một Tuyên bố Tràng An
Kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: “Việc lượng giá giá trị kinh tế của một di sản không chỉ dừng lại ở các con số và cũng không chỉ đơn thuần là một công cụ để đánh giá giá trị kinh tế. Hơn hết, đó là nhận thức đúng đắn về giá trị, tầm quan trọng của di sản thế giới trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa của cộng đồng địa phương và của tỉnh Ninh Bình”.
Kết quả nghiên cứu Đề án sẽ là cơ sở để Ninh Bình xây dựng các chính sách, chiến lược nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Quần thể danh thắng Tràng An một cách hiệu quả, bền vững và hài hoà.
Vừa bảo tồn được giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vừa phát huy giá trị của di sản, tăng nguồn thu cho địa phương, cải thiện đời sống của người dân.
Để triển khai thực hiện thành công đề án có ý nghĩa này, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cũng đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương trong khu di sản tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học trong việc nghiên cứu, dự báo, cập nhật thông tin và xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững di sản. Phải đảm bảo rằng mọi hoạt động khai thác, phát triển du lịch đều không ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị di sản.
“Các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, tiếp tục quan tâm phối hợp nghiên cứu, theo dõi và đưa ra các giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho việc quản lý và khai thác bền vững các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản. Trong đó, cần có tầm nhìn dài hạn, chiến lược đảm bảo Quần thể danh thắng Tràng An sẽ được bảo tồn và phát triển không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho tương lai theo tinh thần Công ước Di sản thế giới 1972”, ông Bùi Văn Mạnh nói.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp khai thác du lịch trong khu Di sản cần thực hiện nghiêm các quy định, quy chế quản lý di sản. Có chương trình, chính sách ưu tiên phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch than thiện với môi trường, bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái trong khu di sản; nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu của khu di sản và của tỉnh và đồng thời giữ gìn, bảo tồn môi trường thiên nhiên, phát triển công nghiệp văn hoá, tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản”.
Đề nghị Văn phòng UNESCO Hà Nội, Trung tâm Di sản thế giới, các cơ quan tư vấn của UNESCO và chuyên gia quốc tế phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học quốc gia Hà Nội) triển khai thực hiện và công bố kết quả dự án Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An. Trên cơ sở đó, tiến tới xây dựng một Tuyên bố Tràng An hoặc cao hơn là Hiến chương về Di sản Thế giới Tràng An.