当前位置:首页 > Thể thao

【ty so ty le 7m】Tình người xóm Huế

Báo Cà Mau(CMO) Có một xóm nhỏ nơi miền sông nước Cà Mau được gọi là xóm Huế. Những con người nơi đây cần cù, gắn bó thân thương, làm nên nhịp sống rất riêng trên vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Xóm Huế cách thị trấn Ðầm Dơi khoảng 15 cây số, thuộc ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh. Người ta gọi nơi đây là xóm Huế bởi những người đồng hương Thừa Thiên Huế về đây sống tập trung đến nay đã hơn nửa thế kỷ, với 70 hộ, trên 250 nhân khẩu.

Ngôi nhà khang trang, sung túc ở xóm Huế ngày nay. Ảnh: NHẬT MINH

Ðến đây thì ở lại đây...

Theo lời ông Năm Ly (Phạm Ðức Ly, ấp Nam Chánh), từ 1954-1958, trong thời kỳ Nam tiến, nhiều cuộc di dân diễn ra. Trên bước đường đi tìm vùng đất mới, ông cha của cư dân xóm Huế chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, rồi bám trụ luôn với mảnh đất này, đến nay cũng gần 70 năm.

Cũng theo ông Năm Ly: “Ngày trước nơi đây là vùng bàu sen, đất rộng người thưa, bà con phải khai hoang làm ruộng, rồi sau này nuôi tôm, cua. Bà con xóm này vẫn giữ cách nuôi quảng canh. Mặc dù lợi nhuận không cao nhưng thu nhập đều đặn, chi phí bỏ vào không nhiều, rủi ro lại thấp, cuộc sống nhà nông có phần an nhàn hơn với cách nuôi công nghiệp. Và quan trọng ở chỗ môi trường nuôi được đảm bảo, thu được nguồn tôm cua sạch, chất lượng”. 

Mấy mươi năm gắn bó với đất này, cư dân xóm Huế đã hoà nhập với nếp ăn, cách ở của người dân nơi đây. Ngoài nuôi tôm, cua, nhiều hộ còn kết hợp thả nuôi sò huyết. Mô hình được nhân rộng hơn 30 hộ, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con.

Mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân. Ảnh: N.M

Với 4 ha đất sản xuất, ông Tám Nam (Nguyễn Viết Nam, ấp Nam Chánh) thả nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm hơn 5 năm nay. Theo kinh nghiệm của ông: “Mua con giống về, mình dèo ở một khu trong vuông để sò thích nghi môi trường nước rồi mới thả ra, chúng tự kiếm thức ăn và phát triển. Chi phí mua sò giống hơn 20 triệu đồng, sau 8 tháng sò đạt kích cỡ 80-100 con/kg, bán giá 120.000 đồng/kg trở lên. Sò nhỏ thì thả lại nuôi tiếp. Sau khi trừ chi phí, thu được trên 100 triệu đồng. Nuôi sò huyết thì nuôi cua sẽ trúng theo. Nhưng lưu ý là phải thả sò trước khi thả cua để tránh sò nhỏ quá bị cua ăn”.

Có được cuộc sống ổn định như hôm nay là cả quá trình vượt qua khó khăn, thử thách trên vùng đất mới của người dân xóm Huế. Ông Tám Nam giãi bày: “Thời trước, khi mình vào trong này ổn định rồi thì bà con ở quê còn khó khăn lắm. Nhưng nay ở Huế rất phát triển, trong dòng tộc cũng gọi ra ngoài đó sinh sống đoàn tụ, nhưng ông cha mình vào đây lập nghiệp cả đời người, mình đã quen rồi. Dù chưa phải giàu có lắm nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn; phải cố gắng lao động để mang lại tương lai tươi sáng cho thế hệ con cháu sau này!”.

Giữ nét đặc trưng xứ Huế

Chăm chỉ làm ăn, cần cù chịu khó là những đức tính đẹp làm cho những cư dân người Huế có cuộc sống sung túc như hôm nay.

Ông Năm Ly cho rằng: “Người Huế di cư vào đây thì phải cần cù, siêng năng, đây cũng là đức tính truyền thống từ ông cha. Ngoài làm vuông, bà con còn trồng rau màu sạch để sử dụng trong gia đình và đem bán, có thêm chi phí cải tạo sản xuất và sinh hoạt trong gia đình”.

Mỗi năm có một dịp họp mặt dòng họ, tảo mộ ông bà, con cháu dù ở đâu, làm việc gì cũng tranh thủ sắp xếp để về. Theo thông lệ vào dịp này, người lớn thì kể cho nhau nghe những công việc dù là thuận lợi hay khó khăn trong một năm qua để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ. Những đứa cháu nhỏ nào ngoan, đạt thành tích giỏi trong học tập sẽ được nhận bằng khen và phần quà do dòng họ tặng thưởng để khích lệ con cháu ra sức nỗ lực học hành, thành nhân.

Ông Năm Ly còn cho biết: “Giống hệt như ở xứ Huế, họ và chữ lót của con, cháu trai trong dòng họ sinh ra trong này đều được đặt giống nhau là Phạm Ðức. Ðây là điều được lưu giữ từ thời ông cố của chú Năm đến nay. Còn những nhánh dòng họ khác là Phạm Bá, Phạm Công... cũng được các thế hệ giữ gìn, như một cách để nhớ về nguồn cội của mình”.

Vẻ đẹp trong tâm thức của cư dân xóm Huế còn thể hiện dưới mỗi nếp nhà. Những ngày mới xa quê, cuộc sống nơi xứ lạ, quê người, hai tiếng đồng hương chính là động lực, là nơi họ nương tựa lẫn nhau, để cùng vượt qua những tháng ngày gian khó. Tình cảm ấy vẫn còn lưu giữ đến tận hôm nay.

O Hoa là cách xưng hô quen thuộc của bà Út Hoa với mọi người trong xóm Huế. Tuy xa quê nhưng vào những dịp lễ, Tết, hội họp phụ nữ, O Hoa và các chị em trong xóm Huế thường hay quây quần, chuẩn bị vài món ăn mang phong vị ẩm thực đặc trưng xứ Huế như: bún bò, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo… để cùng nhau lưu giữ hương vị quê nhà. Từ các món dân dã đến cầu kỳ, sang trọng, đều mang sức hút riêng, chỉ những ai một lần nếm thử mới cảm nhận được hết. Giữa miền sông nước Cà Mau, phong vị xứ Huế như phần nào giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà. 

Các bà, các chị quây quần làm những món ăn mang hương vị ẩm thực đặc trưng xứ Huế. Ảnh: N.M

O Hoa tâm tình: “Dù nơi đây đã là quê hương, nhưng trong lòng mình vẫn nhớ Huế, nhớ quê cha đất tổ. Lâu lâu có dịp về quê, được ăn bữa cơm hến mình rất xúc động. Dù xa quê nhưng những nét đẹp truyền thống vẫn lưu giữ mãi trong lòng người con xứ Huế".

Anh Nguyễn Công Thái, Trưởng ấp Nam Chánh, chia sẻ: “Toàn ấp có khoảng 120 hộ là người Huế. Bà con rất siêng năng lao động, chí thú làm ăn, không để đất trống uổng phí nên kinh tế cải thiện, khá giả, đời sống sung túc. Họ có nếp sống rất chan hoà với bà con trong vùng, lại rất nhã nhặn, văn hoá. Ðặc biệt là quan tâm chăm lo chuyện học hành cho con cháu nên thế hệ trẻ nhiều người có trình độ đại học, một số học thạc sĩ và đều có công việc ổn định”.

Về thăm xóm Huế, cảm phục tinh thần vượt khó, đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau của bà con nơi đây. Ðó còn là cách người dân xóm Huế giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, lưu giữ nét riêng mang chút gì đó rất Huế giữa miền sông nước Cà Mau./.

 

Thảo Mơ

 

分享到: