Một đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (đường vành đai 3) giao với quốc lộ 1K, tỉnh Bình Dương. Ảnh: CTV |
Các tuyến đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân trong vùng.
Cùng với đó TP. Hồ Chí Minh tập trung tổ chức lại giao thông công cộng, cụ thể là khẩn trương hoàn thành cơ bản tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, khởi công tuyến Metro số 2; giải quyết các điểm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, khối lượng công việc rất lớn, rất cần sự tham gia từ xã hội. Đồng thời nhấn mạnh đến cơ chế chính sách huy động sự tham gia của xã hội trong phát triển các tuyến xe buýt, bãi đậu xe, đường trên cao… các quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng không nên chờ TP. Hồ Chí Minh mà dựa trên quy hoạch, cần năng động tìm kiếm giải pháp, huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Song song với đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ hướng đến xây dựng giao thông thông minh, do vậy thành phố phải tập trung hoàn thiện và phát huy vai trò trung tâm điều hành giao thông thông minh cho TP. Hồ Chí Minh thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng cho biết, thành phố đang rất quan tâm vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư như thế nào đảm bảo giao thông đi kèm tương ứng để phục vụ cho sự phát triển của thành phố./.