BP - Báo chí là một loại hình truyền thông đại chúng hiện đại, blịch thi đấu bóng đá vilich hôm nay có vị trí và tầm quan trọng trong đời sống nhằm kết nối và biểu đạt các giá trị xã hội. Trong các nguyên tắc hoạt động của báo chí thì khách quan, chân thật được coi là những nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Nhưng trong sự cạnh tranh mạnh mẽ, một số trang báo mạng đã phóng đại sự thật, thậm chí giả tạo tin tức nhằm thu hút lượt người xem gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, mất uy tín của báo chí truyền thông.
Dân gian vẫn hay nói vui: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Nói vui nhưng có một phần sự thật, bởi nhà văn phải “nói láo” do đặc điểm của văn chương là hư cấu; nhà báo nói thêm để diễn đạt nội dung thông tin lưu loát, dễ hiểu. Tuy nhiên, việc “nói thêm” của nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, không được làm sai lệch bản chất vấn đề, sự kiện. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì thật đáng quý và không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, một số nhà báo hiện nay đang lạm dụng việc “nói thêm” để suy diễn mang tính cảm tính, chủ quan của người viết dẫn đến nhiều sự việc gây khó chịu, ức chế cho người đọc.
Đơn cử sau vụ việc “Nam thanh niên bị bắn liên tiếp 4 phát súng gục tại cửa nhà” ở thành phố Hồ Chí Minh đăng tải ngày 15-3, hàng trăm comment đã chế giễu việc tác giả lồng vào nhận xét của người dân sống xung quanh nhà nạn nhân: “Theo hàng xóm, nạn nhân là người hiền lành, đang sống với người mẹ và gia đình anh trai”. Nick name Thu Đặng viết: “Lại là người hiền lành, yêu cầu báo chí viết chuẩn lại, không dưng người ta bắn để vô tù, phải có thù oán gì đây?”. Bằng diễn đạt hài hước, Dương Dao bày tỏ: “Ông nào cũng hiền lành cả” (!?). Nick name Quy Huynh bức xúc: “Đọc báo ghét nhất câu nạn nhân là người hiền lành...”. Nick name Vùng Cao còn mỉa mai: “Lại người hiền lành sao? Vậy từ nay hãy đừng hiền lành, tử tế nữa các bác ạ!”... Các độc giả bức xúc cũng vì lý do thời gian qua, việc đưa nhận định “nạn nhân là người hiền lành” xuất hiện nhan nhản trên các bản tin an ninh trật tự, dành để nhận định cả về người gây trọng án.
Nhiều năm trở lại đây, việc báo chí đăng tin sai sự thật hoặc giật gân, câu khách trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử lẫn truyền hình, phát thanh đều đã bị Bộ Thông tin - Truyền thông xử phạt. Nhưng việc phạt chưa đủ sức răn đe hay vì áp lực câu “view” với báo điện tử, “tia-ra” với báo giấy và cả “rating” với truyền hình mà một số cơ quan truyền thông, một số nhà báo đã bất chấp chuẩn mực đạo đức, bỏ qua giới hạn thẩm mỹ, văn hóa thông thường để sa đà khai thác những đề tài theo hướng giật gân câu khách. Phải chăng một bộ phận người làm nghề đã xao nhãng những quy tắc đạo đức dành cho nhà báo?
Nhiều nhà báo vẫn hay đặt “tít” với những câu bỏ lửng nghi ngờ theo diễn biến vụ việc, kiểu: “Người đàn ông dùng dao chém vào xe, nghi do mâu thuẫn với vợ” hay “Nam thanh niên bị bắn 4 phát súng: Nghi do mâu thuẫn tình cảm”... Vẫn biết nghi ngờ thì có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng báo chí có chức năng định hướng dư luận, vì thế việc nghi ngờ của báo chí đôi khi lại có tính dẫn dắt cao, hướng độc giả nghiêng hẳn về suy đoán này. Nếu sau này cơ quan điều tra xác định vụ việc không như suy đoán của báo chí thì vô tình, nhà báo lại gây bất lợi cho những người trong cuộc, thậm chí gây hại khôn lường... Chính vì thế, không thể chấp nhận việc làm báo thiếu trách nhiệm với công chúng. Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông từng phát biểu trước báo giới: “Không có độc giả dễ dãi tầm thường, chỉ có truyền thông khơi gợi sự dễ dãi tầm thường. Bản chất con người luôn hướng đến điều thiện, điều tốt đẹp hoặc những gì họ nghĩ là điều thiện, điều tốt đẹp. Tuy nhiên con người cũng rất dễ bị sai lầm nếu bị dẫn dắt bởi dư luận”. Đó chính là lời nhắc nhở cho nhà báo cần phải chuẩn mực khi đưa tin, làm tròn trách nhiệm cung cấp thông tin.
Làm nghề truyền thông, các nhà báo cần phải tỉnh táo để nhận biết giá trị cốt lõi của thông tin là vì sự phát triển, tiến bộ, văn minh của xã hội. Những người làm công tác báo chí luôn phải kiên định, lấy 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo làm nguyên tắc tác nghiệp, dẫn dắt dư luận. Việc “nói thêm” hay không trong truyền tải sự kiện tin tức, báo chí cũng phải hướng tới mục đích cao nhất là góp phần định hướng các giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng nền văn hóa tinh thần tốt đẹp cho đất nước.
An Nhiên