(CMO) Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Cà Mau đã nỗ lực, quyết tâm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh từng bước được cải thiện, doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư ngày càng được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường để hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư trong gia nhập thị trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị có liên quan đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) trong đăng ký và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (rút ngắn còn 2 ngày làm việc hoặc tối đa là 3 ngày làm việc theo quy định). Kết quả, năm 2018 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 507 DN thành lập mới, với tổng vốn trên 6 ngàn tỷ đồng (số lượng DN nộp hồ sơ đăng ký qua mạng là 629 hồ sơ, chiếm 29,6% tổng số hồ sơ đăng ký kinh doanh); Thu hút 33 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 5 ngàn tỷ đồng.
Song song đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện đăng tải công khai, đầy đủ các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các thông tin về đất đai và thành lập kênh trao đổi thông tin "Đồng hành cùng DN” trên Trang thông tin điện tử để kịp thời hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho DN và tuyên truyền đến các DN thông qua hội nghị đối thoại với DN về TTHC trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường.
Tính năng động của lãnh đạo tỉnh
Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đối thoại với các DN 2 kỳ/năm, từ quý IV/2018 tổ chức họp giao ban để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh tiếp tục được củng cố. Định kỳ hàng tuần, trung tâm thực hiện rà soát, thông báo hồ sơ sắp đến hạn trả kết quả để các cơ quan, đơn vị kịp thời xử lý nhằm góp phần hạn chế thấp nhất các trường hợp trễ hạn.
Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 28 cuộc đối thoại với DN về quy định hành chính, từ đó kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN, nhà đầu tư. |
Tất cả các TTHC của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện và TP Cà Mau đều đưa vào xử lý, theo dõi trên hệ thống một cửa điện tử; Thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh và quy chế phối hợp làm việc giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Cà Mau với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo cơ chế một cửa trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân giao thẩm quyền giải quyết các vấn đề hành chính giữa các cấp chính quyền và chuyển giao mạnh quyền quyết định các vấn đề từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã để các cơ quan, đơn vị tự quyết định các công việc thuộc ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý, đi đôi với việc tăng cường, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện.
Tổ công tác liên ngành hoạt động hiệu quả, giúp Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, định kỳ 2 tuần tổ chức họp và đã giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn của DN, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Ban hành kế hoạch triển khai ứng dụng zalo vào giải quyết TTHC, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc nộp hồ sơ trực tuyến.
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải thiện PCI của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Việc tham mưu ban hành điều chỉnh bảng giá các loại đất năm 2015 còn chậm; Phần lớn các DN của tỉnh là DN có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh gia đình nên khả năng tiếp cận, tìm hiểu thông tin qua mạng, các kênh thông tin điện tử còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh của DN.
Một khó khăn nữa là do các sản phẩm đặc trưng của tỉnh phần lớn sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, chất lượng, mẫu mã hàng hoá chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn yêu cầu cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là đối với các siêu thị lớn, hiện đại trong nước và các nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, do hạ tầng kỹ thuật của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chưa được đầu tư hoàn thiện nên chưa thu hút được các nhà đầu tư để khai thác tiềm năng của tỉnh, các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tiến độ thực hiện chậm.
Thời gian tới, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện tích cực các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/11/2019. Đặc biệt, tập trung cải thiện kết quả 6/10 chỉ số thành phần năm 2017 (Đào tạo lao động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Tính minh bạch, Tính năng động, Tiếp cận đất đai, Thiết chế pháp lý) còn thấp hơn điểm trung vị cả nước và giảm điểm so với năm 2016./.
Hồng Phượng