(CMO) Thời kháng chiến, ngẫu nhiên và được sự đồng ý của ta, có 4 nhà báo nước ngoài gồm: Nhật, Pháp, Mỹ vào vùng giải phóng Cà Mau đều đặt bước chân đầu tiên lên địa bàn huyện Cái Nước. Không thể không nhắc về niềm vinh dự của một vùng đất nằm ở trung tâm cực Nam Tổ quốc, có Quốc lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay) qua ngang. Thực tế Cái Nước có tới 4 vị trí chi khu, biệt khu của giặc, là huyện rộng lớn với mật danh Năm Cứng thời kháng chiến, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh mà họ vào đến tận nơi, tai nghe, mắt thấy các phong trào hành động cách mạng, cảm nhận được cuộc kháng chiến của Nhân dân ta là chính nghĩa… Qua đó cho thấy, Cái Nước không chỉ xứng đáng đại diện các huyện mà còn xứng đáng đại diện cho tỉnh Cà Mau có vinh dự được đón tiếp các nhà báo nước ngoài.
Chiều một ngày tháng 5/1969, Ðội Tuyên truyền xung phong trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau do các anh: Võ An Khánh, Út Minh, Khắc Ðiệp... ở bộ phận nhiếp ảnh tỉnh đang hoạt động vùng ven, vùng yếu, tổ chức triển lãm hình ảnh phục vụ đồng bào tại một địa điểm trên bờ kinh xáng Ðội Cường, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Các anh đã tổ chức được những cuộc tuyên truyền bằng hình thức trực quan như vậy (cũng mùa khô 1969, các anh phối hợp với một bộ phận Ðoàn Văn công tỉnh tổ chức cuộc triển lãm và chương trình văn nghệ ở đoạn giữa kênh Trảng Cò, Trần Hợi, Trần Văn Thời), trương băng cờ cổ động, căng những tấm băng vải trắng dùng kim cúc gắn lên hàng trăm bức ảnh trắng đen với nội dung phong phú theo từng chủ đề về cuộc kháng chiến của quân dân Cà Mau, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời thơ chúc Tết Mậu Thân 1968, Kỷ Dậu 1969 và một số hình ảnh về khí thế cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Từng bức ảnh đều có ghi dòng chú thích phía dưới cụ thể, rõ ràng… Bà con Nhân dân xã Tân Hưng ở vùng ven, vùng yếu phấn khởi, nô nức gọi nhau kéo đến xem triển lãm. Hình ảnh thời sự, nghệ thuật rất đẹp được nhiều người xem hết lời khen ngợi và cảm tưởng trông thật là hấp dẫn!
Ngày 4/6/1969, đoàn đến ấp Hiệp Hoà, xã Thanh Tùng (huyện Ðầm Dơi). Bằng nghề nghiệp của mình, Sahasi ghi lại nhiều tội ác của địch đã gây ra ở vùng này. Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH
Lúc này dưới sông - dòng kênh xáng Ðội Cường có chiếc tàu đò tuyến Cà Mau - Năm Căn chạy qua ngang. Hành khách ngồi trong tàu đò nhìn lên bờ thấy lao xao bóng người, cảnh nhộn nhịp, băng cờ rực rỡ sắc màu; nổi bật cờ nửa đỏ, nửa xanh 5 cánh sao vàng, biết chắc là của Mặt trận giải phóng… Bỗng chiếc tàu đò giảm tốc độ và ghé lại. Một hành khách hăm hở bước lên, vẻ thích thú, hoà vào dòng người tận mắt xem triển lãm. Vị “hành khách” này thấy mê bởi điều muốn tìm may mắn đã tìm gặp, anh cầm chiếc máy ảnh tự nhiên bấm chớp liên tục, chụp lại một số hình ảnh đang trưng bày triển lãm tại đây... Thấy lạ, anh em ta giữ lại và kịp thời báo cáo lên cấp trên...
Không cách nào khác, ta phải làm đúng nguyên tắc, thực hiện theo phương châm bí mật thời chiến… đưa vị “hành khách” đặc biệt này với chặng đường xa lắc xuống căn cứ rừng đước để bảo toàn và “khai thác”. Khi ấy, ta mới biết đó là Sahasi, người Nhật, là nhà báo thật.
Sahasi, phóng viên 2 tờ nhật báo lớn của Nhật Bản được cử sang tìm hiểu sự thật về chiến tranh Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đã chuyển sang cao trào cuộc tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam hơn một năm qua… Sau “đòn choáng váng bất ngờ” xuân Mậu Thân 1968, đến thời điểm này, quân giặc ráo riết phản kích điên cuồng với những cuộc đổ quân càn quét “tìm diệt Việt cộng” và bằng vô số bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt khắp vùng nông thôn giải phóng ở Cà Mau.
Thể theo yêu cầu của Sahasi, ta đã bố trí lần lượt đưa nhà báo người Nhật này đến 4 nơi mà anh gợi ý muốn tiếp xúc. Năm ấy, đồng chí Võ Minh Huân (Bảy Ngởi), Tỉnh uỷ viên, Phó ban An ninh (Công an) tỉnh Cà Mau, là người dẫn đầu đoàn trực tiếp hướng dẫn Sahasi tham quan một số nơi trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (mật danh Tư Kháng), huyện Ðầm Dơi ngày nay.
Ngày 4/6/1969, đoàn đến ấp Hiệp Hoà, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi. Bằng nghề nghiệp của mình, Sahasi đã tận mắt chứng kiến và bấm máy ghi lại bức ảnh một hố bom loang lổ sau trận oanh tạc bằng máy bay phản lực F105 của Mỹ gây tội ác với Nhân dân ta ở vùng này...
Ngày 6/6/1969, Sahasi được đoàn ta đưa đến thăm ông Nguyễn Văn Tâm ở ấp Tân Tiến, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, đã bị bom napal trên người đầy thương tích trong trận máy bay phản lực Mỹ ném bom bắn phá xuống đây trước đó mấy ngày.
Về một gia đình có con đi tập kết thời Hiệp định Geneve 1954, ta đưa Sahasi đến gặp gia đình ông bà Ba Dậu ở xã Tân Tiến, huyện Ngọc Hiển (Ðầm Dơi ngày nay). Ðây là gia đình chí cốt với cách mạng suốt 2 thời kỳ kháng chiến ở Cà Mau. Người con lớn là anh Lâm Quang Măng, tức Nhạc sĩ Thanh Trúc đang công tác trên “R” - tận miền Ðông Nam Bộ; 3 người con kế, có 1 nữ, tham gia kháng chiến tại tỉnh nhà... Qua tiếp xúc thực tế, Sahasi tỏ ra thán phục khi biết rõ một gia đình Việt Nam ở miền Nam như thế...
Trước khi rời vùng giải phóng Cà Mau, Sahasi đã tặng chiếc máy ảnh Wasika đang mang theo mình cho cơ quan nhiếp ảnh tỉnh như một món quà.
Sự kiện thứ hai, đó là hơn một tháng sau Hiệp định Paris được ký kết, 3 nhà báo nước ngoài là vợ chồng nhà báo Pháp: Ô-li-vi-ê Tốt, báo Người quan sát mới; San-tan Sat-fan-xi-ê, phóng viên báo Phụ nữ Pa-ri (Pháp) và nhà báo Mỹ là Rô-nan Mô-rô, báo Tuần tin tức (Mỹ) xin phép với phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trong Uỷ ban Liên hợp Quân sự 4 bên tại Sài Gòn, được vào thăm vùng giải phóng ở một tỉnh xa Trung ương và chọn nơi đến là Cà Mau.
Ba nhà báo này xuống tới tận tỉnh An Xuyên (Cà Mau) tìm cách ra phía Nam, người của ta đón tiếp và đưa họ đến kênh Bà Bèo, xã Thạnh Phú (huyện Châu Thành thời kháng chiến) và đưa họ đi dần trở xuống. Ðiểm gặp gỡ đầu tiên tại kênh Quảng Sanh. Các hoạt động diễn ra trên địa bàn xã Tân Hưng, Cái Nước. Ðiểm tạm dừng và các hoạt động diễn ra trên đường qua sông Bảy Háp là kênh Ông Phụng, xóm ngã tư Kinh Lớn, xã Ðông Thới, cách Chi khu Cái Nước khoảng 3 km, nay thuộc khóm Ngọc Hườn, thị trấn Cái Nước.
Chuyến đi này, nhà báo Pháp viết bài đăng báo Người quan sát mới, số ra từ ngày 14-20/5/1973, được báo Nhân Dân trích dịch đăng lại với nhan đề “Mười một ngày trong vùng đất cấm Việt Nam”. Ô-li-vi-ê Tốt ghi nhận ở địa bàn huyện Cái Nước: Vùng giải phóng rộng và đông dân hơn; càng vào sâu, mức sống càng cao hơn…
Riêng nhà báo Mỹ có viết bài phóng sự: Chuyến đi thăm vùng Việt Cộng, năm ấy Ðài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) có phát bài này… Rô-nan Mô-rô kết thúc bài viết bằng hình ảnh bức tranh cổ động ở ngã tư Kinh Lớn (Ðông Thới), đường qua sông Bảy Háp: Anh chiến sĩ giải phóng quân đội nón tai bèo, vai mang súng AK, tay nâng chim bồ câu trắng, biểu tượng chắc tay súng, bảo vệ hoà bình của những người kháng chiến ở Việt Nam...
****Cái Nước, căn cứ địa vững chắc của cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến, còn là vùng đất ngẫu nhiên và được sự đồng ý của ta đã đón tiếp các nhà báo nước ngoài vào vùng giải phóng Cà Mau thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chắc hẳn họ vẫn không quên những người đón tiếp và những địa danh gợi nhớ có lần họ đi qua vùng đất này thời chiến - vùng đất mật danh Năm Cứng đi vào lịch sử những năm tháng không quên...
Cái Nước, tháng 6/2023
Nguyễn Minh