(CMO) Có lẽ chưa bao giờ hoạt động văn hoá nghệ thuật và các lĩnh vực phục vụ đời sống tinh thần cho xã hội lại đương đầu với những thách thức to lớn như trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Hơn lúc nào hết, như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Chăm lo đời sống tinh thần, sáng tạo các món ăn tinh thần phục vụ Nhân dân cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đồng hành cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh”.Tinh thần ấy đã được ngành văn hoá tỉnh Cà Mau hiện thực hoá, lan toả bằng nỗ lực tâm huyết, sáng tạo với những đột phá mới mẻ. Âm thầm sáng tạo Nhìn cách mà Thư viện tỉnh Cà Mau sáng tạo ra những chương trình phục vụ độc giả trong mùa dịch, không khỏi khiến người ta ngỡ ngàng cảm phục. Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau Lý Hoàng Vũ chia sẻ: “Thời gian chống dịch, hoạt động đọc sách trực tiếp đã tạm dừng, đơn vị chỉ cắt cử 3 cán bộ, nhân viên trực trụ sở”. Theo lời ông Vũ, không thể vì dịch bệnh mà để độc giả gián đoạn nhu cầu văn hoá đọc. Xu hướng số hoá đã được Thư viện tỉnh Cà Mau chuẩn bị từ khá lâu, thế nên người đọc vẫn có thể tra cứu, tìm đọc các đầu sách, tài liệu theo hình thức trực tuyến thông suốt. Nhưng như thế là chưa đủ, Thư viện tỉnh Cà Mau tiếp tục có những sáng tạo thầm lặng, trách nhiệm để mang đến những món ăn tinh thần bổ ích cho Nhân dân trong thời gian chống dịch. Thư viện tỉnh Cà Mau với ê-kíp “tay ngang”, trang thiết bị chỉ là chiếc điện thoại thông minh đã sản xuất được chương trình “Kể chuyện bé nghe” và nhận được phản hồi vô cùng tích cực của độc giả.
Phó giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau Nguyễn Kim Diệu bộc bạch: “Thời gian này, các bé chỉ ở nhà với gia đình, các hoạt động vui chơi, giải trí bị giới hạn. Chúng tôi mong muốn những chương trình như “Kể chuyện bé nghe” sẽ giúp các bé có thêm kênh giải trí bổ ích”. Chương trình được sản xuất hoàn toàn “cây nhà lá vườn”, kênh phát là môi trường mạng Internet gồm fanpage, kênh youtube của Thư viện tỉnh và qua các trang mạng xã hội cá nhân của ê-kíp sản xuất". Bà Diệu thông tin thêm: “Mới đầu vừa mò mẫm vừa làm, thăm dò phản hồi của độc giả”. Nhận thấy hiệu quả tích cực, Thư viện tỉnh tổ chức sản xuất chương trình với tần suất 2 kỳ/tuần. Thông qua lượng tương tác trên các nền tảng không gian mạng, bà Diệu phấn khởi: “Lượng tương tác mỗi chương trình lên đến vài ngàn view chỉ trong thời gian ngắn, cho nên ê-kíp vui lắm, càng nỗ lực để làm ra sản phẩm tròn trịa hơn”. Vì làm “tay ngang” nên cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh vừa học, vừa làm, vừa lắng nghe ý kiến của độc giả. Sản phẩm sau tốt hơn sản phẩm trước, độc giả cũng góp phần chia sẻ, lan toả rộng rãi các chương trình, thế nên ngày càng được nhiều người biết đến, lựa chọn thưởng thức. Thư viện tỉnh Cà Mau còn tự tổ chức sản xuất được chương trình “Giới thiệu sách”, “Ðiểm báo” số hoá, đây đều là sản phẩm phục vụ độc giả hoàn toàn trên nền tảng không gian mạng Internet vô cùng tiện lợi, hiệu quả. Ông Lý Hoàng Vũ cho rằng: “Trong thời đại công nghệ 4.0, xu hướng số hoá là tất yếu với tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành thư viện. Thế nên, chúng tôi tự nhận thấy đây cũng là cơ hội để tự đổi mới, thích nghi với thực tế, từng bước phục vụ độc giả trên nhiều hình thức, nhiều kênh. Mong rằng những sản phẩm của Thư viện sẽ góp phần mang đến những giá trị tinh thần tốt đẹp, năng lượng tích cực để mọi người cùng nhau vượt qua dịch bệnh”. Nghệ thuật biểu diễn đột phá Trưởng Ðoàn Cải lương Hương Tràm Nguyễn Quốc Tín với gương mặt phờ phạc nhưng nụ cười thì rất tươi, khoe: “Kỷ lục rồi. Anh em mới dựng xong vở cải lương “Mẹ của chúng con” tri ân ngày Thương binh - Liệt sĩ chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Vở này phát livestream vào 20 tối nay (27/7/2021-PV) luôn nè”. Chúng tôi không ngạc nhiên với sức làm việc phi thường của những nghệ sĩ ở Ðoàn Cải lương Hương Tràm, nhất là thời gian dịch bệnh bùng phát trong 2 năm qua. Ðạo diễn Quốc Tín tâm sự: “Từ hồi đầu năm tới giờ có đi diễn trực tiếp đâu, anh em chỉ toàn sản xuất các clip, chương trình phát Online để phục vụ bà con”. Kể về ý tưởng làm các chương trình phát trên Internet, vị trưởng đoàn cải lương hào hứng: “Mình là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp loại hình sân khấu biểu diễn, mới đầu tính dịch là dừng hết, bó tay luôn. Nhưng rồi khi ngồi lại, mình thấy như vậy là có lỗi với Tổ nghiệp, với trách nhiệm mà Ðảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó. Không diễn trực tiếp thì mình tìm cách khác chớ”. Và rồi với sự đồng lòng của cả đoàn cải lương, những clip ca cổ, kịch ngắn được anh em lên ý tưởng, sản xuất thử nghiệm để đăng tải trên Internet được triển khai khẩn trương. Thật bất ngờ, những sản phẩm tưởng chừng mang tính gỡ rối thời điểm ấy lại tạo được tiếng vang lớn và sức lan toả mạnh mẽ. Ðạo diễn Quốc Tín cho biết: “Có clip, chương trình nhận vài chục ngàn lượt tương tác, chia sẻ, quá trời sung sướng. Chỉ tính từ hồi 27/4 trở lại đây thôi, đoàn đã sản xuất Online 30 sản phẩm, lượt view hơn 100.000 rồi”. Nhìn rộng ra, cách làm và hiệu ứng mang lại của các sản phẩm sáng tạo đột phá này của Ðoàn Cải lương Hương Tràm là ước mơ, là gợi ý tốt cho hầu hết các đoàn nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp ở khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung. Theo lời Ðạo diễn Quốc Tín, nhiều đoàn nghệ thuật tỉnh khác hỏi thăm cách làm, mình cũng vui vẻ chia sẻ.
Nhưng cái vui nhất của người nghệ sĩ là sự phản hồi tích cực từ khán giả. Ðạo diễn Quốc Tín bộc bạch: “Nhiều bạn bè, khán giả đang ở các vùng tâm dịch, rồi bà con Cà Mau trong thời gian giãn cách rất ủng hộ, túc trực để đón xem những chương trình mà chúng tôi phát livestream. Cái này mới là sự động viên, cổ vũ và niềm vui lớn nhất”. Quy trình sản xuất của các sản phẩm Online ở Ðoàn Cải lương Hương Tràm quy về... chiếc máy chụp ảnh. Nhưng tài sản lớn nhất của đoàn lại là tinh thần cống hiến, vượt khó, sáng tạo của toàn bộ nghệ sĩ nơi đây. Thuận lợi của Hương Tràm là anh em đều sống tập trung tại đoàn. Vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa có thể huy động lực lượng khi cần. Nhiều người xem các sản phẩm của đoàn, tưởng rằng có một ê-kíp hùng hậu, chuyên nghiệp hoặc có những cơ quan báo chí chuyên nghiệp hỗ trợ. Ðạo diễn Quốc Tín chỉ cười mà khẳng định: “Tự mày mò, tự lụm hết. Mới đầu nghiệp dư, làm riết thành chuyên nghiệp thôi. Chuyện gì mà không như vậy”. Mong muốn của Ðạo diễn Quốc Tín cũng là tâm tư của anh em nghệ sĩ dưới mái nhà chung Hương Tràm: “Mình phải làm cho hay, cho hấp dẫn, giúp bà con thêm vui, thêm khoẻ, thêm tin tưởng vào chiến thắng dịch bệnh. Hổm rày có một số nơi đề nghị chạy quảng cáo trên các sản phẩm Online của đoàn, nhưng chúng tôi chưa tính đến. Ðầu tiên là phục vụ Nhân dân, thực hiện trách nhiệm được giao đã”. Trong những dự định sắp tới, Ðoàn Cải lương Hương Tràm chính thức xây dựng đề án số hoá cải lương, nghệ thuật biểu diễn, tạo ra nhiều lựa chọn để tiếp cận và phục vụ công chúng hiệu quả hơn. Với Ðạo diễn Quốc Tín, ông thay mặt anh em nghệ sĩ gửi lời chúc tới bà con: “Hẹn gặp lại khán giả thân yêu khi dịch giã qua đi. Còn hiện tại, chúng tôi vẫn luôn bên cạnh bà con, chỉ có khác là qua những sản phẩm Online. Dù bằng cách nào, anh em nghệ sĩ sẽ mãi cất vang lời ca, tiếng hát để phục vụ và cống hiến”.
Phạm Quốc Rin
|