Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nằm trong 4 hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức từ tháng 10 đến nay. Qua tổng hợp tình hình nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính khái quát cao, bố cục hợp lý, khoa học, chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Bên cạnh đó, văn kiện có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước trong khu vực và thế giới. Văn kiện kỳ này tiếp tục nhấn mạnh về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung những nhân tố mới, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mong muốn từ hội nghị có những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành và sâu sắc từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định: Việc tham gia ý kiến sẽ tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Nhất trí với đánh giá trong dự thảo chính trị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Dự thảo lần này có một số điểm mới, không chỉ xây dựng chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Ông Nguyễn Túc đặt vấn đề, trong nhiệm kỳ tới, việc xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị phải là điều rất quan trọng để mang lại niềm tin cho dân, tránh những nhũng nhiễu, phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, trong xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật, không tránh né như vậy mới giúp đồng chí của mình tiến bộ. Góp ý kiến về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Việt Nam chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp, nhất là tại lĩnh vực dệt may, giày da, lắp ráp thiết bị điện tử bằng robot. Những mô hình nông nghiệp sản xuất lớn với cánh đồng rộng lớn để tận dụng cơ khí hóa chưa được phát huy. Vấn đề biến đổi khí hậu, thiếu nước sinh hoạt, phòng chống thiên tai bão lụt xen kẽ hạn hán chưa có giải pháp triệt để. Nêu vấn đề người dân đang phải đối mặt với bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo, ông Nguyễn Lân Dũng đề nghị, cần có giải pháp để tạo điều kiện cho các bệnh nhân không có khả năng đóng bảo hiểm y tế, không có khả năng chi trả cho điều trị bệnh ung thư trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cần xem xét lại việc nhập khẩu mỗi năm 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Thay vì nhập khẩu, Việt Nam cần huy động nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế tối đa tác dụng của thuốc tới sức khỏe của nhân dân. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ: Dự thảo đã đề cập đến việc phát huy vai trò của người cao tuổi, tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, cần bổ sung thêm ý "Tôn trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi" như trong Hiến pháp 2013 đã quy định. Với những số liệu, chỉ tiêu đánh giá về phát triển kinh tế - xã hội nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị, để có cơ sở đánh giá tình hình đầy đủ hơn, nên bổ sung thêm tiêu chí đánh giá về khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc, so sánh giữa nhiệm kỳ này tăng hay giảm so với nhiệm kỳ trước, làm cơ sở cho hoạch định chính sách. Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, cần kiểm điểm vấn đề phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, xử lý nợ xấu, xây dựng hệ thống tín dụng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vào việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc con người Việt Nam và đánh giá sâu sắc, đồng bộ về lĩnh vực giáo dục, kể cả giáo dục ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập. Bởi một quốc gia muốn phát triển phải đầu tư cho giáo dục - đào tạo, phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh, hiện đại nhưng các đột phá chưa nhấn mạnh đến những yếu tố đó. Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục - vì đó là con đường dẫn đến tri thức. Phải trang bị hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Trong đột phá xây dựng chiến lược hạ tầng, cần tập trung đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng trong trường học. Theo TTXVN |