Canh ba gà gáy,àkêchuyệngàkết quả bóng đá indonesia hôm nay tầm này khoảng 1 giờ sáng là lúc có nghe mạ cũng bỏ lơ. Gà gáy đi, rồi gà gáy lại lần nữa và lần nữa, chừng ba rưỡi, bốn giờ là lúc mạ thức dậy, lo nồi cám heo, lo bữa ăn sáng cho cả nhà, nhất là cho tôi có được chén cơm nóng để có thể yên bụng đến trường và mạ cũng kịp ra đồng, lên rậy. Đêm mô đã canh ba, gà gáy đầu rồi mà vẫn chưa ngủ được thì xem như một đêm trắng trôi qua. Mạ không vui, bảo cứ bần thần khó chịu trong người thế nào. Trời sinh ra con người là thế, đêm để mà ngủ, mất ngủ chẳng làm chi được, mạ tôi lý giải.
Mấy chục năm trước, tôi còn bé tý. Cái xóm nhỏ ở ngôi làng ven đô của tôi còn vắng vẻ, đâu như bây giờ. Đêm ba mươi Tết, không có điện nên tối om, ra đường sình lầy ngại lắm, nhà mô cũng chỉ quanh quẩn với nhau. Làm chi có tivi để “Gặp nhau cuối năm”, xem cả nước đón chào năm mới, hay cũng làm chi có chuyện chạy ùa ra đường ngước mặt lên phố, vọng xem pháo hoa. Sáng mồng Một thức dậy, do thế bà con mới rục rịch thăm nhau. Gần như là điệp khúc muôn thuở giữa mạ và o tôi sát cạnh nhà cùng mấy người xóm giềng là chuyện đêm tối ba mươi. “Tui loay hoay từ đầu hôm, chuẩn bị xong mọi thứ, nghe tiếng chuông chùa và tiếng gà gáy đầu là cúng giao thừa”. Nghe mạ khoe, o tôi xuýt xoa: “Mấy ngày ni lăng xăng mỏi quá nên ngủ quên. Gà gáy lại mấy lần mới thức dậy, nấu xôi chè rồi cúng xong là trời hửng sáng”. Thế à, mạ tôi lắc đầu, ý chừng bảo không được và rồi mấy bà chuyện nọ “xọ” chuyện kia, cứ thế tiếp diễn, loáng thoáng có tiếng cà kê gà gáy.
Sau 3 ngày Tết, người Huế mình có lễ cúng đầu năm. Lễ cúng có nhiều lễ vật nhưng chắc chắn không thể thiếu cặp gà tơ luộc, trước cúng sau mang cặp giò nhờ thầy coi để biết “kiết hung” trong năm mới ra sao. Ba tôi mất sớm nên lễ cúng đầu năm ở nhà tôi chỉ đơn côi con gà mái tơ. Mạ tôi lo rất cẩn thận, từ việc chọn gà đến làm gà và bày biện lễ cúng. Bao giờ cũng vậy, khi lên mâm, gà nằm gọn trong chiếc đĩa to, cổ tréo vào cánh, đầu ngẩng cao, dù là gà mái nhưng cũng thật oai vệ. Lễ cúng trang nghiêm thế kia, nhưng điều tôi nhớ nhất vẫn là hình ảnh con gà mái luộc mỡ màng. “Trước cúng, sau cấp”, tôi nhìn con gà mà tưởng tượng đến cảnh nó được mạ xé ra, bóp với chanh muối và rau răm, còn bộ lòng mề và đầu cánh thì mạ nấu cháo, ăn mới đã làm sao trong những tháng ngày đói kém xưa.
Đã nếm thử bao nhiêu thứ thịt cá trên đời, nhưng với tôi dễ xài và ngon nhất vẫn là món thịt gà. Nào là gà luộc, gà hấp, gà kho, gà chiên, gà nướng, gà sốt, gà xào, cơm gà, cháo gà… món gà nào chỉ nghe kể thôi cũng đã thèm. Người ta bảo thịt gà giàu chất đạm nên dễ kết hợp với các nguyên liệu khác làm thành món ngon. Không chỉ là thực phẩm chất lượng cao và bổ dưỡng, thịt gà còn được Tây y cho rằng tốt cho não bộ, làm giảm stress. Đông y thì liệt kê cả một loạt tác dụng thuộc loại tuyệt vời từ món thịt gà, kiểu như có tính ôn ngọt và không độc nên tăng cường khí huyết, giúp trừ phong, bồi bổ dinh dưỡng cho người bị bệnh lâu ngày. Dân gian lại có câu:“Người khôn ăn miếng thịt gà/ Tuy rằng ăn ít, nhưng mà no lâu”.
Cũng là chuyện của ngày xưa ấy. Thằng học trò trường làng mồ côi là tôi buổi sáng đến trường, chiều về được giao nhiệm vụ học bài, giữ nhà và đuổi gà. Hai nhiệm vụ đầu cũng thường thôi, việc đuổi gà mới là chuyện lạ. Số là lúc bấy giờ nuôi gà thả rông là chuyện thường tình ở quê. Gà mái lót ổ “cục ta, cục tác” vang rền cả xóm nhỏ, rồi có khi còn đẻ luôn trên tủ cao hay bàn thờ không phải là chuyện lạ. Lũ gà kiếm ăn lùng sục, phá phách tứ tung từ nhà ra ngõ và tới tận vườn. Trong nhà đôi khi chỉ cần đóng cửa là xong, riêng ngoài vườn mới nhọc, phải canh đuổi gà nhà mình và luôn cả gà nhà hàng xóm phá ké. Theo nghề “đuổi gà” lâu dần, tôi nghiện luôn thói quen ngắm gà. Dễ thương vô cùng là mệ gà mái “cộc, cộc” bên mấy chú gà con xinh xắn cứ luôn mỏ “chip, chip”. Tội nghiệp ghê là mấy chú gà choai lông lá loang lổ, cứ phải chạy này sang chỗ nọ vì bị ăn hiếp. Da diết sao là dáng chạy và tiếng kêu gọi trống của ả mái hứng tình. Còn đẹp và oai vệ nhất vẫn là gã gà trống nổi bật đi giữa đàn gà đông đúc.
Năm lớp 5 làm bài tập làm văn tả con vật yêu thích nhất, tôi chọn ngay con gà trống mà mình có dịp ngắm đi ngắm lại trong những buổi chiều được giao việc “đuổi gà”. Bài văn được cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Tôi tả con gà trống nhà mình có bộ lông óng mượt và lấp lánh như chiến bào, đôi mắt nhỏ nhưng tinh tường, chiếc mồng đỏ chót, dáng đi oai vệ, tiếng gáy vang xa và hứng chí kể luôn chuyện gã trống ta “lừa tình”. Nó cứ kè kè bên cạnh mấy ả mái tơ, mái già. Gặp được mồi lại cũng “cộc, cộc” liên hồi, làm như mấy em mái còn bé bỏng lắm, rồi nhân cơ hội mấy ả mái nhà ta “lơ là” là dở luôn trò tí tởn. Cô giáo tôi đọc đến đoạn này dừng lại, mặt cô đỏ phừng, ui chao ơi. Tôi sợ quá, úp mặt xuống bàn, cả lớp có một trận cười vang.
Lạ kỳ đêm nay có tiếng gà gáy xa xa vang lại nơi phố thị. Thì ra trời đã về khuya. Vợ tôi bảo, lâu nay tôi thường ngáy to và ngủ say nên không nghe, chứ dạo này thỉnh thoảng ở phố vẫn có tiếng gà gáy như thuở nào dưới quê. Rồi nàng bảo, đâu xa ở khu phố mình cũng có lắm nhà nuôi gà, gà đá và cả mấy chú gà rừng săn được đem lên nuôi tận lầu ba làm thú vui tiêu khiển. Ừ nhỉ, có gà thì có tiếng gà gáy, lạ chi. Nghĩ chuyện, tôi bất chợt nhớ câu “Nửa đêm giờ tý canh ba” và tiếng thơ vui “Tiếng gà gáy ơi! gà gáy ơi! Nghe sao ấm áp tựa nghe đời” (Sớm mai gà gáy). Xin được mượn câu nói xưa và lời thơ kia của Huy Cận để làm lời kết cho bài tản văn đầu năm Đinh Dậu cà kê chuyện gà nhiều luyến lưu của mình.
Đan Duy