Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: T.D |
Chiều ngày 22/12, thông tin tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng và các hệ thống tiêu thụ nông sản tại TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, bên cạnh công tác chống thực phẩm bẩn, tăng cường hoạt động kiểm tra và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Ban quản lý còn chú trọng kết nối, xây dựng hệ thống cung cấp thực phẩm sạch bền vững cho người dân thành phố.
TPHCM là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng rau, hoa, trái cây của tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh kênh phân phối hiện đại chợ đầu mối, hệ thống các chợ truyền thống của thành phố là kênh phân phối hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng hiệu quả.
Hơn 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả ở Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng đã xác nhận cho 25 cơ sở sản xuất sơ chế rau củ quả được cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, TPHCM có 3 chợ đầu mối lớn, trong đó, nguồn thực phẩm rau củ quả đến từ Đà Lạt chiếm tỷ phần lớn, đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Ban quản lý thường xuyên lấy mẫu ngay từ khâu trồng trọt, sản xuất ban đầu, từ đó kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường, đa phần nguồn thực phẩm đều nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, khi về chợ truyền thống thì có sự nhập nhằng sản phẩm TP. Đà Lạt với các địa phương khác mà thời gian qua dư luận có phản ánh. Do đó, cần kiểm soát chất lượng rau củ quả đầu nguồn để tránh gian lận làm mất chất lượng sản phẩm.
Theo ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cùng với ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, hiện tỉnh đang quan tâm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.
Tỉnh Lâm Đồng cũng luôn tuân thủ nghiêm ngặt và thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó nâng cao chất lượng thực phẩm, hàng hóa qua từng năm để vừa thiết thực bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa thiết thực bảo đảm uy tín thương hiệu nông sản Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng và Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM phối hợp kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Từ năm 2016 đến nay đã lấy 4.808 mẫu có nguồn gốc thực vật, kết quả phân tích chỉ có 1% (48 mẫu) không đạt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
Riêng 25 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện giám sát việc thực hiện quy trình, ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng sâu bệnh, thu gom tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Năm 2017 đã giám sát 68 lần với số mẫu lấy để phân tích định tính là 930 mẫu, kết quả 2/930 mẫu rau không đạt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép (chiếm 0,2%).