Hoạt động kiểm sát giữ vai trò rất quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự (THADS),ốtcngtckiểmstthihnhndnsựbảng xếp hạng nữ thế giới bởi thông qua hoạt động kiểm sát sẽ giúp các cơ quan THADS khắc phục kịp thời những hạn chế và tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định của pháp luật.
Một buổi tiêu hủy vật chứng của cơ quan thi hành án có sự tham gia của đại diện viện kiểm sát.
Hiện nay, THADS là giai đoạn cuối của hoạt động tố tụng, giúp bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật được thi hành đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích của người được thi hành án. Tuy nhiên, để công tác THADS đạt hiệu quả thì hoạt động kiểm sát THADS giữ vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại ngày càng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, gây nhiều khó khăn cho quá trình thi hành án.
4 tháng đầu năm 2021, cơ quan THADS tỉnh thụ lý 7.858 việc với tổng số tiền hơn 914 tỉ đồng. Kết quả, có 2.073 việc được giải quyết trên tổng số 5.587 việc có điều kiện thi hành với số tiền hơn 75 tỉ đồng. Qua đó đã phần nào cho thấy công tác THADS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ giải quyết án còn thấp so số lượng án thụ lý.
Theo ông Trần Văn Thiện, Phó trưởng Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh, một trong những vấn đề nổi cộm trong công tác kiểm sát THADS hiện nay là tài sản (nhà, đất) đã được chấp hành viên kê biên, ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thẩm định giá nhưng khi đưa ra bán đấu giá và giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua.
Chưa kể là nhiều việc cưỡng chế liên quan đến đất đai phải tuân thủ trình tự thủ tục quy định nên thời gian thi hành án kéo dài, gây khó khăn cho công tác THADS nói chung. Đồng thời, khiến cho công tác kiểm sát hoạt động THADS của ngành kiểm sát càng thêm phức tạp, khó khăn.
Đơn cử như việc thi hành án đối với bà H., ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, có trách nhiệm trả cho ông S. và bà L., cùng địa phương số tiền vay nợ 77 triệu đồng và 4,5 chỉ vàng. Tài sản bị kê biên của bà H. là quyền sử dụng đất được đưa ra bán đấu giá để thi hành án. Tuy nhiên, sau 8 lần đấu giá và 7 lần giảm giá, đến nay chưa có người mua.
Còn theo bà Ngô Thị Tám, Viện trưởng Viện KSND thành phố Ngã Bảy, trong công tác THADS hiện nay, một số trường hợp đối tượng phải thi hành không chấp hành pháp luật, chống đối, chây ỳ; một người phải thi hành án cho nhiều người, số tiền phải thi hành án có giá trị lớn, trong khi tài sản không đủ để thi hành án và cũng có nhiều trường hợp không có tài sản để thi hành án, trốn đi khỏi địa phương… nếu không thực hiện tốt khâu kiểm sát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Theo Viện KSND tỉnh, trong những năm qua, công tác kiểm sát hoạt động THADS được hai cấp kiểm sát đặc biệt quan tâm. Do đó, ngay thời điểm đầu mỗi năm, đơn vị đều ban hành kế hoạch kiểm sát công tác THADS một cách chặt chẽ, khoa học.
Trong 4 tháng đầu năm, viện KSND hai cấp đã tiến hành kiểm sát 1.917 quyết định về thi hành án; tham gia kiểm sát cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án, tiêu hủy vật chứng 19 cuộc. Thông qua công tác kiểm sát, đơn vị đã ban hành 2 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; phúc tra việc thực hiện 1 kháng nghị, qua đó giúp cơ quan THADS có đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình công tác tổ chức thi hành án của đơn vị.
Ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, thông tin, hiện nay định kỳ hàng tháng, quý, năm, thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, cơ quan THADS kịp thời gửi các quyết định về thi hành án cho viện kiểm sát hai cấp để theo dõi, kiểm sát việc tổ chức thi hành án.
“Riêng những vụ việc THADS lớn, phức tạp hoặc có vướng mắc, khó khăn, cơ quan THADS phối hợp với viện, tòa và chính quyền địa phương họp bàn phương án xử lý. Trường hợp vụ việc phức tạp, có kế hoạch cưỡng chế và đương sự chống đối thì trước khi tổ chức cưỡng chế, cơ quan THADS đều kịp thời gửi hồ sơ, kế hoạch cho viện KSND cùng cấp nghiên cứu tham gia kiểm sát”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Hồ Việt Thắng, từ nay đến cuối năm, ngành KSND tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác kiểm sát đối với hoạt động THADS, đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thi hành án. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm và ban hành kiến nghị, kháng nghị đối với cơ quan thi hành án; tác động đẩy nhanh tiến độ thu, chi; giảm bớt số việc, số tiền tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý, góp phần vào việc thi hành các bản án, quyết định của tòa đúng quy định pháp luật.
Bài, ảnh: Đ.BẢO