Đó là chia sẻ của ông Ngô Trường Thi (ảnh),ỗtrợtạosinhkếchongườbong đá số Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về những vấn đề tỉnh cần lưu ý trong thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương nhân chuyến công tác tại Hậu Giang. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Thi cho biết: “Qua kết quả sơ bộ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2016, tỉnh giảm hơn 2% hộ nghèo. Tuy nhiên, những hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang cận nghèo, Hậu Giang cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, để thoát nghèo bền vững”.
Ông nhận xét thế nào về kết quả giảm nghèo mà Hậu Giang đã đạt được trong năm 2016 ?
- Hậu Giang là tỉnh thuần nông, người dân chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rất khó. Vì thế, với kết quả đạt được, chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo và thực hiện công tác giảm nghèo. Các chính sách dành cho hộ nghèo được địa phương thực hiện rất tốt. Đồng thời, địa phương đã có những giải pháp rất cụ thể, để hỗ trợ cho hộ nghèo. Các ngành, các cấp có sự phân công trách nhiệm cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ này.
Thưa ông, để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh cần tập trung vào những vấn đề nào ?
- Theo tôi, vấn đề cần quan tâm hiện nay là cách tổ chức thực hiện để chính sách đến đúng, đủ với người nghèo. Đưa nguồn lực chương trình đến được người dân phát huy vai trò chủ động của cộng đồng, đặt người nghèo làm trung tâm. Ngoài ra, huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.
Hậu Giang cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao đời sống người nghèo, thông qua hỗ trợ tạo sinh kế. Đồng thời, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt. Đồng thời, có giải pháp để người dân quan tâm đến các nhu cầu, đặc biệt là giáo dục, vận động các cháu không bỏ học. Hiện nay, hộ nghèo, cận nghèo có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, do đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân khi có ốm đau bệnh tật đến khám ở các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, để người được cấp thẻ tiếp cận tốt hơn dịch vụ chăm sóc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Cũng cần nói thêm là giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều thể hiện rất rõ trách nhiệm của toàn xã hội, cho nên các ngành, các cấp có những giải pháp để cùng với chính quyền địa phương từng bước nâng cao khả năng tiếp cận của người nghèo về các lĩnh vực: giáo dục, nhà ở, nước sạch…
Ngoài những chương trình, dự án đang thực hiện, thời gian tới, Trung ương có chính sách hỗ trợ mới nào dành cho hộ nghèo, thưa ông ?
- Theo Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, để thực hiện công tác giảm nghèo sẽ thực hiện đồng thời hai giải pháp. Thứ nhất là giải pháp về chính sách để áp dụng hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo. Thứ hai, giải pháp về chương trình. Các chương trình hỗ trợ sẽ tác động đến địa bàn không chỉ tạo điều kiện cho người nghèo mà tất cả người dân sống trên địa bàn đó đều được thụ hưởng. Ở Hậu Giang cần quan tâm đến vấn đề hỗ trợ sinh kế, tuy nhiên chủ trương sắp tới sẽ không thực hiện như trước đây hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, mà chuyển sang hỗ trợ cho cộng đồng, giao quyền cho cộng đồng, để cộng đồng tự xác định nhu cầu, tự xác định cách tổ chức thực hiện. Chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, phê duyệt, kiểm tra, đánh giá.
Để làm được việc này, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để cộng đồng cùng thực hiện. Trong quá trình thực hiện phải hạn chế chính sách “cho không”, mà chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả. Đối với hỗ trợ sinh kế, không hỗ trợ một lần mà hỗ trợ theo dự án, có thời gian để đảm bảo người nghèo có đủ thời gian tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Xin cảm ơn ông !
BÍCH CHÂU thực hiện