Thực trạng còn nhiều vấn đề phức tạp Ghi nhận của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu trên Hệ thống tiếp nhận Emanifest đường biển từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2022 có 86 lượt tàu biển xuất nhập cảnh (XNC) khai báo chở dầu, 161 lượt tàu biển khai báo chở xăng, 4 lượt tàu biển khai báo chở cả xăng và dầu. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2018 - 2022, Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện thủ tục hải quan trên 257 lượt phương tiện tạm nhập tái xuất với tổng số tiền thuế các loại thu tại khâu nhập khẩu (tạm nhập) 684,6 tỷ đồng. Riêng đối với số lượng nhiên liệu chứa trên phương tiện tạm xuất tái nhập khi XNC, do chưa có tiêu chí để thống kê nên chưa có số liệu tổng thể. Đặc biệt, năm 2019, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiên cứu và áp dụng phần mềm Hệ thống cảnh báo phương tiện vận tải nhập cảnh chưa xuất cảnh “Ship risk” tại cửa khẩu cảng Vũng Tàu. Việc sử dụng phần mềm đã nâng cao một bước trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan đối với tất cả các phương tiện vận tải XNC tại địa bàn. Thực tế Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thấy, hiện nay công tác quản lý lượng nhiên liệu trên phương tiện tạm xuất tái nhập khi XNC đang được thực hiện như phương tiện vận tải XNC thông thường khác. Ngoài việc tiếp nhận các thông tin do doanh nghiệp kê khai trên hệ thống, cơ quan hải quan thực hiện công tác kiểm tra đối chiếu xác định tính hợp lệ giữa các bản kê khai, chứng từ do doanh nghiệp xuất trình (nếu có) và thực hiện thông quan cho phương tiện vận tải XNC. Ngoài ra, việc quản lý đối với nhiên liệu trên phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất mới chỉ được quy định ở cấp thông tư do Bộ Tài chính ban hành và được hướng dẫn rải rác tại các văn bản hành chính nghiệp vụ, còn đối với phương tiện vận tải tạm xuất tái nhập chưa được quy định cụ thể. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ giữa cơ quan hải quan với các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý như: Biên phòng, Cảnh sát biển… Đáng chú ý, hiện tuyến cửa khẩu đường bộ có nhiều trường hợp phương tiện vận tải gia cố thêm thùng, bồn để chứa nhiên liệu, trong khi đó, pháp luật chưa quy định biện pháp, chế tài xử phạt bổ sung với hành vi gia cố nhằm mục đích buôn lậu và mức xử phạt còn chưa nghiêm khắc… Hay tại văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều điểm chồng chéo phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi. Cụ thể, hiện công tác phối hợp giữa cơ quan hải quan và cảnh sát biển còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung, xăng dầu nói riêng. Cần giải pháp cấp bách Dự báo, trong những năm tiếp theo phương tiện vận tải tạm xuất tái nhập thực hiện các dự án sẽ có bước tăng đột biến. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý nhiên liệu trên phương tiện vận tải ở Việt Nam còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan hải quan. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với nhiên liệu trên phương tiện tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập khi xuất nhập cảnh, nhóm nghiên cứu của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền đánh giá tồn tại, hạn chế đang diễn ra, từ đó tham mưu các giải pháp hoàn thiện thể chế quản lý đối với loại hình này; chú trọng hoàn thiện quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ theo hướng thống nhất, chi tiết, cụ thể, rõ ràng để đạt hiệu quả khi thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức bằng việc xây dựng tài liệu giáo trình quản lý, kiểm soát đặc thù trong đào tạo; đưa ra các cảnh báo phù hợp nhằm tăng hiệu quả công tác chống gian lận, thất thu cho ngân sách. Cơ quan ban, ngành phối hợp đồng bộ, thống nhất công tác quản lý đối với phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập khi XNC; liên kết cập nhật, kết xuất, chia sẻ, tra cứu thông tin đảm bảo chính xác, đầy đủ, minh bạch và hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, kiểm tra thực tế, xác nhận và giám sát chặt chẽ quá trình làm thủ tục; áp dụng quản lý rủi ro để kiểm soát các hành vi vi phạm; thanh, kiểm tra sau thông quan; phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng và địa phương; tham mưu Chính phủ cơ chế quản lý phù hợp, tránh chồng chéo. Song song đó, tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, hạ tầng, công nghệ thông tin, tích hợp các hệ thống thông tin dữ liệu hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh và các hệ thống dữ liệu nghiệp vụ hải quan khác, khắc phục tình trạng tắc nghẽn, lỗi sự cố, đảm bảo truyền nhận và xử lý dữ liệu trực tuyến thuận lợi; đầu tư, bố trí trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, dụng cụ hỗ trợ như seal điện tử, seal định vị, bơm điện tử, thiết bị đo điện tử... phù hợp với thực tế; nghiên cứu nâng cấp Hệ thống quản lý phương tiện XNC theo hướng tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin hồ sơ, thủ tục...
|