Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Ảnh: Internet Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), khối lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu trong 3 năm gần đây đều tăng đáng kể. Cụ thể, khối lượng nhập khẩu năm 2017 là khoảng 220.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016 (xấp xỉ 102.000 tấn). Trong số đó, phải kể đến phân bón vi sinh vật, khối lượng nhập khẩu năm 2017 (617 tấn) tăng gấp 6 lần so với năm 2015 (126 tấn) và tăng 2 lần so với 2016 (319 tấn).
Tuy vậy, phát biểu tại Hội nghị "Phát triển phân bón hữu cơ" do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 9/3, tại Hà Nôị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất, kinh doanh và sử dụng mới là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học. Như vậy, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước thuộc loại phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ.
Với việc mất cân đối giữa việc sử dụng phân bón vô cơ và hữu cơ đang gây nhiều hệ lụy đến hệ sinh thái nông nghiệp cũng như chất lượng nông sản. Theo các số liệu của Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO), việc lạm dụng phân bón vô cơ đã dẫn đến hiện tượng đất nông nghiệp đang suy giảm độ phì nhiêu, một số diện tích đã bị thoái hóa nghiêm trọng do xói mòn, rửa trồi, chua mặn hóa,… Đồng thời, việc lạm dụng phân bón vô cơ cũng dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Sản phẩm nông sản sẽ gặp khó khăn khi lạm dụng phân bón vô cơ bởi đòi hỏi ngày càng cao hơn của thị trường trong nước và quốc tế về hướng thân thiện môi trường, hướng hữu cơ, nông nghiệp đặc sản. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi các giải pháp thích ứng, trong đó, biện pháp canh tác là một trong những giải pháp chủ động, căn cơ ban đầu trong nhóm hệ thống canh tác.
Ông Hoàng Trung thông tin thêm: Với con số chỉ có 713 sản phẩm phân bón hữu cơ trên tổng số 180 doanh nghiệp được cấp Giấy phép sản xuất hiện nay, nếu tính hết công suất thiết kế cũng chỉ 2,5 triệu tấn. Đây là con số nhỏ bé và khiêm tốn so với ngành phân bón trị giá hàng tỷ USD của Việt Nam.
Trong khi đó, nói đến nông nghiệp hữu cơ thì một trong những nguyên liệu đầu vào phải là phân bón hữu cơ. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để hình thành một nền sản xuất phân hữu cơ quy mô, đáp ứng đủ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới phải tăng số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ lên 10%, cụ thể là cố gắng tăng lượng phân hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm thay vì chỉ gần 1 triệu tấn như hiện nay.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận: Việt Nam có thể phát triển nhanh phân bón hữu cơ về sản xuất và tiêu thụ, bởi đây là phân bón truyền thống thường được sử dụng trong nông nghiệp. “Chúng ta có 10 triệu ha đất canh tác, có hơn 20 triệu ha lượt đất canh tác, nếu bình quân mỗi ha sử dụng 10 tấn phân hữu cơ, chúng ta cần trong tương lai hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 43 nghìn ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Để phát triển phân bón hữu cơ, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ. Trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ. Do đó, việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu, cần tập trung ở 3 khu vực: Nhóm giải pháp của Chính phủ, hành động quyết liệt của doanh nghiệp và sự ủng hộ vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm cũng như ứng dụng đưa vào sản xuất.
Tại hội nghị, một số đại biểu khác bổ sung: Để thúc đẩy phát triển phân bón hữu cơ, thời gian tới cần tập trung rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng nhằm tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý; xây dựng quy hoạch quốc gia về sản xuất phân bón trên cơ sở cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, nâng dần tỷ trọng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý chất lượng phân bón hữu cơ, có cơ chế thanh tra, kiểm tra thường xuyên…
|