Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng nợ thuế là do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình trạng khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thua lỗ, phá sản, vay nợ ngân hàng lớn, dẫn đến không chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời vẫn còn nhiều trường hợp cố tình chiếm dụng tiền thuế.
Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế hiệu quả chưa cao là do thiếu cán bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn chưa kịp thời; một số ngân hàng chưa tích cực phối hợp hỗ trợ trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp để xử lý nợ thuế.
Ngoài ra, các cá nhân, hộ kinh doanh còn nợ thuế nhưng đã ngưng hoạt động, mất tích và hiện cơ quan Thuế chưa xác định được doanh nghiệp đó có còn tài sản để nộp tiền thuế hay không; một số doanh nghiệp đã phá sản nhưng không làm đầy đủ các thủ tục theo quy định nên chưa có đủ cơ sở xem xét xóa nợ thuế…
Nhằm khắc phục tình trạng nợ thuế, trốn thuế và hạn chế phát sinh số nợ mới, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo các cơ quan trong ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế.
Trong đó, các cơ quan thu xây dựng kế hoạch thu tiền nợ thuế theo từng tháng và đề ra các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả; giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện, chi tiết đối với từng người nợ thuế, từng cán bộ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nợ thuế; đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng quản lý nợ thuế cho đội ngũ làm công tác quản lý nợ tại cơ quan Thuế các cấp.
Bộ Tài chính sẽ triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Trong đó, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn về việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế như thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đề xuất, áp dụng các biện pháp quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra về thuế và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế…
Mặt khác, cơ quan thu các cấp sẽ chủ động đề xuất với ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế cũng sẽ rà soát, xem xét gia hạn nộp thuế đối với trường hợp doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp có nợ thuế do chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong toả tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. |
Đức Minh