Thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh tăng Theo Nghị quyết 954, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Theo đó, chỉ khi người nộp thuế có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) trở lên mới phải nộp thuế nếu không có người phụ thuộc. Trường hợp người nộp thuế có người phụ thuộc, thì tùy thuộc số người phụ thuộc, mức thu nhập chịu thuế sẽ tăng lên tương ứng. Cụ thể: nếu người nộp thuế không có người phụ thuộc, thì người nộp thuế có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng phải nộp thuế thu nhập cá nhân; có 1 người phụ thuộc thì thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng phải nộp thuế; có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 19,8 triệu đồng/tháng phải nộp thuế; có 3 người phụ thuộc thì thu nhập trên 24,2 triệu đồng/tháng phải nộp thuế. Thời hạn quyết toán thuế kéo dài thêm một tháng Theo bà Âu Thị Nguyệt Liên - Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Thừa Thiên Huế), thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được kéo dài thêm 1 tháng (kể từ ngày kết thúc năm dương lịch) so với quy định trước đây. Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 44, Luật Quản lý thuế số 38 quy định rõ thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế. Đối với tổ chức trả thu nhập, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán chậm nhất vẫn là ngày cuối cùng của tháng 3, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Các trường hợp phải quyết toán thuế TNCN, theo điểm d, Khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế trong các trường hợp sau đây: Cá nhân có số thuế có số thuế phải nộp thêm (trừ các trường hợp cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống). Cá nhân có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên. Những trường hợp không phải quyết toán thuế Cá nhân có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn, hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo, nhưng nếu cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế, hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo thì không phải quyết toán thuế TNCN. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10%, nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. Ủy quyền quyết toán thuế Theo Khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/NĐ-CP quy định cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10%, nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
Nhật Minh |