VHO - Ở làng chài thôn Hải Ninh,ữlửanghệthuậthátbảtrạti so ti le xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có những người vẫn đang âm thầm “giữ lửa” cho một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc bả trạo.
Mê hát bả trạo
Ông Nguyễn Tấn Sâm (55 tuổi), sinh ra ở làng biển xã Bình Thạnh, lớn lên cùng sông nước và lễ cúng cá Ông đặc trưng của vùng biển. Vì vậy, câu hát bả trạo ngấm dần trong ông Sâm và trở thành niềm đam mê theo ông suốt đời.
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà đối diện hướng ra cửa biển, giọng nói hào sảng, ông Sâm kể, câu hát bả trạo thấm thía trong ký ức ông và trở thành niềm đam mê theo ông từ những ngày còn nhỏ. Qua năm tháng thời gian, đến nay ông dường như có mặt ở hầu hết các lễ cầu ngư để nghe hát bả trạo và vừa nhẩm theo những từ ngữ, câu hát trong phần lễ hát bả trạo. Trong đội hát bả trạo có 12 hoặc 16 con trạo, 3 ông Tổng và ông Sâm đảm nhận vai Tổng Tiền hay còn gọi là Tổng Mũi. Theo đó, nhiệm vụ của ông trong lễ cầu ngư hát bả trạo là điều khiển con thuyền, con trạo theo như các động tác vào thuyền, chèo thuyền và điều khiển trạo nghỉ ngơi.
Ông Sâm cho biết, nhạc cụ của hát bả trạo có đàn cò, trống, kèn và sênh. Nghệ thuật trình diễn và hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi.
Theo ông Sâm, hát bả trạo đòi hỏi người theo đuổi phải tâm huyết, khổ công luyện tập, thuộc lòng nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa và giai điệu của cả bài hát. Vì đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ, linh thiêng. Người hát bả trạo phải đem niềm vui, nhiệt huyết của người con miền biển gửi gắm linh thiêng và thể hiện trọn vẹn vào lời hát bả trạo.
“Tôi quyết tâm gìn giữ, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật bả trạo cố gắng mỗi ngày để thế hệ cháu con ở làng chài thôn Hải Ninh lớn lên hiểu được nguồn cội văn hóa của biết bao thế hệ cha ông đi trước đã dày công gây dựng. Đó vừa là niềm tin, là cái đích, là hạnh phúc sau cùng để tôi hướng tới!”, ông Sâm bộc bạch.
Phục dựng lại bả trạo
Ngồi lật từng trang của tập tư liệu “Âm vang một vùng biển” nghệ nhân ưu tú Đình Khôi, xã Bình Thạnh cho biết: “Tôi đã đi về các làng quê vùng biển Quảng Ngãi và các địa phương lân cận, gặp gỡ các lão làng để viết lại các câu hát bả trạo. Cùng với việc sưu tầm, tìm hiểu, học hỏi loại hình hát bả trạo và từ đó chúng tôi thành lập Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Bình Thạnh rồi dàn dựng, tập luyện kỹ càng để đi trình diễn ở các lễ hội cầu ngư là một “câu chuyện” dài về tâm huyết của tôi”.
Đây là tập tư liệu sưu tầm cá nhân, nhưng đã khái quát được nhiều nét văn hóa dân gian đậm đà bản sắc của một vùng quê ven biển. Tập tư liệu đã tái hiện lễ hội cầu ngư - giỗ thần Nam Hải, chèo hát bả trạo, múa gươm, hội đua thuyền truyền thống trên sông Trà Bồng, hội bài chòi, cùng với các trò chơi dân gian như thi đan lưới, rót nước mắm vào chai, thi cắn phôi nạp chì, kéo co... thường diễn ra trong các lễ hội của làng, nhất là dịp tháng Giêng hằng năm.
Thông qua các điệu hò bả trạo, hò chèo thuyền, hát nam khách mà những câu hát của ngư dân làng biển không bị mai một: “Biển Đông chung đúc, nước Việt anh linh, thần có mầu nhiệm, thánh đức thanh lương...”, hay khi vào bến tổng hậu hò: “Mái chèo khi nhặt, khi lơi. Miễn sao vào lộng ra khơi vững vàng”...
Ông Đình Khôi nay đã 74 tuổi, nhưng có hơn 50 năm dành trọn cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Ở làng chài, theo thời gian, những điệu hò bả trạo, hát múa gươm trong các ngày lễ cầu ngư, lễ hoàn nguyện lần lượt bị mai một. Ông Khôi đau đáu một niềm riêng, muốn được sống trong bầu không khí của tuổi thơ đầy ngọt ngào của ca từ mỗi khi thuyền ra khơi, về lộng, mỗi khi lễ hội, Tết đến. Rồi có lần như “cơ duyên” đoàn làm phim của Đài Truyền hình Đà Nẵng, do nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao về làm phim ở vùng cửa biển Sa Cần, ông về quê tham gia giúp đoàn làm phim và qua các cụ Phạm Đồng, Võ Văn Thinh, Dương Xuyên, Nguyễn Thị Đắng, ông hiểu thêm về văn hóa biển.
Ông Khôi đã sưu tầm, phục dựng tất cả các lời ca điệu múa, bả trạo, bài chòi... và chép thành cuốn tư liệu. Cũng nhờ cuốn tư liệu của ông mà thế hệ cháu con ở làng hiểu rõ hơn về nét văn hóa, về các làng điệu của cha ông ngày trước. Đến ngày Tết những làn điệu bài chòi, bả trạo lại vang lên trong vạn chài là ông Khôi thấy vui vì mình đã có công đóng góp giữ gìn nét văn hóa của làng biển quê hương.
Ông Khôi là người có công lớn trong việc tìm kiếm, tập hợp những người cùng tâm huyết, say mê và trao truyền lại cho những người trẻ tuổi, đến với hát bả trạo để xã biển Bình Thạnh hôm nay giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo này.